Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp sàn giá vé máy bay là không công bằng

Quý Nguyễn/GTHN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất áp sàn giá vé máy bay tiếp tục nhận được những phản hồi không tích cực từ các chuyên gia.

Ngày 27/9, tại buổi Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất áp sàn giá vé máy bay.
Nguy cơ bị quốc tế cấm bay
Đại diện cho Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch Vietnam Airlines đã có những lập luận nhằm bảo vệ cho đề xuất áp sàn giá vé máy bay mà hãng này đưa ra.
Theo ông Đặng Ngọc Hòa, hiện giá vé máy bay chỉ còn khoảng 40% so với giai đoạn 2018-2019, do tất cả các hãng đều không bay được. Tại Việt Nam, hiện có 250 máy bay đang đậu ở tất cả các sân bay, thậm chí nhiều sân bay không còn chỗ đậu.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, do dịch bệnh Covid-19 nên giá vé máy bay đang ở mức rất thấp. Thậm chí, ông Hòa còn dự đoán, khi thị trường có khả năng phục hồi bay thì các hãng hàng không sẽ tiếp tục đưa ra mức giá vé chủ yếu là để “đỡ hỏng máy bay”.
Chủ tịch Vietnam Airlines cho rằng, việc để giá vé máy bay thấp sẽ làm ảnh hưởng tới an toàn hàng không. Bởi nếu các hãng hạ giá vé thấp hơn cả giá xăng dầu cho một chuyến bay sẽ ảnh hưởng tới chi phí an toàn hàng không, nguy cơ sự cố an toàn hàng không và ảnh hưởng tới quốc gia.
  Đề xuất áp sàn giá vé máy bay tiếp tục vấp phải phản hồi không tích cực từ các chuyên gia (Ảnh: Internet).
Ông Đặng Ngọc Hòa lấy ví dụ trường hợp một số hãng bay của nước láng giềng trong khối ASEAN là Indonesia đã bị phía châu Âu, Mỹ cấm vận bay vì hạ giá vé máy bay xuống thấp. Sau đó, quốc gia này đã phải đưa ra mức giá vé máy bay không quá thấp để đảm bảo an toàn hàng không.
Ngoài ra, vị lãnh đạo Vietnam Airlines còn khẳng định, hạ giá vé máy bay thấp sẽ khiến “tất cả các hãng hàng không đều yếu” và bày tỏ lo ngại cho “tình trạng sức khỏe” của các hãng hàng không của Việt Nam “sau khi dịch phục hồi” sẽ “không đủ để cạnh tranh với nhau, chứ chưa nói gì chuyện ra khu vực và quốc tế".
Kết lại phần lập luận của mình, ông Đặng Ngọc Hòa khẳng định, việc áp sàn giá vé máy bay mà Vietnam Airlines đề xuất trên thực tế “không phải là áp giá sàn” mà chính là biện pháp để “chống phá giá, chống giảm giá vé dưới chi phí”.
Gây hoang mang và khó cho doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia đều bày tỏ sự quan ngại về đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines. TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế khẳng định, đề xuất áp sàn giá vé máy bay là một trong số những “phát sinh mới gây hoang mang và khó cho doanh nghiệp” trong thời gian qua.
Chuyên gia kinh tế này cho biết, đề xuất trên đã có nhiều ý kiến không đồng thuận, cho rằng vi phạm luật giá cả, luật doanh nghiệp Nhà nước vừa thông qua năm ngoái là bình đẳng các khối doanh nghiệp với nhau.
Theo TS Cấn Văn Lực, dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó có các doanh nghiệp hàng không. Trên thực tế, đã có 88 quốc gia trên thế giới đưa ra những biện pháp hỗ trợ với các doanh nghiệp hàng không bị thiệt hại vì dịch bệnh trong thời gian qua.
Bày tỏ quan điểm của mình, TS Cấn Văn Lực cho rằng, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không thiệt hại vì Covid-19 nên xem xét hỗ trợ cả các hãng hàng không tư nhân. Trong đó, chính sách hỗ trợ có thể là cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận, có ưu đãi đối với hãng hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng phục hồi trung - dài hạn là tích cực.
Trong khi đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định áp sàn giá vé máy bay là không công bằng. “Hãng 3 sao phải bán giá như 5 sao, vậy thì ai mua hãng 3 sao? Áp như vậy là giết chết hãng hàng không. Chính sách khi ban hành phải công bằng, tạo ra bình đẳng chứ không tạo ra bất hợp lý” – TS Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Theo chuyên gia này, nếu ngành hàng không áp sàn giá vé máy bay như đề xuất của Vietnam Airlines thì chính sách này hoàn toàn có thể giết chết một hãng hàng không. “Chính sách khi đã ban hành phải rất cân nhắc để không tạo ra bất bình đẳng, không tạo ra những khoản tô hết sức bất hợp lý cho nền kinh tế" - TS Nguyễn Sỹ Dũng nhận định.
Đừng dồn các hãng hàng không tư nhân vào chân tường
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – Chuyên gia hàng không bày tỏ quan ngại về những hệ lụy khó lường sẽ xảy ra với những hãng hàng không tư nhân nếu như đề xuất áp sàn giá vé máy bay của Vietnam Airlines được thông qua.
Theo chuyên gia hàng không này, Việt Nam đã mất rất nhiều thời gian để xây dựng được một ngành hàng không lớn mạnh như hiện nay. Một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá sự lớn mạnh của ngành hàng không một quốc gia chính là sức cạnh tranh trong nội tại ngành.
Mà muốn có sự cạnh tranh trong nội tại ngành, điều kiện quan trọng nhất là phải có nhiều hãng bay cùng tồn tại và phát triển. Hiện nay, chúng ta có 4 hãng hàng không là Vietnam Airlines Group (bao gồm cả Vasco và Pacific Airlines), Vietjet Air, Bamboo Airway và Vietravel Airlines.
Trong số này chỉ duy nhất Vietnm Airlines là doanh nghiệp Nhà nước, các hãng còn lại đều là doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt, Vietjet Air được biết tới là hãng hàng không tư nhân lớn mạnh nhất hiện nay và sự phát triển của hãng bay này gắn liền với chính sách khai thác tập trung vào phân khúc thị trường hàng không giá rẻ.
“Áp sàn giá vé máy bay để bảo vệ Vietnam Airlines là doanh nghiệp Nhà nước nhưng sẽ đẩy các hãng hàng không tư nhân còn lại rơi vào khó khăn, cùng cực. Các hãng bay này đều đang rất yếu khi vừa trải qua thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Họ hoàn toàn có thể phá sản nếu tiếp tục bị đẩy vào khó khăn, cùng cực” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.