Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp thuế VAT với hàng nhập khẩu giá trị thấp: bước đi cần thiết

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 18/2/2025, hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không còn được miễn thuế VAT, tạo sự công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng trong nước, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, chính sách này cũng khiến không ít doanh nghiệp và người tiêu dùng lo ngại.

Ngày đầu áp thuế, thu vượt 6 tỷ đồng

Những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với những món hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Với ưu thế về giá thành và chính sách miễn thuế VAT, các sản phẩm này dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn so với hàng sản xuất trong nước. Nhờ đó, không ít người tiêu dùng đã quen thuộc với việc mua sắm những sản phẩm có giá chỉ vài trăm nghìn đồng từ các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop mà không phải lo lắng về thuế.

Hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không còn được miễn thuế VAT.
Hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không còn được miễn thuế VAT.

Tuy nhiên, kể từ ngày 18/2/2025, điều này sẽ thay đổi. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định rằng, việc áp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị thấp không phải là một động thái bất thường, mà là xu hướng chung trên thế giới.

Ông Thịnh cho rằng, chính sách này không chỉ giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra sự công bằng hơn trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và hàng nhập khẩu.

Theo ông, trong khi các doanh nghiệp sản xuất nội địa từ trước đến nay vẫn phải chịu thuế VAT đầy đủ, thì hàng nhập khẩu giá trị thấp lại được miễn thuế, dẫn đến tình trạng mất cân bằng. Sự thay đổi chính sách này sẽ giúp giảm bớt chênh lệch đó, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp nội địa.

Bên cạnh đó, việc áp thuế cũng nhằm hạn chế tình trạng lách luật, chia nhỏ đơn hàng để trốn thuế. Trước đây, nhiều cá nhân và tổ chức lợi dụng chính sách miễn thuế này bằng cách tách nhỏ đơn hàng dưới ngưỡng quy định để né tránh nghĩa vụ thuế.

Bộ Tài chính cho biết việc bãi bỏ miễn thuế VAT dự kiến sẽ giúp tăng nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, đầu tư cho hạ tầng, giáo dục và y tế.

Hàng nhập khẩu giá rẻ không còn lợi thế

Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên áp dụng chính sách này. Trên thế giới, nhiều nước đã có những biện pháp siết chặt thuế đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp nhằm kiểm soát thương mại điện tử xuyên biên giới.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam không đi ngược xu hướng mà chỉ đang theo kịp các quốc gia khác trong việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Ông nhấn mạnh rằng việc này không chỉ giúp tăng nguồn thu mà còn tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng hơn, khuyến khích sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Dù chính sách mới được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích, nhưng đối với người tiêu dùng và các tiểu thương kinh doanh hàng nhập khẩu nhỏ lẻ, đây có thể là một thách thức không nhỏ.

Chị Lan Anh, 27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho biết: “Trước đây, tôi thường xuyên đặt mua mỹ phẩm, phụ kiện từ Trung Quốc qua các sàn thương mại điện tử. Mỗi lần mua chỉ khoảng 200.000 - 500.000 đồng. Nếu phải đóng thêm thuế VAT 10%, giá sẽ đội lên đáng kể”.

Không chỉ người tiêu dùng, các tiểu thương chuyên kinh doanh hàng nhập khẩu cũng đối mặt với bài toán khó. Anh Nguyễn Văn Quang, chủ một cửa hàng chuyên nhập khẩu phụ kiện điện thoại từ Trung Quốc, chia sẻ: “Chúng tôi nhập hàng theo lô nhỏ để tối ưu chi phí và tránh các khoản thuế không cần thiết. Nếu bây giờ bị áp thuế VAT, chúng tôi sẽ phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận. Với tình hình hiện tại, điều này có thể khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn”.

Nhiều tiểu thương lo ngại rằng giá cả tăng lên sẽ làm giảm sức mua của khách hàng. Những mặt hàng trước đây được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ giá rẻ giờ có thể mất lợi thế cạnh tranh, nhất là khi mức thu nhập của nhiều người vẫn còn hạn chế.

Dù vậy, với nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước, đây lại là cơ hội lớn. Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chính sách thuế mới có thể giúp hàng hóa nội địa giành lại thị phần đã bị hàng nhập khẩu giá rẻ lấn át trong thời gian qua. Khi không còn chênh lệch thuế giữa hai loại hàng hóa, sản phẩm trong nước sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

Trước những thay đổi trên, vị chuyên gia này khuyến nghị người tiêu dùng có thể cân nhắc lựa chọn các sản phẩm nội địa thay vì hàng nhập khẩu để giảm chi phí. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu cần tìm cách tối ưu hóa chi phí, minh bạch trong kê khai thuế để tránh rủi ro pháp lý.