APEC 2027: cơ hội “vàng” cho bất động sản Phú Quốc phát triển
Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, việc tổ chức APEC 2027 sẽ giúp Phú Quốc thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, hạ tầng xã hội, kỳ vọng thu hút nhiều tỷ USD vào nơi này sau sự kiện diễn ra. Tuy nhiên, để phát triển, địa phương này vẫn cần những cơ chế đặc thù.
Phú Quốc – hưởng lợi phát triển hạ tầng
Ngày 18/4, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng UBND TP Phú Quốc, các tập đoàn phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tổ chức Hội thảo "Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC 2027 và sự phát triển bền vững" tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Quang cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Quê, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, những năm qua Phú Quốc đã có sự thay đổi ngoạn mục về cơ sở hạ tầng, hạ tầng xã hội, hay thông tin lên đặc khu. Sự đổ bộ của các chủ đầu tư lớn như VIN, SUN, CEO, BIM, MIK... mang đến sự thay đổi tích cực cho ngành du lịch, kinh tế của đảo ngọc.
Theo ông Nguyễn Anh Quê, thị trường bất động sản Phú Quốc hiện đã có dấu hiệu thoát đáy với lượng giao dịch khá tốt từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều giao dịch tăng giá từ 20% đến 500%.
Tuy nhiên, những giao dịch này tập trung chủ yếu ở ven đường quy hoạch ven biển phía tây, ven đường quy hoạch ven sông Dương Đông, ven đường quy hoạch đại lộ Đông - Tây… và các nền đất nhỏ thổ cư trong trung tâm, ven trung tâm, mặt tiền đường lớn kinh doanh tốt. Còn đất nền xa trung tâm hay bất động sản trong các dự án chưa có nhiều giao dịch.
Ngoài ra, nhiều phân khúc, loại hình bất động sản ở Phú Quốc hiện nay vẫn chưa phục hồi được đỉnh giá 2018 như đất nền xa trung tâm, shophouse dự án, biệt thự nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Anh Quê - Uỷ viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu ý kiến tại Hội thảo.
“Tôi tin rằng với việc APEC 2027 tổ chức tại Phú Quốc, bất động sản nơi này sẽ thực sự thoát đáy vào quý IV/2025 và kỳ vọng tăng giá trung bình 30-50% so với hiện nay. Việc tổ chức APEC 2027 sẽ giúp Phú Quốc thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, hạ tầng xã hội, kỳ vọng sẽ thu hút nhiều tỷ USD vào nơi này sau sự kiện APEC 2027 diễn ra” - ông Nguyễn Anh Quê nhận định.
Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn G6, hiện nay nhiều chủ đầu tư lớn đang cấp tập hoàn thiện các bước pháp lý dự án cuối cùng để ra hàng vào giai đoạn 2025-2027.
Phú Quốc được Đảng và Nhà nước định hướng là trung tâm du lịch quốc tế, ngoài phát triển du lịch còn phát triển mạnh về tài chính, công nghệ cao và xuất nhập khẩu. Phú Quốc dự kiến sẽ trở thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không còn xa, điều này sẽ giúp Phú Quốc phát triển vượt bậc, phát huy các lợi thế vốn có của mình. Giá bất động sản Phú Quốc mặt bằng chung còn rẻ, thấp hơn rất nhiều TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thậm chí thấp hơn nhiều so với Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long.

Phú Quốc kỳ vọng thu hút nhiều tỷ USD sau sự kiện APEC 2027.
“APEC 2027 sẽ làm thay đổi cơ bản cơ sở hạ tầng nơi đây và hạ tầng xã hội ngày càng được chú trọng. Chính vì vậy, đầu tư bất động sản Phú Quốc lúc này rất tiềm năng. Bất động sản Phú Quốc thuộc top có dư địa tăng giá cao nhất nước ta, tuy nhiên nhà đầu tư phải chọn bất động sản pháp lý tốt, quy hoạch tốt, vị trí tốt” - ông Nguyễn Anh Quê nhận định.
Cần có cơ chế “đặc thù”
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, 2 tháng đầu năm 2025, Phú Quốc liên tục nhận được các tin vui, được lựa chọn là nơi đăng cai tổ chức APEC 2027, được công nhận là đô thị loại I, được chuyên trang du lịch Travel Off Path lựa chọn là một trong top 5 điểm đến phát triển du lịch nhanh nhất Đông Nam Á; đồng thời được Hãng thông tấn CNA của Singapore vinh danh trong top 25 điểm đến của năm 2025. Phú Quốc đã đón 1.413.419 lượt khách du lịch, trong đó có 320.888 lượt khách quốc tế tăng 52,7% so cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thách thức rất lớn của Phú Quốc là thời gian thực tế chỉ còn khoảng 19-29 tháng để thực hiện khoảng 30 dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới để phục vụ APEC 2027 như: nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Quốc, sân bay Rạch Giá; xây dựng mới Trung tâm tổ chức Hội nghị APEC và Trung tâm báo chí (lấn biển khoảng 57 ha); nâng cấp, mở rộng đường giao thông và chỉnh trang đô thị; các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027 gắn liền với sự phát triển bền vững của thành phố Phú Quốc….

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA phát biểu tại Hội thảo.
Do đó, để APEC 2027 thành công và Phú Quốc phát triển bền vững theo định hướng là trung tâm du lịch quốc tế, ngoài phát triển du lịch còn phát triển mạnh về tài chính, công nghệ cao và xuất nhập khẩu, HoREA rất tán thành các kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ xem xét chấp thuận một số cơ chế, chính sách cần thiết.
Cụ thể, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án, công trình cấp thiết phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027; cho áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 44a Nghị định 17/2025/NĐ-CP; đề xuất cho phép áp dụng hình thức thực hiện các dự án, công trình cấp thiết phục vụ APEC 2027 từ nguồn vốn đầu tư công theo trường hợp khẩn cấp.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ tại Hội thảo.
Cùng với đó là các đề xuất phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Kiên Giang quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Kiên Giang theo quy trình thủ tục rút gọn.
Đề nghị chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu phân bổ đất đai cho tỉnh Kiên Giang theo hướng giảm 1.000ha đất rừng phòng hộ để triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, tái định cư, công trình văn hóa, thể thao, dịch vụ du lịch.
“HoREA đề nghị giữ mô hình “thành phố Phú Quốc là cấp chính quyền cơ sở” (cấp xã) thuộc tỉnh (dự kiến sau khi thực hiện sáp nhập tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang) để bảo đảm tính chỉnh thể của thành phố Phú Quốc hiện nay”- ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC 2027 và sự phát triển bền vững
Kinhtedothi - Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2027) diễn ra tại Phú Quốc, được kì vọng sẽ tạo nên và để lại nhiều cơ hội quý giá, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại đảo Ngọc…

Kích hoạt “mỏ vàng” bất động sản du lịch Phú Quốc: Tầm nhìn APEC 2027 và hơn thế nữa
Kinhtedothi - Phú Quốc - "hòn đảo ngọc" của Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ là điểm đến du lịch quốc tế mà còn là trung tâm phát triển bất động sản nghỉ dưỡng đầy tiềm năng. Hướng tới APEC 2027, Phú Quốc cần có chiến lược rõ ràng, bài bản để phát triển lĩnh vực bất động sản du lịch theo hướng bền vững, hiện đại và hội nhập.
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC năm 2027 và sự phát triển bền vững
Kinhtedothi - Chiều 18/4, tại Hội trường UBND TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với UBND TP Phú Quốc tổ chức Hội thảo “Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC năm 2027 và sự phát triển bền vững”.