APEC bàn về tái cấu trúc nền kinh tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi nền kinh tế đang dần hồi phục, các nhà lãnh đạo bắt đầu nói chuyện về những bài học cần rút ra sau suy thoái.

KTĐT - Khi nền kinh tế đang dần hồi phục, các nhà lãnh đạo bắt đầu nói chuyện về những bài học cần rút ra sau suy thoái.

Hôm qua 13/11, các nhà lãnh đạo từ 21 nền kinh tế thuộc Diễn đàn kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tụ họp nhau tại Singapore, để bàn về tái cân bằng và tái cam kết.

Cuộc họp cấp cao của các nhà lãnh đạo, nằm trong diễn đàn APEC lần này tập trung vào đà phục hồi yếu ớt sau suy thoái kinh tế toàn cầu, kế hoạch lập một khu vực tự do thương mại Thái Bình Dương vào năm 2020, biến đổi khí hậu và an ninh khu vực. Trả lời phỏng vấn của BBC trước thềm cuộc họp cấp cao, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết hai từ chính sẽ là "tái cân bằng" và "tái cam kết".

Khi nền kinh tế đang dần hồi phục, các nhà lãnh đạo bắt đầu nói chuyện về những bài học cần rút ra sau suy thoái. "Nước Mỹ cần giảm vay mượn và tăng tích trữ", Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định, "điều này cũng có nghĩa là ở một nền kinh tế khác trên thế giới, người ta cần giảm tích trữ và tăng chi tiêu. Ví dụ một số nước có tỷ lệ tiết kiệm cao như Trung Quốc, cần có sự điều chỉnh".

Đồng thời, Diễn đàn lần này cũng tập trung việc tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, với sự chuyển dịch sức mạnh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Lâu nay, trong khi Mỹ bận rộn ở Iraq, Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố, thì Trung Quốc âm thầm gây ảnh hưởng lên các nước châu Á châu Phi, Mỹ Latinh, cả về kinh tế lẫn chính trị.

Tuy nhiên, gần đây nước Mỹ tỏ ý muốn củng cố lại mối quan hệ với châu Á. Nhân Diễn đàn lẫn này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng thực hiện chuyến công du đầu tiên tới châu lục, đi thăm các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

"Chúng ta đều muốn một môi trường cạnh tranh mang tính xây dựng và hòa bình. Nếu có một kẽ nứt nào chia cắt Thái Bình Dường, đó sẽ là vấn đề lớn với toàn thế giới, bao gồm Mỹ và Trung Quốc", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định. BBC cho rằng đó cũng là quan điểm của Washington.

Bên cạnh đó, những cuộc thảo luận đầu tiên đã đi đến thống nhất rằng các nền kinh tế khác nhau cần kế hoạch rút chính sách kích thích khác nhau, tùy vào hoàn cảnh của từng quốc gia. Nếu rút gói kích cầu quá muộn, thị trường sẽ lâm vào tình trang bong bóng chứng khoán và bất động sản, Thủ tướng Singapore cảnh báo. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng các nước cần đảm bảo không rút gói kích cầu quá đột ngột khi nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi.

Cuộc họp cấp cao diễn ra sáng nay, sau Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao và thương mại APEC (AMM), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính lần thứ 16, Hội nghị các giám đốc điều hành, với sự tham gia của nhà lãnh đạo từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã lên đường sang tham dự Diễn đàn.

Diễn đàn Kinh tế kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC là tập hợp 21 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 44% thương mại và 40% dân số toàn cầu sẽ tụ họp nhau để thảo luận các vấn đề kinh tễ vĩ mô. 21 quốc gia, vùng lãnh thổ này bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada, Chile, Hong Kong, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Hàn Quốc, Đài Loan và 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN, diễn ra tại Singapore.