KTĐT - Thủ tướng Singapore giải thích, phát triển bền vững nghĩa là hoạt động vì một kết quả đầy tham vọng tại hội nghị về khí hậu ở Copenhagen vào tháng sau.
Các nhà lãnh đạo APEC, gồm cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc hôm 15/11 cam kết bác bỏ bảo hộ thương mại và theo đuổi một chiến lược phát triển mới sau khi thế giới phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
Các lãnh đạo diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), những người lèo lái hơn 1/2 nền kinh tế toàn cầu, cũng tuyên bố, họ sẽ tiếp tục thực hiện những khoản kích thích chi tiêu cho tới khi sự hồi phục kinh tế lâu bền trở nên rõ ràng.
Tại hội nghị ở Singapore, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc các nhà lãnh đạo châu Á xem xét lại nền kinh tế hướng xuất khẩu và tái cân bằng sự phát triển hoặc phải đối mặt với việc trượt từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng là chủ đề của nhiều chỉ trích tại Singapore vì sao lãng vấn đề thương mại tự do.
Trong tuyên bố bế mạc hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC tuyên bố: "Chúng tôi bác bỏ mọi hình thức bảo hộ và tái khẳng định cam kết mở cửa thị trường và kiềm chế dựng lên bất cứ rào cản nào mới với đầu tư hoặc thương mại hàng hoá, dịch vụ".
"Chúng ta không thể quay lại sự phát triển thông thường. Chúng ta cần một mô hình phát triển mới. Chúng ta cần một mô hình hoà nhập kinh tế mới. Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi phát triển cân bằng, đa dạng và bền vững, để đảm bảo sự hồi phục lâu dài sẽ tạo nên công ăn việc làm và làm lợi cho người dân".
Chủ tịch hội nghị - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói: "Để đạt được sự phát triển cân bằng, chúng ta cần thực hiện cải tổ cơ cấu để dần tháo gỡ sự bất cân bằng toàn cầu và nâng tổng sản lượng của nền kinh tế. Để đạt được sự phát triển toàn diện, chúng ta sẽ phải giúp người dân được tiếp cận nhiều hơn với những cơ hội kinh tế và giúp họ tạo dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc kinh tế".
Thủ tướng Singapore giải thích, phát triển bền vững nghĩa là hoạt động vì một kết quả đầy tham vọng tại hội nghị về khí hậu ở Copenhagen vào tháng sau. Tuy nhiên, trong khi thảo luận về vấn đề khí hậu tại hội nghị APEC, Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào - đại diện cho hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, lại không đi tới bất cứ một đột phá nào.