Hội nghị do Ban thư ký ASEAN phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 33 (AMAF- 33), cũng diễn ra tại Jakarta vào ngày mai (6/10). Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các nước ASEAN và nhiều nước khác, đại diện các tổ chức chính phủ, phi chính phủ; tổ chức khu vực, quốc tế; viện nghiên cứu và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan. Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu đã nghe trình bày 25 tham luận và tiến hành 6 cuộc thảo luận nhóm tập trung vào 4 chủ đề chính, gồm an ninh lương thực; sở hữu trí tuệ và thương mại nông sản; quy định và tiêu chuẩn về thương mại thực phẩm; và tạo điều kiện cho thương mại thực phẩm ở khu vực ASEAN. Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ban thư ký ASEAN, ông Suriyan Vichitlenkarn, đã giới thiệu chương trình chiến lược hành động và các sáng kiến nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho ASEAN, trong đó nhấn mạnh cần thực hiện chương trình dự trữ gạo khẩn cấp giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (APTERR) để có thể cứu trợ lương thực nhanh chóng cho các nước thành viên bị ảnh hưởng của thiên tai. Theo ông Suriyan, đảm bảo an ninh lương thực là một nội dung quan trọng đối với các nước ASEAN trên con đường xây dựng trụ cột Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Cũng theo ông Suriyan, để thực hiện hiệu quả điều này, các nước thành viên ASEAN phải đẩy mạnh cải cách các chính sách liên quan; tăng cường thu hút và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào công tác đảm bảo an ninh lương thực-thực phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại lương thực-thực phẩm qua biên giới và xây dựng các tiêu chuẩn chung ASEAN về lương thực-thực phẩm. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị cũng nhất trí cho rằng sự bất ổn về giá lương thực-thực phẩm, cũng như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp nói chung, an ninh lương thực nói riêng là những thách thức đáng lo ngại hiện nay. Theo các đại biểu, an ninh lương thực cần đi đôi với an toàn lương thực-thực phẩm, sử dụng hợp lý phân bón, thuốc trừ sâu; áp dụng công nghệ sinh học tiên tiến, trong đó có công nghệ biến đổi gen; và thống nhất các tiêu chuẩn chất lượng nhằm tạo thuận lợi cho các nhà sản xuất và buôn bán nhỏ. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất khởi động cơ chế đối thoại giữa khu vực tư nhân với chính phủ các nước ASEAN về thương mại thực phẩm trong khu vực. Hội nghị An ninh lương thực ASEAN lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 6/2010 tại Singapore, hội nghị lần thứ hai được tổ chức vào tháng 7/2011 tại Manila (Philippines)/.