Nói đến Văn Hoàn, ngay lập tức người hâm mộ nhớ đến hình ảnh một chiến binh với nụ cười luôn nở trên môi. Văn Hoàn trầm tính nhưng anh thực sự có duyên ngầm, khiến nhiều CĐV nữ phải đắm đuối.
So với những cầu thủ gốc Nghệ lên tuyển, hành trình của Văn Hoàn khá gập ghềnh. Anh được gọi lên tập trung cùng U23 Việt Nam tham dự SEA Games 26. Dù đã thi đấu đầy cố gắng và có bàn thắng, những nỗ lực của Văn Hoàn đã trở thành vô nghĩa khi U23 thời đó gần như chấp nhận buông xuôi, ngay cả trong trận tranh HC đồng với người Myanmar.
Âu Văn Hoàn là chiến binh ở đội tuyển Việt Nam. Ảnh: An Nhơn.
Ở CLB SLNA, Âu Văn Hoàn là lứa đàn em của Huy Hoàng, Cao Xuân Thắng, nên được “thừa hưởng” phong cách chơi bóng của một chiến binh đích thực. Âu Văn Hoàn nhanh chóng chiếm được vị trí chính thức ở CLB và được HLV Hữu Thắng hoàn toàn yên tâm nơi hành lang phải. Tuy nhiên, cũng phải nhờ đến may mắn, Âu Văn Hoàn mới được gọi lên tuyển dưới thời HLV Phan Thanh Hùng. Còn nhớ hồi tập trung đội tuyển hồi tháng 9 năm ngoái, sau khi hàng loạt hậu vệ bị chấn thương, HLV Phan Thanh Hùng đã trao cơ hội cho Văn Hoàn được thử sức trên tuyển. Song một lần nữa những lần lên tuyển của Âu Văn Hoàn lại gắn với thất bại cay đắng. Đội tuyển Việt Nam thua ê chề tại AFF Cup 2012, Âu Văn Hoàn cũng chưa kịp ghi nhiều dấu ấn.
Dù vậy, Văn Hoàn một lần nữa được HLV Hoàng Văn Phúc tin dùng ở đợt tập trung đầu năm nay. Lần này thì Âu Văn Hoàn đã bản lĩnh hơn rất nhiều. Nền tảng thể lực tốt, sự xông xáo, khả năng hỗ trợ tấn công được đánh giá rất cao, là những điểm mạnh của Âu Văn Hoàn. Chính sự cần cù, ngoan ngoãn, là những đức tính không phải cầu thủ V-League nào cũng có như hậu vệ người Nghệ An.
Bước sang năm Quý Tỵ, Văn Hoàn đã chính thức gia hạn hợp đồng với SLNA. Còn trên tuyển, anh ước mơ: “Đội tuyển sẽ thi đấu thành công tại vòng loại Asian Cup, các cầu thủ trẻ nhanh chóng tiến bộ để sẵn sàng bước vào cuộc chinh phục ngôi vô địch SEA Games 27”.
Nếu như Văn Hoàn đã tạo ra được những sự chú ý trong làng bóng vài năm qua, thì cái tên Gia Từ cho đến giờ vẫn khá xa lạ. Khởi nghiệp từ giải hạng Nhì trong màu áo đội Hà Tĩnh, Gia Từ được Ninh Bình mua về để chuẩn bị thế chỗ của đàn anh Như Thành. Cũng chỉ mất một năm, Gia Từ đã khẳng định được tài năng và ngay lập tức, anh lọt vào mắt xanh của HLV Phan Thanh Hùng. So với người đá cặp Minh Đức, Gia Từ vẫn còn kém kinh nghiệm hơn, nhưng anh chưa bao giờ cạn lửa nhiệt huyết. Đó là lý do mà trong lần tập trung vừa rồi, HLV Hoàng Văn Phúc đã gạt Minh Đức để trao cơ hội cho Gia Từ.
Được lên tuyển là một giấc mơ lớn với bất cứ cầu thủ nào, còn với Gia Từ, bên cạnh niềm vui được khoác áo đội tuyển, anh còn có ước mơ xây một căn nhà khang trang cho mẹ.
Mẹ Gia Từ năm nay đã gần 70 tuổi, nuôi 8 người con ăn học. So với các đồng đội, Gia Từ chính là người có hoàn cảnh nhất ở đội tuyển. Vì thế mà trong năm Quý Tỵ, các đồng đội của Gia Từ đã chúc cho anh tỏa sáng, được nhận mức lương xứng đáng hơn ở CLB.
Gương mặt cuối cùng là Nguyên Sa, cầu thủ được ví là “Minh Phương thứ hai” trên tuyển. Tất nhiên, để được như anh Minh Phương, Nguyên Sa vẫn phải cố gắng nhiều lắm. Điểm mạnh của Nguyên Sa là anh có kinh nghiệm, do được thường xuyên đá chính ở CLB Đà Nẵng. Tuy nhiên, Nguyên Sa vẫn còn thiếu những đường chuyền “độc” như Minh Phương. Khi mà tuyển Việt Nam đang kỳ vọng vào những dấu ấn của tuyến giữa trong lối chơi của mình, thì sự tỏa sáng của Nguyên Sa, sẽ góp phần làm nên những chiến thắng trong tương lai.