Ba ngày lên sàn đủ thăng trầm của thương hiệu bánh ngọt quen thuộc một thời

An An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau 3 ngày chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của thương hiệu bánh ngọt quen thuộc một thời Bảo Ngọc đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc thăng trầm.

 Mới lên sàn 3 ngày nhưng cổ phiếu BNA đã trải qua đủ cung bậc thăng trầm
Ngày 12/10/2020, 8 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc (mã giao dịch là BNA) với tổng giá trị niêm yết đạt 80 tỷ đồng chính thức được giao dịch trên thị trường niêm yết Sở GDCK Hà Nội.
Ngày đầu lên sàn, mã cổ phiếu này được giao dịch ở mốc 20.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là phiên giao dịch “thuận buồm xuôi gió” với việc tăng trần tới 30% đưa BNA tăng 1 mạch lên mốc 26.000 đồng/cổ phiếu. Tại phiên này, có hơn 168,8 nghìn cổ phiếu đã được khớp lệnh.
Phiên giao dịch tiếp đó thị trường cũng tiếp tục chứng kiến “tân binh” này tăng trần với mức tăng ít hơn là 10%. Khối lượng khớp lệnh cũng không kém cạnh phiên đầu tiên với 128 nghìn cổ phiếu BNA được khớp lệnh.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch thứ 3 ngày 14/10, đà tăng “tím ngắt” đã nhanh chóng dừng lại thay thế bằng sắc đỏ. BNA đã mất 2,1% giá trị để quay về mốc giá 28.000 đồng/cổ phiếu.
Có thể nói, với một “tân binh” như Bánh ngọt Bảo Ngọc, việc tăng tới 40% giá trị chỉ qua 3 phiên giao dịch là một sự khởi đầu khá ngọt ngào. Tính trung bình qua 3 phiên, khối lượng giao dịch đều đạt ở mức 150 nghìn cổ phiếu mỗi phiên, tương đương với giá trị giao dịch trung bình hơn 4,5 tỷ đồng mỗi phiên. 
Được biết, tiền thân của CTCP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc là tiệm bánh ngọt Bảo Ngọc tại phố Trần Bình Trọng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, hiện tại công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0105950129 do Sở kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp với số vốn điều lệ là 80 tỷ đồng.
Doanh thu của CTCP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất và kinh doanh các loại bánh, chiếm trên 98% trong cơ cấu doanh thu thuần hàng năm với các dòng sản phẩm chính bao gồm bánh tươi, bánh khô, bánh trung thu.
Năm 2019, Bảo Ngọc đã có 13.200 điểm hàng trực tiếp, 1.500 điểm bán  thuộc kênh MT- hệ thống chuỗi các siêu thị ở Hà Nội; 9.200 điểm bán qua kênh GT- hệ thống cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Năm 2019, công ty cũng phát triển gấp đôi kênh bán hàng MT tại TP. Hồ Chí Minh lên 1.600 điểm bán và tăng gần gấp 3 điểm bán lên 2.400 điểm bán qua kênh GT tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Năm 2019, lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh của BNA đạt 42,5 tỷ đồng, tăng 11,26% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, lợi nhuận gộp từ bán bánh tươi và bánh trung thu đạt gần 32 tỷ đồng, tăng 38,23% so với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận gộp từ bán bánh khô đạt gần 11 tỷ đồng, giảm 29,74% so với cùng kỳ năm 2018.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, HĐQT CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu hợp nhất 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 25 tỷ đồng; tăng 136% và 70% so với năm 2019. Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2019 với tổng 4 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, BNA đạt doanh thu hơn 123 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và lãi ròng lại giảm nhẹ 5%, xuống còn 7 tỷ đồng.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần