Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba nhóm đối tượng sẽ được tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH đề xuất từ ngày 1/7/2024, tăng lương hưu 15% và chia thành 3 nhóm đối tượng để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.

Bộ LĐTB&XH đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội 15%, thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới. Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng; tăng chi trợ cấp xã hội 38,9%, từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng.

Bộ LĐTB&XH đề xuất ba nhóm đối tượng được tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024. Ảnh minh họa: Internet.
Bộ LĐTB&XH đề xuất ba nhóm đối tượng được tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024. Ảnh minh họa: Internet.

Tham gia ý kiến về đề xuất phương án điều chỉnh lương hưu của người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Bộ Tài chính cho biết: theo ước tính sơ bộ, nhu cầu kinh phí ngân sách năm 2024 tăng thêm so với dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện phương án đề xuất của Bộ LĐTB&XH là 17.276 tỷ đồng, vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Quốc hội quyết định tối đa là 7.430 tỷ đồng.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát, tính toán lại các phương án điều chỉnh cụ thể bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và cơ sở pháp lý.

Để chủ động nguồn điều chỉnh các chính sách và giảm áp lực bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị: Bộ LĐTB&XH báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương của các địa phương còn dư để thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành.

Phát biểu tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), người đứng đầu ngành LĐTB&XH cho biết, Bộ đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu và phân chia thành 3 nhóm đối tượng.

Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu; hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024.

Và, nhóm thứ hai là những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024 thì nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch giữa những người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương hưu theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Nhóm thứ ba là những người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, với nhóm đối tượng này, đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nêu quan điểm việc điều chỉnh lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức (dự kiến tăng hơn 30%) để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.