Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao trong tháng 9/2024

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong thời gian tới, 3 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, đó là Bán buôn, bán lẻ, Khoa học công nghệ; Công nghiệp chế biến, chế tạo... Tuy nhiên lại có một số nhóm ngành giảm nhu cầu tuyển dụng như kinh doanh bất động sản...

Trên 58.585 chỉ tiêu tuyển dụng lao động

Thị trường lao động Hà Nội tháng 7 năm 2024 tiếp tục đà phục hồi và phát triển theo chiều hướng bền vững trong bối cảnh nền kinh tế Hà Nội xuất hiện nhiều điểm sáng tăng trưởng.

Trong tháng 7, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội ước tính nhu cầu tuyển dụng lao động với khoảng 58.585 chỉ tiêu. Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 13.181 việc làm trống của 2.831 DN, cho thấy, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành: Bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ khác chiếm khoảng 49,54%, tiếp đến là ngành Công nghiệp chế biến chế tạo – xây dựng chiếm 14,48%, ngành Giáo dục đào tạo chiếm 15,50% .

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức. 
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức. 

Về vị trí việc làm, các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là Nhân viên dịch vụ và bán hàng chiếm 54,67%, tiếp đến là Nhân viên trợ lý văn phòng chiếm 7,70%.

Ngành Du lịch tại Hà Nội đang có nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Khách du lịch nội địa và khách quốc tế liên tục tăng trưởng tốt tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh nhu cầu tuyển dụng nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động trong tháng Bảy ở lĩnh vực du lịch, nhà hàng - khách sạn chiếm khoảng 5,72% với trên 500 việc làm trống.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tháng Bảy, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho gần 21.000 lao động. Trong đó, giải quyết việc làm cho 4.378 lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 327,6 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng của năm 2024, toàn TP Hà Nội giải quyết việc làm cho 145.813 lao động (đạt 88,3% kế hoạch). Bên cạnh đó, TP hỗ trợ hơn 4.500 người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản...

Toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho gần 21.000 người lao động trong tháng 7/2024. 
Toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho gần 21.000 người lao động trong tháng 7/2024. 

Trong tháng Bảy, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm. Có 662 đơn vị, DN tham gia với tổng số 12.028 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh; qua đó có 1.739 lao động được nhận hồ sơ, tuyển dụng thông qua các phiên giao dịch việc làm (tăng 14% so với tháng trước). Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường công tác định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động thất nghiệp; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm trên hệ thống Sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP.

Bán buôn bán lẻ, Công nghiệp chế biến cần tuyển nhiều lao động

Về dự báo bức tranh việc làm trong thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 đạt từ 5,5% đến 6%. Thu hút FDI, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu tiếp tục là các đầu tàu giúp nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ngoạn mục trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, trên địa bàn TP Hà Nội, việc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng công sẽ tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích cầu nền kinh tế trong ngắn hạn như tạo thêm việc làm, đẩy mạnh sức tiêu dùng, cải thiện cơ sở hạ tầng... Nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cầu vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của TP Hà Nội.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm hàng ngày, lưu động, chuyên đề để kết nối DN và người lao động. Ảnh: Trần Oanh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm hàng ngày, lưu động, chuyên đề để kết nối DN và người lao động. Ảnh: Trần Oanh.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo, trong thời gian tới một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao so với tháng trước như: Bán buôn, bán lẻ tăng 3,2%; Hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ tăng khoảng 2,8%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 4%. Bên cạnh đó, nhóm ngành Du lịch, Lưu trú ăn uống, Nghệ thuật, Giải trí... cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.

Tuy nhiên, lại có một số nhóm ngành giảm nhu cầu tuyển dụng lao động so với tháng trước như: Hoạt động kinh doanh bất động sản, Hoạt động tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm, Hoạt động hành chính, Dịch vụ hỗ trợ.

Để tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục triển khai các kế hoạch, những giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ của Trung tâm để hỗ trợ DN, người lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ TP tới cơ sở; tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung – cầu lao động...

Một giải pháp nữa được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện là đồng bộ tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm, gồm sàn Trung tâm và 14 sàn vệ tinh. Trung tâm sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc thù và phiên giao dịch việc làm lưu động để kết nối DN và người lao động ứng tuyển và tuyển dụng lao động.