“Bà tiên” có tâm lòng nhân hậu đó là Cao Thị Kim Doanh, 83 tuổi, ở số nhà 18, ngõ Hội Vũ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội…
Vốn là giáo viên trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), trong những lần đi thực tế, bà Doanh thấy cuộc sống thiếu thốn trăm bề của đồng bào vùng cao. “Qua báo, đài, tôi được biết những năm gần đây, đời sống của người dân vùng cao đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều gia đình khó khăn cần giúp đỡ. Tôi chứng kiến bữa ăn của một gia đình có 5 - 6 người chỉ mà chỉ có một nồi mèn mén. Trẻ em thiệt thòi đủ đường, học hành không có điều kiện, mùa Đông mặc không đủ ấm”, bà Doanh chia sẻ trong xúc động.
Đã 6 năm qua, bà Cao Thị Kim Doanh đều ngồi trên gác hai nhà mình đan áo tặng cho các cháu nghèo vùng cao. |
Chính vì thế, ngay khi nghỉ hưu, bà Doanh bớt khoản tiền lương ít ỏi mua len đan áo tặng cho trẻ nghèo. Đã 6 năm qua, bà gác lại nhiều hoạt động xã hội, lặng lẽ ngồi đan áo trên căn gác hai. Sau này, khi biết đến hình ảnh một bà lão bị bệnh miệt mài đan áo mùa Đông cho các cháu, nhiều người đã tìm đến tận nhà gửi tiền, gửi len để bà có điều kiện làm công việc thiện nguyện. “Mùa Đông về, thấy các cháu ăn mặc phong phanh, bàn chân trần đạp trên đất đến trường, đi nương, đi rẫy, tôi nghĩ nếu có thêm chiếc áo len sẽ giúp các cháu ấm áp hơn”, bà Doanh tâm sự. Bởi vậy, bà đan từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này sang tháng khác, từ năm này sang năm khác, đan như chạy đua với thời gian, với thời tiết, để khi bắt đầu trời vào lạnh. Thời gian đầu, chưa có điều kiện đến với những bản làng xa xôi, trực tiếp gửi tặng đồng bào, bà nhờ các tổ chức thiện nguyện, các học sinh cũ đi công tác chuyển lên vùng cao gửi tặng trẻ. Đoàn nào lên bà cũng gửi dăm ba chục cái, không phân biệt địa phương nào, miễn làm sao các cháu còn thiếu thốn có áo ấm là được.
Đã 6 năm qua, mỗi tháng bà đan được 5 chiếc áo, mỗi năm được khoảng 50 - 60 chiếc, mỗi chiếc có giá 40.000 - 50.000 đồng, số tiền cũng lên đến cả chục triệu đồng. Bà tâm sự, mỗi người giúp đời bằng nhiều cách khác nhau, mình chẳng có nhiều tiền thì ngồi đan áo tặng cho các cháu. Với bà, làm được một gì có ích là cảm thấy phấn khởi, hạnh phúc. Ngày nào không đan được áo, bà thấy sự sống yếu dần, cuộc đời trở nên vô vị và nhạt nhẽo. Càng hăng say làm việc thiện, bà càng yêu cuộc sống, quên đi bệnh tật đớn đau.
Trong gia đình ai cũng lo lắng cho sức khỏe của bà, nhưng thấy bà ngồi đan áo, đi làm việc thiện, bệnh tình lại thuyên giảm, nên con trai, con dâu đều hết lòng ủng hộ. Mỗi khi nhận được thông tin những chiếc áo len ấm áp mà mình tự tay đan từng ngày đến được với các cháu nhỏ vùng cao, bà thấy như được tiếp thêm động lực để đan thật nhiều những chiếc áo khác.
Bà Nguyễn Thị Ngoạn, 89 tuổi, bạn hàng xóm của bà Doanh cho biết: “Chúng tôi quen biết nhau từ lâu lắm rồi, thi thoảng vẫn thường rủ nhau đi họp ở phường. Ở cả khu phố này ai cũng biết đến bà Doanh như một người nhân hậu, tốt bụng. Dù mắc bệnh tật nhưng bà vẫn dành thời gian ngồi đan áo len cho các cháu vùng cao. Bây giờ ở tuổi này, hành động ấy thật đáng quý, đáng trọng. Không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ để cho đời thêm đáng sống. Tôi chỉ mong sao bà có thêm sức khỏe để tiếp tục đan thật nhiều, thật nhiều áo len cho các cháu”.