Ba Vì một năm nỗ lực vượt khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự đồng thuận của Nhân dân trên địa bàn, năm 2015, huyện Ba Vì vẫn giành được nhiều thành tựu nổi bật trên các mặt, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Kinh tế tăng trưởng mạnh

Nói đến Ba Vì, người ta nghĩ ngay đến huyện miền núi phía Tây Bắc Thủ đô với địa bàn rộng lớn, đời sống Nhân dân ở nhiều vùng còn khó khăn. Tuy nhiên bù lại, thiên nhiên cũng ưu đãi ban tặng cho mảnh đất này nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và nhiều sản vật được ưa chuộng như sữa bò, chè, khoai lang, đặc biệt là các khu du lịch sinh thái. Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, với những giải pháp thiết thực, cụ thể, kinh tế huyện Ba Vì đã có một năm tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện trong năm 2015 đạt 14%, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 20.200 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ, du lịch (hiện chiếm 52%).

Năm 2015 đã ghi nhận thắng lợi toàn diện trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Vì khi phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh thâm canh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được triển khai rộng rãi. Nhiều mô hình sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại hay các vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa đã ra đời gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, cây chè vẫn giữ vị trí thế mạnh của huyện được đầu tư phát triển với phong trào “Đồi xanh”, mở rộng diện tích 1.850ha, tăng 20ha so với năm ngoái. Sản lượng búp tươi toàn huyện đạt 18.500 tấn. Mô hình trồng ớt cay xuất khẩu được nhân rộng ở nhiều xã như Minh Châu, Thuần Mỹ…
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt kiểm tra mô hình sản xuất chè an toàn tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt kiểm tra mô hình sản xuất chè an toàn tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì.
Về chăn nuôi, ngoài đàn bò sữa phát triển mạnh với hơn 9.300 con, chương trình lai tạo giống bò BBB cũng được triển khai có hiệu quả với 5.000 con bê con ra đời, cho hiệu quả kinh tế cao. Với những bước đi đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Vì năm 2015 đạt 120 triệu đồng/ha, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, nhắc đến Ba Vì, không thể quên thế mạnh về du lịch với nhiều khu du lịch nổi tiếng như Ao Vua, Khoang Xanh – Suối Tiên, Thiên Sơn – Suối Ngà, Đầm Long, Vườn quốc gia Ba Vì… thu hút đông đảo du khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng. Theo thống kê của UBND huyện Ba Vì, trong năm qua, huyện đã thu hút trên 2,5 lượt triệu du khách đến tham quan, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu từ du lịch đạt 234 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Ngoài du lịch, các hoạt động khuyến công, nhân cấy nghề, hỗ trợ mô hình ngành nghề cũng được huyện duy trì như nghề thuốc Nam ở xã Ba Vì, nghề xâu hạt gỗ ở xã Tiên Phong, may dân dụng tại xã Phú Cường, mộc ở xã Tản Hồng… Huyện cũng hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Minh Hồng, xã Minh Quang. 

An sinh xã hội được đảm bảo

Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì khóa XXI, nhiệm kỳ 2010 – 2015. Do đó, ngay từ đầu năm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo sát sao các ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu đặt ra. Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, năm 2015, huyện Ba Vì có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Châu Sơn, Phong Vân, Phú Phương và Phú Châu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 7 xã. Ngoài ra, 6 xã giai đoạn 1 của huyện cũng đạt và cơ bản đạt 14 – 17 tiêu chí. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực sự mang đến nhiều đổi thay cho các xã trên địa bàn huyện miền núi này.

Cùng với phát triển sản xuất, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng được huyện Ba Vì quan tâm triển khai. Trong năm qua, tiếp tục triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Ba Vì đã mở được 63 lớp dạy nghề cho hơn 2.200 học viên, đạt 100% kế hoạch. Số lao động được tạo việc làm trong năm là 5.750 người, trong đó hơn 3.600 người có việc làm mới. Ngoài ra, các chế độ chính sách đối với người có công và người được hưởng chính sách xã hội cũng được thực hiện đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Đặc biệt, huyện Ba Vì rất quan tâm tới công tác giảm nghèo bằng nhiều biện pháp và chính sách hỗ trợ. Nhờ đó, năm 2015, toàn huyện giảm được 1.000 hộ nghèo, đạt 220% kế hoạch TP giao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 4,51%, giảm 1,5% so với năm 2014.

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, giáo dục cũng được huyện Ba Vì chú trọng đầu tư và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hạ tầng xã hội, quản lý đô thị, môi trường, cải cách hành chính… cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, năm 2015, huyện Ba Vì đã tổ chức thành Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ông Bạch Công Tiến – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 của huyện. Do đó, huyện sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua trên tất cả các ngành, lĩnh vực, phấn đấu đạt kết quả thắng lợi ngay từ năm bản lề.
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016:
Tổng giá trị sản xuất đạt 22.725 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 12%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 140 tỷ đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%.
Tỷ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa đạt 84,5%.
Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch đạt 40%.
Có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải đạt 88%.