Ba Vì nâng giá trị chăn nuôi bò thịt

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, huyện Ba Vì đã lựa chọn bò thịt là vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển. Hướng đi đúng đắn đã và đang góp phần từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân nơi đây.

Thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp
Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, định hướng 2030, huyện Ba Vì đã xây dựng, phê duyệt quy hoạch vùng trọng điểm chăn nuôi bò thịt tại 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã ven sông. Chăn nuôi bò thịt được huyện Ba Vì chú trọng đầu tư, phát triển theo mô hình tập trung xa khu dân cư và an toàn sinh học.
Đến nay, toàn huyện đã có 10/31 xã, thị trấn thực hiện quy hoạch và hình thành được vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm, với tổng đàn trên 20.000 con. Quy mô bình quân đạt 5 con/hộ. Ngoài ra, có khoảng 150 trang trại chăn nuôi bò thịt với quy mô từ 20 con trở lên; cá biệt có trang trại vỗ béo từ 80 – 100 con bò thịt.
 Chăn nuôi bò tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì.
Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến tổng đàn lợn của huyện Ba Vì giảm trên 15%, chăn nuôi bò thịt tiếp tục cho thấy sự phát triển ổn định. Qua đó, góp phần vào mức tăng trưởng 2,7% của lĩnh vực nông nghiệp huyện Ba Vì trong năm 2019.
Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi
Để nâng cao chất lượng đàn bò thịt, huyện Ba Vì đã chủ động phối hợp với các tổ chức, DN đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hiện, dự án lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt đang được triển khai ở 31/31 xã, thị trấn. Kết quả, đã có gần 30.000 con bê lai F1 BBB được sinh ra. Trung bình một con bê lai BBB cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 – 5 triệu đồng so với các giống khác.
Huyện cũng đang phát triển đàn bò thịt chất lượng cao Wagyu tại xã Minh Châu. Đến nay, toàn xã đã phối giống được trên 1.000 con. Hiện, có khoảng 700 con bê lai F1 Wagyu được sinh ra. Đáng chú ý, huyện còn phối hợp với DN thu mua bò Wagyu của người dân với giá cao hơn từ 3 – 4 triệu đồng/con so với thương lái.
Nhằm đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt bền vững, huyện Ba Vì còn liên kết, tạo điều kiện để các DN phát triển đàn bò có chất lượng, gắn với tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho bò thịt. Một số DN đã tích cực chung tay phát triển đàn bò trên địa bàn huyện có thể kể tới như Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, Công ty CP T&T 159, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Thái…
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm chăn nuôi lợn để chuyển sang gia súc ăn cỏ, với trọng tâm là bò thịt và bò sữa. Đồng thời, hỗ trợ người chăn nuôi tham gia liên kết chuỗi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Dần kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ huyện Ba Vì thực hiện Dự án khu chăn nuôi bò thịt tập trung tại xã Minh Châu. Chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ địa phương xây dựng nhãn hiệu bò thịt Ba Vì. Cùng với đó, tạo điều kiện để các tổ chức, DN tiếp cận và được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần