Chế biến các sản phẩm từ sữa bò cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Ảnh: Hồng Đạt |
Huy động người dân chung sứcDù xuất phát điểm thấp, song chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Ba Vì đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tính đến nay, huyện Ba Vì đã có 21/30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, nhất là tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc miền núi. Năm 2021, Ba Vì phấn đấu đưa 9 xã còn lại gồm: Vân Hòa, Ba Vì, Tản Lĩnh, Đồng Thái, Vật Lại, Vạn Thắng, Khánh Thượng, Cẩm Lĩnh và Cam Thượng về đích NTM.Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, các xã đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi sự chung tay góp sức của Nhân dân, nhất là những tiêu chí khó về xây dựng cơ sở vật chất. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cam Thượng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2021, Nhân dân trên địa bàn xã đã tích cực tham gia hiến đất, ngày công, tiền của xây dựng NTM. Tiêu biểu như Nhân dân thôn Quỳnh Cao hiến 1.000m2 đất để làm hệ thống thoát nước và đường giao thông. Hay tại xã Vật Lại, người dân cũng hiến hàng nghìn mét vuông đất thổ cư, tháo dỡ tường bao, công trình phụ… phục vụ làm đường giao thông nông thôn.Với những tiêu chí không cần nhiều kinh phí như văn hóa, môi trường… cũng được người dân cùng tích cực hưởng ứng. “Các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh thường xuyên tổ chức vệ sinh đường làng ngõ xóm vào Chủ nhật hàng tuần. Đồng thời tuyên truyền tới các hộ gia đình nâng cao ý thức giữ vệ sinh môi trường, phòng chống rác thải nhựa, xây dựng tuyến đường hoa, cây xanh... Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc” – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vật Lại Chu Tâm Khải chia sẻ.Rà soát, gỡ khó từng tiêu chíĐể hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong năm nay, huyện Ba Vì đã có kế hoạch cụ thể đến 9 xã, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với các xã rà soát từng tiêu chí, nhất là những tiêu chí khó về cơ sở vật chất để có nguồn lực đầu tư. Như tại xã Vạn Thắng, trước đây do diện tích các trường học nhỏ hẹp, không đủ điều kiện để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, lãnh đạo xã cùng với các thôn đã vào cuộc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 29.000m2, không có khiếu kiện, đảm bảo các trường học được thi công theo đúng tiến độ.Là địa phương khó khăn nhất với 98% dân số là người dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo hơn 30%, cơ sở vật chất hạ tầng hạn chế, qua hơn 10 năm xây dựng NTM, xã Ba Vì, huyện Ba Vì đã có thay đổi vượt bậc. Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,54%. Nghề trồng, chế biến thuốc Nam ở xã ngày càng phát triển ổn định, đời sống Nhân dân được nâng cao. Đến nay, hệ thống giao thông của xã được bê tông hóa đạt 100%; 3 nhà văn hóa ở các thôn được xây dựng khang trang.Mới đây, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã tiến hành thẩm định tiêu chí NTM tại 7 xã của huyện Ba Vì gồm Cam Thượng, Vật Lại, Đồng Thái, Vạn Thắng, Tản Lĩnh, Khánh Thượng và Cẩm Lĩnh. Qua đánh giá, cả 7 xã đều đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định TP xem xét, trình UBND TP công nhận về đích NTM năm 2021. Trước đó, hai xã Vân Hòa và Ba Vì cũng đã được Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM TP Hà Nội chấm đủ điều kiện về đích NTM năm 2021.Như vậy có thể nói, đến nay, Ba Vì đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2021. Đây là tiền đề quan trọng để Ba Vì cán đích huyện nông thôn mới vào năm 2022.