Bắc Bộ tiếp tục rét đậm, chuyên gia lý giải hiện tượng mưa đá dịp Tết Canh Tý 2020

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dông lốc và mưa đá xảy ra từ ngày 24 đến 25/1 (tức 30 tháng Chạp đến mùng 1 Tết) đã làm 5.298 nhà bị hư hại, tốc mái.

 Dông lốc và mưa đá đã làm 5.298 nhà bị hư hại, tốc mái dịp Tết Nguyên đán 2020
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, sáng sớm nay (26/1), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo ngày hôm nay, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa rào rải rác. Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét, riêng các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại. Vùng núi cao có khả năng xuất hiện băng giá.
Gió đông bắc trong đất liền cấp 2 - 3, vùng ven biển cấp 3 - 4. Ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.
Khu vực Hà Nội có mưa vài nơi. Trời rét đậm.
Trong khi đó, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng và TP Hà Nội, dông lốc và mưa đá xảy ra từ ngày 24 đến 25/1 (tức 30 tháng Chạp đến mùng 1 Tết) đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Cụ thể, tính đến 16h30 ngày 25/1, dông lốc và mưa đá đã làm 5.298 nhà bị hư hại, tốc mái (Bắc Kạn 3.284; Lạng Sơn 2.000; Cao Bằng 13; Thái Nguyên 1; Hà Nội xảy ra mưa đá tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, nhưng không có thiệt hại).
Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nhanh chóng khắc phục, sửa chữa tạm thời để đón Tết.
Lý giải về hiện tượng mưa đá, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của không khí lạnh.
Theo đó, khi không khí lạnh hoạt động mạnh lại gặp không khí vừa ẩm, vừa ấm ở các tỉnh miền Bắc đã gây ra đối lưu mạnh nên xảy ra mưa đá, mưa rào. Bất kỳ ở thời điểm nào, khi có không khí lạnh về, có đối lưu cũng có khả năng gây ra mưa đá. Vị chuyên gia khí tượng nhận định thêm, mưa đá và mưa rào những ngày qua tại Bắc Bộ không có gì bất thường, là điều đã được dự báo, cảnh báo trước.
Dự báo thời tiết từ ngày 26 - 29/1 (2 - 5 Tết):
Khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: Có mưa nhỏ vài nơi, từ ngày 27 có mưa phùn và sương mù vào đêm và sáng. Nhiệt độ cao nhất 14 - 17 độ C, riêng Điện Biên và Lai Châu 24 - 27 độ C; Nghệ An và Hà Tĩnh 17 - 20 độ C; nhiệt độ thấp nhất 11 - 14 độ C. Trời rét, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá.
Khu vực Hà Nội: Có mưa nhỏ vài nơi, từ ngày 27 có mưa phùn và sương mù vào đêm và sáng. Nhiệt độ cao nhất 15 - 17 độ C; nhiệt độ thấp nhất 13 - 15 độ C. Trời rét đậm.
Khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận: Trong ngày và đêm nay ở phía Bắc khu vực (Quảng Bình đến Huế) có mưa, mưa rào, nhiệt độ cao nhất phía Bắc 19 - 22 độ C, nhiệt độ thấp nhất 15 - 18 độ C, trời rét. Phía Nam khu vực (Đà Nẵng đến Bình Thuận) có mưa rào rải rác, riêng các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ít mưa, ngày trời nắng; nhiệt độ cao nhất 28 - 31 độ C, riêng Đà Nẵng đến Quảng Ngãi 24 -27 độ C; nhiệt độ thấp nhất 20 - 23 độ C; phía bắc đêm và sáng trời lạnh.
Khu vực Tây Nguyên: Đêm không mưa, ngày nắng, sáng sớm có sương mù nhẹ, riêng ngày 27 - 29 có mưa rào vài nơi; nhiệt độ cao nhất 28 - 30 độ C; nhiệt độ thấp nhất 17 - 20 độ C. Đêm và sáng trời lạnh.
Khu vực Nam Bộ: Đêm không mưa, ngày nắng, miền Đông Nam Bộ nắng nóng; nhiệt độ cao nhất 32 - 35 độ C; nhiệt độ thấp nhất 21 - 24 độ C.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần