Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác đề xuất lùi thời hạn lắp camera giám sát xe kinh doanh vận tải: Lợi ích cộng đồng là trên hết

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa bác đề xuất lùi thời hạn thực hiện lắp đặt camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

 Ảnh minh họa
Đây là động thái cứng rắn cần thiết bởi thông điệp mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra rất rõ ràng: Việc lắp đặt camera là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm an toàn giao thông.

Trước tiên, cần nhắc lại, yêu cầu xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát được quy định trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Theo quy định, từ ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu giữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép. Quy định trên, sau khi chính thức có hiệu lực, sẽ mang tới một công cụ hỗ trợ đắc lực mới cho lực lượng chức năng cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát hoạt động của xe kinh doanh vận tải.

Về mặt chức năng, camera giám sát có nhiều nét tương đồng với thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) nhưng cơ chế hoạt động và hiệu quả mang lại được kỳ vọng sẽ ưu việt hơn rất nhiều. Đương nhiên, một chủ trương mới khi mới đưa ra sẽ không tránh khỏi có những ý kiến trái chiều, nghi ngờ. Chủ trương lắp đặt camera trên xe kinh doanh cũng từng bị đặt trước nhiều nghi vấn, về mức độ hiệu quả, về tính khả thi, chi phí tốn kém, giá thành lắp đặt đắt đỏ... Nhưng như một chuyên gia giao thông từng nói, những ý kiến trái chiều ở một khía cạnh nào đó chứng tỏ chủ trương, chính sách mới đưa ra đã “trúng mục tiêu” là vấn đề được dư luận quan tâm, có tầm ảnh hưởng lớn. Thứ hai, nếu cái gì mới cũng sợ không hiệu quả, sợ sai mà không dám triển khai thì xã hội sẽ không thể nào phát triển. Và, điều quan trọng nhất, khi một chính sách đã được luật hóa bằng một văn bản pháp quy như Nghị định 10/2020 thì nhất định phải triển khai đúng thời điểm được quy định.

Trở lại với đề xuất lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019 đối với các hành vi vi phạm về lắp camera mà Hiệp hội Vận tải ô tô và Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa bác bỏ. Đây không phải lần đầu tiên hiệp hội này đề nghị trì hoãn việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh. Trước đó, vào cuối năm 2020, cũng chính Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam gửi kiến nghị tương tự lên Bộ GTVT nhưng cũng không được chấp thuận. Ngoài việc bảo đảm cho quy định được áp dụng theo đúng lộ trình đưa ra trong Nghị định 10/2020, động thái cứng rắn của Bộ GTVT cũng như Tổng cục Đường bộ Việt Nam đồng nghĩa với thông điệp cứng rắn mà các cơ quan quản lý Nhà nước khẳng định nhất quán là phải thượng tôn pháp luật, tất cả vì mục đích chung và lợi ích của cả cộng đồng.