Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Giang chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn chỉ đạo một số Sở, đơn vị thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, TP về tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chủ động phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý ATVSLĐ; đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ, chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Cần thực hiện tuyên truyền sâu rộng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác ATVSLĐ. Ảnh minh họa
Cần thực hiện tuyên truyền sâu rộng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác ATVSLĐ. Ảnh minh họa

Qua đó, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp về chấp hành các quy định pháp luật ATVSLĐ, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật. Tăng cường thực hiện quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; thực hiện tốt công tác giám sát việc các doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo quy định.

Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Y tế cần tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong thi công các công trình xây dựng, khai thác khoáng sản...; hướng dẫn đến cơ sở, doanh nghiệp các nội dung về tiêu chuẩn vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động theo quy định pháp luật.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về ATVSLĐ và báo cáo TNLĐ. UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Ngoài ra, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang chỉ đạo doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sử dụng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phối hợp với công đoàn cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ; thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, giảm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tích cực thực hiện quyền và trách nhiệm tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác ATVSLĐ; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về ATVSLĐ; chủ động kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ theo quy định tại Điều 10 Luật ATVSLĐ.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định về ATVSLĐ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATVSLĐ thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thực hiện ngay việc tự kiểm tra, rà soát lại việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, trong đó tập trung đảm bảo thực hiện đầy đủ, đúng quy định về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động; kiểm định, khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; việc bố trí, phân công cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại các bộ phận sản xuất; việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; việc niêm yết nội quy, quy trình vận hành, xử lý sự cố mất an toàn tại nơi đặt máy, thiết bị, các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn.