Cây trồng “mọc" như nấm sau mưa “chờ” cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum
Kinhtedothi-Từ đầu tháng 4/2025 đến nay, nhiều hộ dân ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã trồng mới hàng nghìn cây huỳnh đàn, cau, keo… để chờ giải tỏa, đền bù thực hiện dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dài 136km với 4 làn xe là một trong những dự án quan trọng và đang trong giai đoạn nghiên cứu. Dự kiến có điểm đầu tại thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), điểm cuối kết nối vào cao tốc phía Tây tại Kon Tum.
Dù dự án chưa được thông qua cũng như triển khai trên thực địa nhưng đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ nhằm trục lợi tiền bồi thường, đặc biệt là tại địa bàn huyện Ba Tơ - nơi cao tốc đi qua.
Chỉ dựa vào cột mốc cắm từ nhiều năm trước và bản đồ ứng dụng số, dọc theo tuyến hàng chục km, người dân đổ xô trồng cây huỳnh đàn và một số loại cây khác để chờ đền bù.

Một vườn keo, chuối được trồng với mật độ dày bất thường sau khi có thông tin về cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Ghi nhận ở thôn Làng Xi 2 (xã Ba Tô, huyện Ba Tơ) có khoảng 6 hộ đã trồng keo xen với huỳnh đàn, hoặc chuối, cau xen huỳnh đàn với mật độ rất dày.
Theo trưởng thôn Làng Xi 2 Phạm Văn Khách, tình trạng này xuất hiện từ khi có thông tin về dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
“Cách đây khoảng một tháng, nhiều người dân trong thôn mua huỳnh đàn trồng xen vào các rẫy keo non. Một số do chủ rẫy tự trồng thêm, số còn lại là người dưới đồng bằng lên mua rẫy keo non rồi trồng xen huỳnh đàn vào"- ông Khách cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Ba Tô Phạm Văn Hiền nhận định, việc người dân trồng cây keo, huỳnh đàn hay cây trồng nào khác là bình thường. Nhưng điều bất thường là trồng huỳnh đàn xen lẫn keo với mật độ cao.
Cây huỳnh đàn được trồng xen với cây keo với mật độ cao là điều không bình thường.
"Cây keo khoảng 4-5 năm sẽ thu hoạch, trong khi đó huỳnh đàn ít nhất phải sau 10 năm. Nếu trồng như vậy, khi thu hoạch keo sẽ làm gãy, hư hỏng cây huỳnh đàn”- ông Hiền lý giải.
Không riêng Ba Tô, từ giữa tháng 4 đến nay, tại địa bàn các xã khác của huyện Ba Tơ như Ba Động, Ba Cung, Ba Vì… cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Ngoài trồng cây, một số hộ dân còn xây dựng lán trại nhằm "đón đầu" dự án.
Chủ tịch UBND xã Ba Cung Phạm Văn Rạch xác nhận, tại địa bàn có tình trạng bà con trồng keo xen huỳnh đàn để chờ đền bù khi thực hiện dự án đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản, thông báo nào cụ thể về quy hoạch dự án, nên chính quyền địa phương không thể cấm người dân xây dựng nhà cửa hay trồng cây.
“Sau khi nắm thông tin bà con trồng xen cây huỳnh đàn với keo, xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng thống kê số hộ, diện tích đã trồng; đồng thời tuyên truyền để bà con không bán đất, không trồng xen nhiều loại cây nhằm mục đích chờ đền bù”- ông Rạch nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Thành Minh Thuận, huyện đã nắm được thông tin trên, nhưng chưa thống kê được số hộ trồng, xây dựng lán trại.
"Huyện chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền người dân không nên xây dựng, trồng cây chờ dự án để tránh lãng phí, rủi ro. Quan điểm của huyện là dù chưa công bố quy hoạch, nhưng các địa phương không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, đầu tư không đúng mục đích”- ông Thuận khẳng định.

Huyện Ba Tơ sẽ tổ chức kiểm tra thực tế để đưa ra giải pháp.
Phó Chủ tịch UBND huyện cũng thông tin thêm, đối với diện tích bà con đã trồng cây, dựng lán trại nhằm mục đích trục lợi từ dự án, huyện sẽ kiểm tra thực tế để đưa ra giải pháp xử lý.
Quảng Ngãi đã xóa hơn 2.800 nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi - Quảng Ngãi đã xóa hơn 2.800 nhà tạm, nhà dột nát và đang thi công hơn 2.300 nhà ở trong chương trình này.

Đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn
Kinhtedothi - Quá trình thi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vẫn còn gặp vướng mắc về mỏ vật liệu và giải phóng mặt bằng.

Quảng Ngãi: đảo tiền tiêu giảm dần chuyện thuê tàu vượt biển đi cấp cứu
Kinhtedothi-Với đặc điểm địa lý đặc thù, từng có thời gian dài, rất nhiều người dân Lý Sơn phải tốn hàng chục triệu đồng để thuê tàu vượt biển vào đất liền cấp cứu. Nhưng nay, tình trạng này đã giảm đáng kể.