Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Giang: huyện Hiệp Hòa được công nhận là đô thị loại IV

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhteodothi- Tối 11/1, tại Quảng trường trung tâm tượng đài truyền thống, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) long trọng tổ chức lễ công bố và trao Quyết định của Bộ Xây dựng công nhận đô thị Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Đồng chí Nguyễn Cao Viên, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo huyện Hiệp Hòa.
Đồng chí Nguyễn Cao Viên, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo huyện Hiệp Hòa.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Cao Viên đã trao Quyết định số 868/QĐ-BXD ngày 18/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV cho lãnh đạo huyện Hiệp Hòa.

Theo đó, đô thị Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Hiệp Hòa, với diện tích 205,99 km²; trong đó, khu vực nội thị gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm: thị trấn Thắng, thị trấn Bắc Lý và 9 xã gồm Lương Phong, Đoan Bái, Thường Thắng, Danh Thắng, Hùng Sơn, Thái Sơn, Hương Lâm, Châu Minh, Mai Đình.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu tại buổi lễ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, năm 2024 đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Hiệp Hòa với những thành tích ấn tượng.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 toàn tỉnh, chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp đứng đầu, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2, năng lực cạnh tranh cấp huyện xếp thứ 3.

Đặc biệt, Đảng bộ huyện được đánh giá là một trong 3 đảng bộ cấp huyện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024. Hiệp Hòa đã về đích sớm một năm so với kế hoạch khi đạt tiêu chí đô thị loại IV. Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Những thành tựu nổi bật trên minh chứng cho sự phát triển toàn diện và bền vững của huyện. Đây là kết quả của việc huyện đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết hợp với việc huy động hiệu quả các nguồn lực để tạo đòn bẩy phát triển.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Mai Sơn chúc mừng những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hiệp Hòa đã đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển vừa qua.

Đồng chí cũng tin tưởng, đô thị Hiệp Hòa trong tương lai không chỉ là một trung tâm kinh tế năng động của vùng phía Tây của tỉnh, mà còn là điểm đến hấp dẫn, nơi giao thoa giữa những giá trị văn hóa truyền thống và nhịp sống hiện đại. Một đô thị xanh, thông minh, đáng sống, xứng đáng là một trong những cực tăng trưởng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đồng chí Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cũng tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa trao Quyết định số 2315/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai, xã Mai Đình cho Nhân dân làng Tiếu Mai.

Lễ hội bắt nguồn từ tục diễn xướng chiến thắng Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược nhà Tống. Từ đó cứ 5 năm một lần, vào ngày 10/3 âm lịch, người dân làng Mai tưng bừng mở hội kỷ niệm chiến công oanh liệt của vị tướng tài ba Lý Thường Kiệt.

Thông thường, hội bơi chải kéo dài trong ba ngày với nhiều hoạt động tín ngưỡng, trò chơi dân gian hấp dẫn, trở thành lễ hội truyền thống của cả một vùng cư dân ven bờ sông Cầu. Đến hội, người xem như được chứng kiến âm hưởng dậy sóng hào hùng của cha ông từ ngàn xưa vọng về. Quá khứ, hiện tại như hòa quyện vào nhau, tô thắm thêm truyền thống yêu nước, tinh thần thượng võ của người dân hai bên bờ Như Nguyệt.

Đến nay, lễ hội bơi chải còn lưu giữ được nhiều nét bản sắc tôn vinh những người có công qua những nghi thức trang trọng thể hiện tinh thần thượng võ của Nhân dân vùng Kinh Bắc.

Biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ.
Biểu diễn nghệ thuật tại buổi lễ.

Sau lễ đón nhận là Chương trình nghệ thuật "Hiệp Hòa - Bản hùng ca tỏa sáng", với 3 chương gồm: Về miền di sản; Hiệp Hòa vươn tầm đô thị mới; Hiệp Hòa dựng xây tỏa sáng.