Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Giang: nâng giá trị sản phẩm OCOP

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trước áp lực đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp, TP Bắc Giang đã tập trung khai thác lợi thế địa phương, thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị.

Đồng hành cùng các chủ thể

Từ cuối năm 2018, Bắc Giang chính thức triển khai chương trình OCOP. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời nên đã thu hút ngày càng nhiều chủ thể tham gia.

Trong đợt đánh giá, phân hạng OCOP đợt 1 năm 2024, Công ty TNHH Tâm Thủy Bắc Giang (phường Dĩnh Kế) tham gia với hai sản phẩm đăng ký 3 sao gồm: bún gạo lứt và mỳ gạo. Do lần đầu tham gia nên doanh nghiệp (DN) được các phòng chuyên môn của TP hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn thực hiện các tiêu chuẩn, câu chuyện sản phẩm, thiết lập hồ sơ, tem truy xuất nguồn gốc.

Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm giới thiệu các sản phẩm OCOP của HTX.
Ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm giới thiệu các sản phẩm OCOP của HTX.

Cùng với hỗ trợ của địa phương, DN quan tâm đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, Công ty đầu tư hệ thống lọc nước RO (là nước được lọc bằng phương pháp thẩm thấu ngược, có lợi cho sức khỏe) để chế biến các sản phẩm mỳ, bún, miến thay vì nước thông thường. Cùng đó, đầu tư hệ thống dây chuyền bán tự động gồm các loại máy như: máy vo, máy hút. Hiện nay, các sản phẩm của Công ty được bán chủ yếu tại những cửa hàng thực phẩm sạch ở các thành phố lớn.

Năm nay, Hợp tác xã (HTX) Thực phẩm sạch Hoàng Gia, thôn Ba (xã Tân Mỹ) đưa sản phẩm chè lam tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao. Đồng hành cùng HTX, UBND xã giao cán bộ phụ trách chương trình trực tiếp hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ.

Ông Lương Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có nhiều hộ làm, kinh doanh chè lam lâu năm song chưa xây dựng được sản phẩm OCOP. Để nâng tầm sản phẩm, Hội phối hợp với các phòng chuyên môn của TP tuyên truyền, hỗ trợ HTX tham gia chương trình. Đồng thời tổ chức cho đại diện HTX tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình xây dựng hồ sơ; những khó khăn, vướng mắc đều được hỗ trợ tháo gỡ kịp thời”.

Năm nay, qua rà soát, đánh giá chất lượng cũng như tiềm năng phát triển, cơ quan chuyên môn TP Bắc Giang hướng dẫn, hỗ trợ 11 chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng 26 sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm mới, còn lại là nâng sao. Đây đều là những mặt hàng mang tính đặc trưng, truyền thống của địa phương như: bún khô ngũ sắc Đa Mai, bánh gio Đa Mai, giò cuốn 3S...

Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia, ngay từ đầu năm, Phòng Kinh tế TP Bắc Giang chủ động phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức các buổi tập huấn, tư vấn về phát triển ý tưởng sản phẩm; tìm hiểu bộ tiêu chí chấm điểm, cách thức triển khai, vận hành chương trình OCOP; xây dựng kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số, mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu… cho đại diện các DN, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Theo bà Hà Ngọc Hoa, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP, đối với những đơn vị lần đầu có sản phẩm tham gia, đơn vị dành nhiều thời gian để hỗ trợ, hướng dẫn, vướng ở đâu gỡ ở đó. Nhờ đó, qua đánh giá hồ sơ đợt 1 của 7 chủ thể với 14 sản phẩm cho thấy, các chủ thể đã quan tâm đầu tư từ mẫu mã, bao bì, nhãn mác; nhiều sản phẩm được chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao và đạt chứng nhận chất lượng ISO 9001:2015; HACCP.

Củng cố, nâng chất lượng sản phẩm

Qua thống kê, hiện toàn TP có 38 sản phẩm OCOP của 9 chủ thể (1 công ty, 5 HTX và 3 hộ kinh doanh) đạt 3 sao trở lên. Trong đó có 36 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm 4 sao. Với số lượng sản phẩm đã được công nhận, TP Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình. Sau khi được cấp chứng nhận, TP Bắc Giang tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể có sản phẩm OCOP giới thiệu đến người tiêu dùng. Giá trị kinh tế của các sản phẩm được nâng từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP.

Cùng với phát triển sản phẩm mới, TP Bắc Giang tập trung củng cố và nâng cấp chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đơn cử như HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm ở xã Đồng Sơn là cơ sở kinh doanh thực phẩm có tiếng tại Bắc Giang.

Theo ông Lưu Văn Nhiệm, Giám đốc HTX, từ hai sản phẩm thịt lợn, giò lụa của HTX được công nhận OCOP 3 sao lần đầu vào năm 2019, HTX đầu tư vào chuỗi sản xuất; chăn nuôi hàng nghìn con lợn tại xã Đồng Sơn và huyện Lạng Giang để bảo đảm nguồn nguyên liệu sạch. Cùng đó nghiên cứu, cải tiến công thức, phát triển sản phẩm mới. Hiện HTX có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là: giò lụa, thịt lợn, xúc xích, giò tai nấm, lạp xưởng, mọc giò nấm, chả lụa được phân phối tại một số siêu thị, cửa hàng tự chọn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, TP khác. Năm nay, HTX xây dựng 2 sản phẩm mới đạt 3 sao là giò cuốn, nem tai và tập trung nâng hạng mọc giò nấm lên 4 sao.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) có 2 sản phẩm vừa được tỉnh gửi hồ sơ tham gia đánh giá OCOP 5 sao gồm: vải thiều Bắc Giang và nhãn Bắc Giang. Đây là 2 sản phẩm chế biến sâu, bước đầu tiếp cận thị trường quốc tế. Ngoài ra, dịp này, Công ty cũng đưa thêm 2 sản phẩm mới là: khoai tây sợi IQF và vải thiều IQF tham gia xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao và khắc phục hạn chế của sản phẩm 3 sao ngô ngọt nguyên hạt để nâng hạng lên 4 sao.

Thời gian tới, TP Bắc Giang tiếp tục phát triển sản phẩm mới và giữ sao, nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận. Sản phẩm OCOP của TP chủ yếu là thực phẩm nên cần hướng tới tiêu chuẩn thân thiện môi trường (có sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ), tăng cường hàm lượng chế biến và chế biến sâu; sản xuất ít nhưng chất lượng, nguyên liệu tốt và giá trị cao. TP Bắc Giang khuyến khích các chủ thể đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến. Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về chuyển đổi số. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP, trong đó xác định rõ phân khúc thị trường.