Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong suốt cuộc đời hoạt động “vì nước, vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt. Hà Nội cũng là nơi gắn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người; một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác.

Bác Hồ thăm và trò chuyện với cán bộ và Nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31/1/1965. Ảnh: Tư liệu
Tình cảm đặc biệt của Bác với Hà Nội
Những ngày tháng Năm đặc biệt này, chúng tôi trở lại nơi đầu tiên đón Bác tại Hà Nội sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đó là ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Ngôi nhà đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp TP. Với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan, ngôi nhà hiện vẫn giữ được nguyên trạng như những ngày Bác Hồ lưu lại ở đây. Vẫn còn đó chiếc gương nhỏ đơn sơ, sập gỗ, tủ chè, bộ trường kỷ, gương soi, chậu rửa mặt bằng đồng, vali mây, máy chữ... Đâu đây, hình ảnh Bác ra vào tập thể dục mỗi sớm mai hay những lúc Bác trò chuyện cởi mở cùng gia đình trước khi rời ngôi nhà để vào nội thành Hà Nội… vẫn còn vẹn nguyên như chỉ vừa mới hôm qua. Không chỉ có những hiện vật kỳ công lưu giữ, bảo quản, ngôi nhà còn gắn với những kỷ niệm về Bác, những câu chuyện thực tiễn sinh động về Bác.
Nếu tính từ cuối tháng 8/1945 đến 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 17 năm sống và làm việc ở Thủ đô. Hà Nội là nơi lưu dấu ấn về những quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ đối với đất nước, cũng là nơi in đậm hình ảnh của Bác Hồ với biết bao niềm tự hào, xúc động thân thương. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, có 173 điểm di tích ở nội thành và 44 điểm di tích ở ngoại thành từng ghi dấu tình cảm và kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Thủ đô.
Về sự kiện ngày 23/8/1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác. Trong cuốn sách Những lần đón Bác của Ban Thông tin văn hóa huyện Từ Liêm (cũ) ghi lại khá chi tiết: “Khoảng 4 giờ chiều ngày 23/8/1945, một chiếc thuyền đinh to có mui cập bến Phú Xá... Anh Khánh (đồng chí Hoàng Tùng) đã tìm được chỗ nghỉ cho đoàn cán bộ. Lúc này, trời đã rất tối, anh mời cụ cùng đoàn cán bộ lên làng Phú Gia tạm nghỉ trong nhà cụ Nguyễn Thị An, một gia đình cơ sở của anh Khánh từ trước ngày khởi nghĩa”.
Gia đình cụ Nguyễn Thị An - vợ cụ Chánh tổng Công Ngọc Lâm, là một cơ sở cách mạng tin cậy nằm trong An toàn khu của T.Ư Đảng suốt giai đoạn 1941 - 1945. Bác lưu lại đây từ ngày 23 đến 25/8/1945 để chuẩn bị cho việc ra mắt quốc dân đồng bào và đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Đến 25/8, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến đón Người về ở số nhà 48 Hàng Ngang của đại thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô. Đây chính là nơi Bác dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Sự kiện ấy gắn với Hà Nội, Nhân dân Hà Nội và từng gia đình Hà Nội.
Theo các tư liệu lịch sử, sau này nhớ lại, Bác nói đấy là những giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng khi Người về sống và làm việc ở Hà Nội. Ngày 2/9/1945, khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình và ra mắt Chính phủ lâm thời cũng đã mang hàm ý chọn Hà Nội là Thủ đô, sau này Quốc hội đã chính thức công nhận điều này.
Là người nghiên cứu lâu năm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng chia sẻ: Một sự kiện đặc biệt khác thể hiện sự gắn kết giữa Bác và Hà Nội là kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946, tại Hà Nội có đến 74 người ứng cử mà chỉ lấy có 6 người ưu tú nhất. Khi biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ứng cử ở Hà Nội, đông đảo người dân ngoại thành đã viết thư đề nghị Bác không phải ứng cử mà đương nhiên được rồi. Bác đã trả lời cảm ơn sự tín nhiệm của đồng bào, nhưng nói rằng mình cũng là công dân, cũng phải có trách nhiệm như bao công dân khác nên không thể có ngoại lệ. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu rất cao, trên 98%. Điều này cho thấy tình yêu lớn lao và niềm tin của Nhân dân Hà Nội dành cho Bác.
Sau 9 năm kháng chiến, mùa Thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đã được đón Bác và Chính phủ trở về. Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối quan tâm đặc biệt với Nhân dân Hà Nội. Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức và nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng Hà Nội. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Tết Kỷ Dậu năm 1969, trên đồi cây của xã Vật Lại (huyện Ba Vì), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia trồng cây, mở đầu "Tết trồng cây" lần thứ 10 do chính Người khởi xướng. Bác chúc Tết động viên cán bộ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy Diêm Thống nhất, Công trường và nhà máy bê tông đúc sẵn ở Chèm...; dự cuộc ngâm thơ mừng Xuân của các cụ phụ lão và văn nghệ sĩ Hà Nội tại Văn Miếu; gửi thư, tới thăm hỏi giáo viên và học sinh Hà Nội, thăm Tết người lao động nghèo ở Thủ đô...
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, một điều đặc biệt là Bác Hồ rất chú ý tới khu vực ngoại thành Hà Nội khi nhiều lần trực tiếp đến thăm hoặc gửi thư động viên Nhân dân. Có thể là khi đó người dân ngoại thành Hà Nội còn vất vả nên Người dành mối quan tâm sâu sắc hơn. Người viết: "Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà "thủ" là đầu, phải đi đầu..." và mong muốn: "Các Đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa".
Lời Bác dạy như ngọn đèn soi sáng
Ba chữ “Thủ đô ta” được Bác Hồ nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội, chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy. Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô. Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày. Trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các đại hội đại biểu Nhân dân Hà Nội..., Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Người khẳng định "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta", nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác cũng luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" với cả nước.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô xác định là kim chỉ nam, ngọn đèn soi sáng trong quá trình đổi mới và phát triển. Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã nhận định: Bác mong muốn Hà Nội sau chiến tranh là một Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hà Nội đã làm được điều đó. Hà Nội có thể tự hào báo công với Bác, thực hiện lời Bác dạy, từ TP bị tàn phá khủng khiếp trong chiến tranh, Hà Nội đã vươn lên, phát triển vượt bậc. Thành quả đó nhờ vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó có nghị lực của Nhân dân Hà Nội. Dù thế nào Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã làm được mong muốn của Bác là gương mẫu, đi đầu đối với cả nước. Đối mặt với bao thách thức, Hà Nội vẫn đứng vững như trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 vừa qua là một điển hình cụ thể.