Bắc Kinh sắp có quyết định "chưa có tiền lệ" cứu nguy ngành bất động sản

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chức Trung Quốc đang lập danh sách 50 doanh nghiệp bất động sản đủ điều kiện nhận khoản vay ngắn hạn không cần đảm bảo của các ngân hàng lớn.

Các tòa nhà  xây dựng dở dang của tập đoàn bất động sản Evergrande  ở Bắc Kinh từ  tháng 1/2021. Ảnh: Bloomberg
Các tòa nhà  xây dựng dở dang của tập đoàn bất động sản Evergrande  ở Bắc Kinh từ  tháng 1/2021. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg vừa dẫn nguồn thạo tin cho biết, giới chức Trung Quốc đang cân nhắc biện pháp chưa từng có nhằm cứu thị trường bất động sản khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước đang cân nhắc cho phép các ngân hàng lớn cho vay vốn lưu động đối với một số công ty phát triển bất động sản.

Khác với các khoản vay thông thường dành cho doanh nghiệp bất động sản đòi hỏi phải có đất đai hoặc tài sản thế chấp, cơ chế cho vay này không được đảm bảo và chủ yếu phục vụ hoạt động theo ngày, giải ngân để trả nợ.

Bên cạnh đó, giới chức Bắc Kinh cũng đang xem xét cơ chế cho phép một ngân hàng đi đầu trong việc hỗ trợ một công ty xây dựng đang gặp khó khăn, cụ thể bằng cách phối hợp với các chủ nợ khác về kế hoạch tài chính.

Cơ chế này đòi hỏi cơ quan quản lý phải miễn trách nhiệm cho các ngân hàng đối với các khoản nợ xấu có thể xảy ra do rủi ro cao liên quan.

Theo nguồn thạo tin, giới chức trách Trung Quốc vẫn đang thảo luận về vấn đề này và kế hoạch có thể thay đổi.

Theo các chuyên gia của Nomura, nếu được phê duyệt, biện pháp hỗ trợ này được coi là nỗ lực mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh nhằm bù đắp khoản thiếu hụt 3,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 451 tỷ USD) để ổn định ngành bất động sản, hoàn thiện khoảng 20 triệu căn nhà xây dựng dở dang.

Nhà chức trách Trung Quốc được cho đang lên danh sách 50 doanh nghiệp xây dựng đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính, bao gồm ông lớn” bất động sản Country Garden và China Vanke. Động thái này cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã bắt tay vào “giải cứu” những doanh nghiệp bất động sản bị khủng hoảng. 

Trong khi đó, cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc cho biết các ngân hàng nên tăng nguồn vốn cho các nhà phát triển bất động sản để giảm nguy cơ vỡ nợ bổ sung và đảm bảo rằng các dự án nhà ở được hoàn thành.

Việc cung cấp các khoản vay vốn lưu động có thể giúp giảm bớt những thách thức về nguồn vốn ngắn hạn của ngành bất động sản.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, hiện vẫn chưa rõ động thái này sẽ tác động như thế nào đến khả năng thanh toán nợ của các nhà phát triển bất động sản, đặc biệt là với các chủ nợ ở nước ngoài.

Vishnu Varathan - chuyên gia trưởng về kinh tế và chiến lược châu Á tại Ngân hàng Mizuho, nhận định với tờ Business Insider: “Danh sách Trắng bao gồm 50 doanh nghiệp xây dựng được phép nhận gói hỗ trợ tài chính có thể vẫn chưa thể trở thành "Hiệp sĩ Trắng" cho lĩnh vực bất động sản vốn đang đối mặt nhiều thách thức”.

Theo vị chuyên gia của Ngân hàng Mizuho, các ngân hàng có thể lo ngại về việc cho vay đối với các nhà phát triển đang gặp khó khăn.

Trước đó, các biện pháp hỗ trợ của Bắc Kinh được đánh giá ở mức “nhỏ giọt” vẫn chưa phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn đà lao dốc của thị trường bất động sản.

Kể từ tháng 11/2022, giới chức Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các nhà phát triển bất động sản.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường bất động sản, vốn đóng góp đáng kể trong tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền Bắc Kinh để vượt qua cuộc khủng hoảng kéo dài từ giữa năm 2021.

Nhà kinh tế trưởng Larry Hu tại Macquarie, tuần trước cho biết, giá nhà tại Trung Quốc trong tháng 10 chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2014, trong khi dư nợ cho vay bất động sản cũng ghi nhận mức giảm lần đầu tiên trong lịch sử. Điều đó cho thấy lĩnh vực bất động sản đang đối mặt lực cản từ cả nhu cầu và nguồn cung.

Theo chuyên gia Larry Hu, các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản của Chính phủ Trung Quốc hiện mới chỉ tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu của người dân, nhưng lại chưa thể “giải quyết vấn đề quan trọng nhất, đó là rủi ro tín dụng liên quan đến các nhà phát triển”.