Bạc Liêu đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/11, hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ, dịch vụ… đã tham dự “Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, TP năm 2022”.

Hội nghị nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở ra nhiều cơ hội giao thương, liên doanh, liên kết, phát triển, mở rộng thị trường của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Là cơ hội để các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP của từng vùng, miền đến với thị trường các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy (thứ ba từ trái sang) và ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (thứ ba từ phải sang) tại hội nghị
Ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy (thứ ba từ trái sang) và ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (thứ ba từ phải sang) tại hội nghị

Lợi thế nguồn cung, chưa mạnh về cầu

Tại hội nghị, ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương có nhiều ưu thế về địa lý, tự nhiên, đang có đủ những tiền đề trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến về tôm, và là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Với những định hướng ưu tiên phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo và nâng cao chất lượng nông sản, các sản phẩm nông nghiệp của Bạc Liêu đang dần trở thành thế mạnh trên thị trường. Mặt khác, các sản phẩm OCOP của Bạc Liêu đa đạng và phong phú, với 108 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, có 23 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 83 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.

Bạc Liêu có 108 sản phẩm OCOP được công nhận
Bạc Liêu có 108 sản phẩm OCOP được công nhận

Tuy đa dạng và mạnh về nguồn cung, nhưng các sản phẩm của Bạc Liêu chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường. Trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn. Nguyên nhân một phần là do chưa làm tốt công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Mặt khác, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có tỉnh Bạc Liêu cũng chịu tác động của các rào cản thương mại, tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, lưu thông hàng hóa nội địa, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Nhiều xúc tiến, đẩy mạnh giao dịch điện tử

Theo bà Nguyễn Oanh Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tỉnh đã hỗ trợ trên 60 lượt cơ sở, doanh nghiệp… tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Tổ chức 4 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” thuộc chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020. Hơn 120 doanh nghiệp, hợp tác xã đã đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vừa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, đồng thời kết nối mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa.

Nhiều năm qua, Bạc Liêu đẩy mạnh giao dịch hàng hóa qua sàn thương mại điện tử với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Nhiều năm qua, Bạc Liêu đẩy mạnh giao dịch hàng hóa qua sàn thương mại điện tử với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Đáng chú ý, từ 2019 đến nay, Sở đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT), tăng cường kết nối cung cầu với các tỉnh thành khác. Trong đó đã thành lập các tổ triển khai tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng dụng TMĐT cho cộng đồng. Tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về TMĐT, kỹ năng chuyên sâu về TMĐT cho trên 350 đại biểu là đại điện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các cán bộ quản lý nhà nước về TMĐT. Triển khai Đề án hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP lập 10 website TMĐT để xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến theo xu hướng quốc tế. Hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…, giúp doanh nghiệp có kỹ năng thực hiện việc quảng bá, bán sản phẩm thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng internet, tỉnh đã xây dựng Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Bạc Liêu do Sở Công Thương quản lý, vận hành. Hiện đã có hơn 450 sản phẩm của 77 thành viên giới thiệu, quảng bá, giao thương và tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm trên sàn, mà thành viên chủ yếu là các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể OCOP của tỉnh. Ngoài ra, còn thực hiện liên kết với sàn TMĐT các tỉnh, TP: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Quảng Bình, Bến Tre, Long An, Tiền Giang và một số tỉnh phía Bắc.

Kết nối để cầu gặp cung

Thời gian tới, Bạc Liêu sẽ xây dựng và thực hiện những điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh tại các địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng trong địa bàn. Tổ chức liên kết với Trung tâm Xúc tiến các tỉnh, thành trong việc tổ chức phòng trưng bày và tiêu thụ nông sản hàng hóa, sản phẩm OCOP của tỉnh tại các địa phương khác trong cả nước.

Các chủ thể OCOP ký kết với các doanh nghiệp tiêu thụ dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu.
Các chủ thể OCOP ký kết với các doanh nghiệp tiêu thụ dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu.

Để đẩy nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại, Bạc Liêu sẽ tăng cường mối liên hệ, ký kết hợp tác giữa Sở Công Thương các tỉnh, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội. Kết nối với các hiệp hội ngành hàng, các nhà phân phối, siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa. Đẩy mạnh công tác tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh, vận động doanh nghiệp trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ và hội nghị kết nối giao thương, kể cả hội nghị, hội chợ tại nước ngoài. 

Tại hội nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu đã công bố Quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2022 và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho các chủ thể. Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm giữa Sở Công Thương Bạc Liêu với Sở Công thương các tỉnh, TP; giữa đại diện doanh nghiệp, nhà phân phối với các chủ thể OCOP tỉnh Bạc Liêu.