Diễn ra từ 22/12 đến 24/12/2023, Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP Bạc Liêu năm 2023 với nhiều hoạt động thu hút đông đảo du khách, hứa hẹn mùa bội thu của ngành du lịch tỉnh này ở những năm tiếp theo. Trước đó, ngành du lịch đã có những bước đi mới đầy táo bạo.
Ẩm thực độc đáo từ sản phẩm OCOP
Bà Trần Thị Lan Phương Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Nhiều món ăn của Bạc Liêu luôn nằm trong top những đặc sản được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam công nhận như: Bún bò cay vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam, món Bánh Tầm bì... và nhiều món từng đạt Huy chương Vàng tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ qua các lần dự thi và đã được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.”
Để đưa các món ăn Bạc Liêu lên tầm cao mới, ngày 24/12 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức “Hội thi Ẩm thực về đặc sản nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu năm 2023.” Hoạt động đã thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức Hội, đoàn thể và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực trên địa bàn toàn tỉnh. Hội thi nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Du lịch nông nghiệp, nông thôn và sản phẩm OCOP Bạc Liêu năm 2023.
Trong hội thi lần này, 16 đội tranh tài đã đến tham dự cuộc thi bằng những đặc sản địa phương và sản phẩm OCOP 3 – 4 sao. Các món ăn được chế biển bằng những sản vật tiêu biểu đặc trưng của đất và người Bạc Liêu: muối Đông Hải Bạc Liêu, gạo ST24 – tôm sú của vùng tôm lúa Hồng Dân, tôm càng xanh Phước Long…
Nông dân đang hướng về du lịch nông thôn
Trước khi diễn ra lễ hội, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi trồng cây trồng mở hướng sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch nông thôn. Qua đó đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để tăng thu nhập, điều đó đã khiến nhiều khách du lịch tự tìm đến.
Đến TP Bạc Liêu, du khách sẽ khó cưỡng lại sức hút của những vườn nhãn nổi tiếng ở xã Hiệp Thành. Đây là vùng chuyên sản xuất loại thanh nhãn nổi tiếng riêng biệt của Bạc Liêu với độ ngọt và hương thơm quyến rũ.
Còn ông Phương Văn Sị (ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) cho biết: Vườn táo của gia đình thường xuyên có khách đến tham quan, mua và thưởng thức táo ngay tại vườn.. Do lúc cây ra hoa, ông bao lưới toàn bộ khu vườn để tránh côn trùng xâm nhập gây hại. Cách làm này không chỉ giúp trái không bị sâu, vỏ táo bóng đẹp mà còn tạo ra nông sản không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nên giá thành cao hơn táo cùng loại 20 - 30% nhưng khách vẫn tìm mua. Học tập ông Sị, đã có 4 hộ nông dân khác trong xã vận dụng làm theo, tạo nên dịch vụ du lịch sinh thái tại vườn đắt khách, tạo thành điểm nhấn du lịch sinh thái của địa phương.
Phát huy vốn thế mạnh, tăng tốc du lịch từ sản phẩm OCOP
Những năm qua, du lịch Bạc Liêu có nhiều bước phát triển mạnh khi hàng năm lượng du khách tăng trung bình khoảng 15%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Dịch vụ du lịch ngày càng phong phú và đa dạng hơn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu trong khu vực và cả nước. Riêng năm 2023, Bạc Liêu đón tiếp khoảng 4,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong vùng ĐBSCL.
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có 11 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, nhiều nhất trong toàn vùng. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh như: du lịch văn hóa gắn với Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh…
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Bên cạnh những tiềm năng và thế mạnh về du lịch, thì các sản phẩm OCOP phục vụ cho nhu cầu mua sắm làm quà tặng của du khách cũng yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP (trong đó có 33 sản phẩm đạt 4 sao và 98 sản phẩm đạt 3 sao). Cùng với định hướng tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa của địa phương, các sản phẩm OCOP của Bạc Liêu sẽ ngày càng lớn mạnh, đi sâu vào đời sống người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị hơn cho tỉnh nhà.”
“Trong thời gian tới, Bạc Liêu đã xác định du lịch là một trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của Khu vực ĐBSCL, đồng thời, quyết tâm xây dựng TP Bạc Liêu trở thành khu du lịch quốc gia, thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh” – ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh.