Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạc Liêu: Vượt khó không ngừng vươn lên sau 25 năm chia tách

HOÀNG QUÂN – HỒNG LĨNH - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tách ra từ tỉnh Minh Hải 1/1/1997, thu nhập bình quân của tỉnh Bạc Liêu ở cuối bảng của khu vực chỉ 5,5 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng 25 năm sau, khi dịch Covid -19 hoành hành, Bạc Liêu vẫn đạt tăng trưởng 5,5%, dẫn đầu khu vực ĐBSCL. Đó là nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng toàn dân toàn quân tỉnh Bạc Liêu.

An dân ngay ngày đầu tái lập

Cố Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu ông Phan Quốc Hưng lúc đương nhiệm từng chia sẻ: “Thời chiến vùng nông thôn vùng giải phóng đều rất nghèo và khó khăn hơn so với dân thành thị. Nhưng  họ bất chấp hy sinh theo Đảng, bảo bọc cách mạng đến ngày toàn thắng. Nên hòa bình rồi, có điều kiện thì nên lo cho dân vùng nông thôn trước, lo thành thị sau”. Và chính những chăm lo cho dân xuất phát từ đạo lý nhớ nguồn của người cộng sản, mà hôm nay Đảng bộ và người dân Bạc Liêu tự hào rằng, địa phương là một trong những đơn vị hoàn thành sớm chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Một góc TP Bạc Liêu
Một góc TP Bạc Liêu

Còn nhớ, những năm 1990-2000, khi đường sá, giao thông ở các tỉnh ĐBSCL còn quá khó khăn, nhất là vùng nông thôn. Thì Bạc Liêu khi ấy đã là một điểm sáng về phát triển điện, đường, trường, trạm. Chỉ riêng 1997-2000, Bạc Liêu đã hoàn thành 34/47 xã, thị trấn có đường xe ô tô đến trung tâm. Hầu hết 47 xã, thị trấn có đường xe hai bánh đi lại suốt hai mùa mưa nắng. Các tuyến đường giao thông quan trọng như: Cao Văn Lầu, Hiệp Thành - Xiêm Cán; Tỉnh lộ 38; Hương lộ 6; Phước Long - Ngan Dừa; Giá Rai - Gành Hào; được hoàn thành. Đầu tư cho thủy lợi trên 320 tỷ đồng, đào đắp 9,8 triệu mét khối đất, hoàn thành 2.982km kênh mương thủy lợi, thủy nông nội đồng, từ đó đưa diện tích canh tác lúa lên 2 - 3 vụ, tăng 3,5 lần so với năm 1995. Năm 1995, tỷ lệ hộ dùng điện chỉ đạt 14%, thì giai đoạn 1997 - 2000, Bạc Liêu đã giải quyết được lưới điện quốc gia về đến trung tâm xã 100% và hộ dùng điện được nâng lên 44%, hộ dùng nước sạch cũng tăng lên 2 lần. Có 2.257 phòng học cấp II-III được xây dựng mới, xóa hết phòng học cây lá lụp xụp và phòng học 3 ca; xây dựng 1.729 nhà tình nghĩa, giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho gia đình thương binh, liệt sĩ; trên 13.000 hộ nghèo đã có cuộc sống ấm no, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

    Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến tháng 10/2021, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 49/49 xã đạt chuẩn NTM (vượt 100% chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra), có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã đang thực hiện quy trình thẩm định công nhận, có 67/67 ấp đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu, 1 đơn vị hoàn thành nông thôn mới là TP Bạc Liêu.

    Dẫn dầu tăng trưởng ở khu vực

  Những năm đầu mới tái lập, vùng thế mạnh của Bạc Liêu để đẩy nhanh phát triển kinh tế là Bắc Quốc lộ 1A có 152.000ha đất tự nhiên. Tuy được  thụ hưởng chương trình ngọt hóa Quản lộ - Phụng Hiệp nhưng diện tích trồng lúa chỉ mới đạt 70.000ha. Có 20.000ha đất nuôi tôm nhưng tự phát, chưa được quy hoạch nên năng suất thấp, lại  nhiễm mặn vùng sản xuất lúa, xảy ra tình trạng xung đột lợi ích cây lúa-con tôm. Hải sản thì đánh bắt nhỏ lẻ, gần bờ, sản lượng thấp, nuôi trồng kém hiệu quả. Từ xuất phát điểm thấp như vậy, nhưng bằng nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ Bạc Liêu đã đưa Bạc Liêu từ thành công này đến những thành tựu khác bằng những nghị quyết, chủ trương chính sách phù hợp. Từ lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 1997-2006, hay triển khai thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2015 - 2020).

Ngành điện gió Bạc Liêu phát triển mạnh trong những năm qua
Ngành điện gió Bạc Liêu phát triển mạnh trong những năm qua

Những chủ trương quyết sách đó đã tập trung phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa và tập trung xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả; phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao giá trị nông sản; sản xuất có hiệu quả ở 2 vùng Nam và Bắc Quốc lộ 1A.

   Trong đó, trụ cột nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng  công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Xác định 5 trụ cột (trong đó có trụ cột nông nghiệp) thực chất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại (hay xác định lại trên cái nền đã có) nhằm thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế. Bên cạnh đó tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nhiều dự án điện gió đã được triển khai thành công hiệu quả như: Nhà máy Điện gió Bạc Liêu quy mô công suất 99,2MW, Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 (giai đoạn 1, giai đoạn 2), Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 (giai đoạn 1, giai đoạn 2), Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3, Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2, Nhà máy Điện gió Đông Hải 2 - giai đoạn 1, Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1 và Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu - giai đoạn 1…

Đặc biệt, Bạc Liêu cũng đã mời gọi, thu hút được Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư và nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai các thủ tục có liên quan, phấn đấu khởi công sớm nhất.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng do chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng để kịp thời ứng phó phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bạc Liêu năm 2021 phát triển khá, tăng 5,05% so cùng kỳ năm 2020, đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long.