Một trong những trường hợp nặng được các bác sĩ Bệnh viện E tiếp cận là người bệnh N.V.S. (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau đầu, đau vai trái… được chẩn đoán chấn thương sọ não vỡ xương trán, máu tụ ngoài màng cứng.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong lúc mưa bão, người bệnh bị tai nạn ngã từ trên cao xuống khi đang cố gắng gia cố mái tôn. Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã nhanh chóng cầm máu, chiếu chụp, thực hiện các xét nghiệm cần thiết… sau đó chuyển người bệnh lên phòng mổ cấp cứu.
Tương tự, người bệnh L.V.T. (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều vùng da đầu do trong lúc bão lớn bị mái tôn công trình rơi vào đầu. Người bệnh được các bác sĩ cầm máu, rửa và khâu vết thương…
Đây là hai trong số nhiều ca cấp cứu được khoa Cấp cứu, Bệnh viện E tiếp nhận và điều trị trong khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội.
TS Nguyễn Minh Tuấn - Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu và lọc máu, Bệnh viện E cho biết, trong ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, đơn vị đã tiếp nhận 36 ca cấp cứu. Trong đó, có 16 ca cấp cứu ngoại khoa: 10 trường hợp cấp cứu do người bệnh gặp tai nạn liên quan đến bão số 3; 20 ca cấp cứu nội khoa.
Người bệnh N.T.D. (nữ, 68 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng bị đau ngực trái nhiều kèm khó thở, vã mồ hôi, đau lan lên cổ, tay trái và sau lưng...
Trước đó, người bệnh được theo dõi tại một cơ sở y tế ở địa phương, tuy nhiên, khi tình trạng trở nên nặng hơn, người bệnh mới được chuyển về cấp cứu tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E. Các bác sĩ xác định người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp, cần can thiệp sớm nhằm đảm bảo tính mạng cho người bệnh.
Bác sĩ Lý Đức Ngọc - Phó Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, đây là 1 trong 3 ca cấp cứu tim mạch được các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E thực hiện can thiệp, cấp cứu tim mạch: đặt stent mạch vành cho 3 ca nhồi máu cơ tim cấp trong ngày bão số 3 đổ bộ. Sau can thiệp, sức khoẻ của 3 người bệnh đều ổn định.
Kịp thời cấp cứu người bệnh trong cơn bão
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Cấp cứu A9 luôn sáng đèn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin, sau khi bão đổ bộ, Trung tâm Gây mê hồi sức của đơn vị có rất nhiều bệnh nhân nặng được phẫu thuật cấp cứu. Riêng ngày 7/9, hai khu kỹ thuật gồm tầng 4 tòa nhà Q, nhà P và khu Hồi sức Ngoại thực hiện cấp cứu nhiều bệnh nhân nặng.
“Có bệnh nhân khoa Ngoại tiêu hóa shock mất máu nặng phải ép tim và phẫu thuật ngay trên cáng. Nhiều bệnh nhân được các bác sĩ hội chẩn liên chuyên khoa để có phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh” - PGS.TS Vũ Văn Giáp thông tin.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, qua thống kê sơ bộ, trong 2 ngày 6 - 7/9, tua trực của đơn vị đã tiếp nhận và điều trị cho 14 ca cấp cứu nhập viện do siêu bão tác động.
Trong đó có 1 trường hợp do cây đổ đè xuống người gây chấn thương sọ não; 2 trường hợp chấn thương chi, chấn thương sọ não do tường và kính vỡ đổ vào người cùng gần 10 trường hợp tai nạn ô tô, xe máy khi đang tham gia giao thông “vượt bão về nhà”. Kíp trực đã nỗ lực cấp cứu người bệnh trong cơn bão nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của họ trong tình huống khẩn cấp.
Việc cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ tổn thương thêm, duy trì quá trình điều trị liên tục, đồng thời giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc các di chứng nặng nề do thiên tai gây ra. Đây cũng là trách nhiệm y tế quan trọng của bệnh viện, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm nguy hiểm.
Ngoài ra, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tính đến tối 7/9, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do bão, trong đó có 6 ca nặng đang được điều trị tích cực. Các bệnh nhân đa phần đều gặp chấn thương do mảnh kính to. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh trong cơn bão.
Nhằm chủ động ứng phó khi cơn bão số 3 đổ bộ và chống ngập lụt bệnh viện do mưa hoàn lưu sau bão, lãnh đạo các bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng trong toàn bệnh viện đảm bảo sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo công tác trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ. Ngoài ra, công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị, phẫu thuật cho người bệnh khác vẫn diễn ra bình thường.
Ngay sau cơn bão, ban lãnh đạo các bệnh viện đã tổ chức cuộc họp khẩn phân công nhiệm vụ cho các lãnh đạo chủ chốt và tua trực, các lực lượng tích cực dọn dẹp cây đổ, làm sạch cảnh quan bệnh viện, khoa phòng để chuẩn bị cho công tác khám, chữa bệnh diễn ra ổn định, bình thường.