Bác sĩ căng mình trực dịch ngày Tết

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết không ngày nghỉ; Tết… quên ăn, quên ngủ, căng mình cứu người bệnh, ứng phó với dịch bệnh… Đó là những chia sẻ của các bác sĩ, nhân viên y tế một số bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội trước dịch bệnh viêm phổi cấp do virus mới - corona (nCoV) đang hoành hành.

Quên ăn, quên ngủ… vì dịch
Hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư chia sẻ: “Đã chọn nghề y thì hiếm có y bác sĩ nào không một lần đón Tết ở BV. Nhiều năm trực Tết, bác sĩ Cấp nhớ không xuể có bao nhiêu ca bệnh phải xử lý trong ca trực của mình.
Những năm gần đây, các bác sĩ, nhân viên y tế bớt “bận rộn” hơn khi “độ nóng” của các dịch bệnh nguy hiểm như A/H5N1, H1N1, SARS… đã giảm dần vào dịp Tết. Tuy nhiên, với bác sĩ Cấp, những ký ức về quãng thời gian tập trung “trực chiến” với nhiều dịch bệnh nguy hiểm ấy vẫn thật khó quên. Đó là câu chuyện xảy ra vào thời điểm Tết Nguyên đán 2009 cận kề khi người dân ùn ùn kéo đến BV xét nghiệm cúm A/H1N1.
 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư sẵn sàng các trang thiết bị, ứng phó với dịch bệnh nCoV. Ảnh: Trần Thảo
“Có ngày, người bệnh đeo khẩu trang đứng xếp hàng vòng trong, vòng ngoài chờ làm xét nghiệm cúm A/H1N1. Còn các phòng bệnh thì kín đặc bệnh nhân. May mắn, sau Ngày ông Công, ông Táo, lượng bệnh nhân nhập viện khám cúm A/H1N1 giảm hẳn. Thế nhưng không vì thế mà chúng tôi dám lơ là. Ngoài việc duy trì lực lượng nhân viên trực, những nhân viên của BV vẫn phải thường trú để sẵn sàng tăng cường nếu được huy động…”- bác sĩ Cấp nhớ lại.
Tết năm nay cũng vậy, không chỉ căng mình cấp cứu người bệnh, các bác sĩ, nhân viên y tế BV Bệnh nhiệt đới T.Ư quên ăn, quên ngủ, không nghỉ Tết để ứng phó với dịch bệnh virus corona đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.
Bác sĩ Cấp cũng thông tin thêm, hiện tại, khoa Cấp cứu cũng như BV tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona. BV luôn trong trình trạng quá tải. Mặc dù, trước đó, BV đã xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị cơ số giường trong khu vực cách ly...
Cứ người dân nào đi Vũ Hán, Trung Quốc về hoặc ai tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ nhiễm virus Corona ở nước ngoài, sau đó về nhà sốt, bị tổn thương phổi sẽ được đưa vào BV cách ly. Sau quy trình sàng lọc, xét nghiệm, BV mới có kết luận, trường hợp đó có bị nhiễm virus Corona hay không. Và điều đáng mừng, cho đến thời điểm này, BV chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virus Corona.
TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2020, BV tổ chức tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị người bệnh; thiết lập khu vực cách ly, tiếp nhận điều trị người bệnh, phân loại, theo dõi những trường hợp nặng.
Đặc biêt, để ứng phó với dịch bệnh viêm phổi cấp, BV đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch. Lập đội Cấp cứu ngoại viện, phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ các thành viên, tổ chức công tác thường trực 4 cấp 24/24 giờ. Huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên của BV sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch khi được điều động.
Ngành y tế không có Tết
Với sứ mệnh của những người hành nghề y, mang trên mình chiếc áo blouse trắng, các y bác sĩ cùng nhiều cơ quan chuyên môn đang ngày đêm thầm lặng đóng góp công sức nhằm hỗ trợ bệnh nhân và người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh virus Corona.
Bác sĩ Nguyễn Hải Nam - Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, kiểm dịch tại cửa khẩu là công tác đầu tiên trong quy trình phòng, chống dịch bệnh. Do đó, ngay kể cả những ngày nghỉ Tết, Trung tâm vẫn phải tăng cường nhân lực phòng, chống dịch bệnh, trực kiểm dịch y tế quốc tế 24/24 giờ.
Tại đây, mỗi ca trực kéo dài 10 giờ, có 8 nhân viên, bắt đầu từ 5 - 15 giờ; ca tiếp theo từ 15 giờ cho đến khi hết chuyến bay. “Ngày Tết, ai cũng muốn được quây quần, đoàn tụ bên gia đình, nhưng đây lại là thời điểm chúng tôi bận nhất. Nếu chủ quan, lơ là, các ca bệnh xâm nhập không kiểm soát được thì hậu quả sẽ khôn lường” - bác sĩ Nam chia sẻ.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Đào Hữu Thân cho biết, toàn TP có 65 đội chống dịch cơ động. Trong đó, tuyến TP có 5 đội, mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội thực hiện chế độ thường trực, sẵn sàng triển khai xử lý ca bệnh khi có yêu cầu. Các đội chống dịch cơ động đều được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, được đào tạo và tập huấn ứng phó với dịch bệnh.

Chiều 29/1, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo về công tác bảo đảm y tế phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, từ 7giờ ngày 23/1 đến 7giờ ngày 29/11, các bệnh viện đã tiếp nhận 12.758 trường hợp khám cấp cứu, tai nạn. Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã bố trí 14 kíp cấp cứu/ngày ứng trực 24/24 giờ.

Trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã và 65 đội phòng, chống dịch bệnh cơ động tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp do virus mới Corona (nCoV). Tính đến ngày 29/1, trên địa bàn Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV. (Thanh Bình)