Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bác sĩ cứu người, ai cứu bác sĩ?

Giang Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2.000 cán bộ, nhân viên y tế bị ung thư, hàng trăm người bị bạo hành khi đang cấp cứu cho người bệnh, thậm chí đã có bác sĩ tử vong do bị người nhà bệnh nhân bạo hành. Có thể nói, môi trường làm việc của cán bộ y tế đang rất áp lực vì quá tải, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện phòng hộ.

Hành vi tấn công bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tháng 4/2018. Hình ảnh cắt ra từ Clip.
Nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro
PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) đã nêu lên thực trạng qua một nghiên cứu được tiến hành tại 132 cơ sở y tế, phỏng vấn 9.437 nhân viên y tế, khám lâm sàng và xét nghiệm 2.000 người. Kết quả cho thấy, có 28,6% nhân viên thuộc hệ điều trị và 25,9% ở hệ dự phòng mắc một số bệnh mãn tính như loét dạ dày, cao huyết áp, bướu cổ, tiểu đường, viêm gan; 17,2% nhân viên y tế thuộc hệ điều trị và 14,1% ở hệ dự phòng mắc bệnh lây nhiễm trong thời gian làm việc như bệnh đường hô hấp và đường máu; 57,3% nhân viên y tế hệ điều trị và 34,7% hệ dự phòng có bị tổn thương do vật sắc nhọn… Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế bao gồm yếu tố vật lý, hóa học, vi sinh vật, ergonomi, stress và bạo hành.
Hiện cả nước có hơn 1.400 bệnh viện, hơn 500.000 nhân viên y tế, mỗi năm có khoảng 160 triệu lượt người khám và 27 triệu người bệnh điều trị nội trú. Đây là sức ép khá lớn đối với các nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế không đảm bảo đủ sức khỏe thì không thể chăm sóc tốt cho người bệnh. Để giảm bớt xung đột giữa bác sĩ và người nhà người bệnh, quan trọng nhất chính là sự đồng cảm, chia sẻ của chính người bệnh và người nhà người bệnh khi đến cơ sở y tế.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa
Bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cũng cho biết: Trong môi trường làm việc của nhân viên y tế, đáng lo ngại là các bức xạ ion hóa gây biến đổi gene, nhiễm sắc thể, can thiệp vào quá trình chuyển hóa, chậm phân chia tế bào, nguyên nhân của các loại ung thư máu, da, xương và tuyến giáp. Đó cũng là một trong những lý do khiến gần 2.000 cán bộ y tế bị ung thư. Không chỉ vậy, môi trường làm việc của cán bộ y tế còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có nguy cơ bị bạo hành cao.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ năm 2010 đến hết năm 2016, cả nước ghi nhận ít nhất 22 vụ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, nhân viên y tế. Năm 2017, có tổng cộng 13 vụ. Trong số các vụ bạo hành, 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Đã có 2 trường hợp nhân viên ngành y tế tử vong do bạo hành của người nhà bệnh nhân là bác sĩ Trần Văn Giàu – Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) xảy ra vào năm 2012. Mới đây nhất, một nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Y tế Quế Sơn (Quảng Nam) cũng tử vong trong khi ngăn cản vụ cãi nhau giữa người bệnh và người nhà.
Đồng hành cùng nhân viên y tế
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, cần có quy định xử phạt nghiêm đối với các hành vi bạo hành nhân viên y tế và có các văn bản quy định đảm bảo an ninh, trật tự trong các cơ sở khám chữa bệnh. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng cần được đầu tư nâng cấp hạ tầng, đáp ứng cung cấp dịch vụ cho người bệnh. Với nhân viên y tế, cần tiếp tục thay đổi, cải thiện khâu giao tiếp nhằm hạn chế xảy ra bức xúc trong mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc.
Để đồng hành, chia sẻ cùng nhân viên y tế, từ tháng 5/2019 đến nay, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp triển khai Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng”. Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chương trình có thông điệp rõ ràng và có chiến dịch bảo vệ cụ thể là người thầy thuốc, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế không bị tổn thương về thể xác, tinh thần khi làm nhiệm vụ. Ông Hiểu cũng mong muốn các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và cả cộng đồng cùng vào cuộc.
Trong thời gian tới, Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát và đưa ra phương án phòng bạo hành cho cán bộ y tế vào tiêu chí chấm điểm Công đoàn cơ sở vững mạnh. Công đoàn cũng sẽ trao đổi thông tin hai chiều với Bộ Y tế, Tổng hội Y học… nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đoàn viên Công đoàn trong ngành y tế. Từ đó, sẽ có những kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền với các vấn đề liên quan tới chính sách…