Quyết tâm cai nghiện, cuộc đời hồi sinh
Đến thăm cơ ngơi cùng ruộng hoa, rau của vợ chồng anh N.Đ.Q (47 tuổi, trú tại Tổ dân phố (TDP) Thượng 2, phường Tây Tựu) và chị H.T.L (43 tuổi, hội viên Chi hội phụ nữ số 2, phường Tây Tựu) không ai nghĩ rằng, trước kia, anh Q từng sa ngã vào con đường nghiện ma túy. Anh Q vốn là một người hiền lành nhưng bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy từ năm 2000. Chị L - vợ anh Q là người sống tự lập nên khi hay tin chồng nghiện đã chấp nhận đối diện sự thật, vừa vất vả làm vườn, lo kinh tế gia đình vừa chăm sóc con cái.
Cùng với sự đồng hành và khuyên nhủ của vợ, anh Q quyết tâm cai nghiện ma túy. Và sau 2 lần cai nghiện, đến năm 2010, người đàn ông này đã tránh xa được ma túy. Với nghị lực vượt qua chính mình cùng sự động viên của gia đình, anh Q đã quyết định uống thuốc Methadone, phụ giúp vợ phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định hơn.
Từ khi phát hiện anh Q mắc nghiện ma túy, Hội LHPN phường Tây Tựu đã phân công cán bộ hội theo dõi, giúp đỡ gia đình anh. Nhờ sự động viên, giúp đỡ của Hội LHPN phường, năm 2012, chị L mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay từ hội phụ nữ với số vốn ban đầu 20 triệu đồng, sau đó tăng lên 50 triệu đồng. Cứ 2 năm “đáo hạn” vốn vay/lần, đến nay, chị L được 5 lần vay vốn. Với số vốn này, gia đình chị L mở rộng sản xuất, phát triển trồng hoa cúc, hoa hồng, rau gia vị…; thu nhập của gia đình ngày càng cải thiện với hơn 10 triệu đồng/tháng.
Sau 10 năm từ khi tiếp cận nguồn vốn từ Hội Phụ nữ, nhờ gia đình đoàn kết, bảo nhau làm ăn, kinh tế, cuộc sống gia đình anh Q khá giả hơn. Đến nay, vợ chồng anh trả hết số tiền vay nợ và xây thêm được căn nhà mới khang trang, sạch đẹp. “Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Hội Phụ nữ, gia đình tôi đã phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế gia đình dần ổn định, đi lên. Mừng nhất là chồng tôi cai nghiện thành công, tu chí làm ăn. Tôi thấy hạnh phúc, mãn nguyện lắm” – chị L chia sẻ.
Gia đình chị L và 2 hộ khác được Hội LHPN phường Tây Tựu tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) quận cho vay nguồn giải quyết việc làm trong thời gian qua. Đó là anh Đ.T.N (TDP Trung 8) vay 50 triệu đồng; gia đình ông Đ.T.P (bố đẻ đối tượng Đ.T.L đã mãn hạn tù) vay vốn phát triển kinh tế 50 triệu đồng. Hội LHPN phường hỗ trợ 30 triệu đồng xây mới 1 mái ấm tình thương cho bố, mẹ của đối tượng đã mãn hạn tù (anh N.K.A - TDP Trung 5).
Phát huy hiệu quả đồng vốn vay
Thời gian qua, Hội LHPN Bắc Từ Liêm thực hiện mô hình tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Đến năm 2020, Hội LHPN quận đã tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức.
Chủ tịch Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm Bùi Thị Trinh cho biết, từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN quận đã chỉ đạo các cơ sở Hội có người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tạo điều kiện cho họ và gia đình được vay vốn để tạo việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, từ nguồn vay vốn quỹ Câu lạc bộ (CLB) Đồng cảm TP cho anh H.G.K (cai nghiện bắt buộc) và mẹ đẻ là bà N.T.H (TDP Nguyên Xá 1, phường Minh Khai) vay 20 triệu đồng (mỗi người vay 10 triệu đồng).
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) quận đã giúp 5 hộ gia đình có vốn để sản xuất, kinh doanh (làm Nail, trồng bưởi), với số tiền 270 triệu đồng. Các đối tượng và gia đình có người chấp hành xong án phạt tù đã sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình. Bên cạnh đó, các cấp Hội phụ nữ vận động chủ DN, hộ kinh doanh trên địa bàn giới thiệu việc làm cho 6 trường hợp.
Ngoài ra, các cấp Hội phụ nữ còn duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội để bản thân đối tượng và gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện tham gia sinh hoạt.
“Đặc biệt, nhiều năm qua, quận Bắc Từ Liêm vẫn duy trì mô hình CLB Đồng cảm người cao tuổi hỗ trợ bằng nhiều hình thức, giúp đỡ kết nạp những người thân và bản thân người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS tham gia sinh hoạt. Cho đến nay, 6 CLB đã giúp đỡ 34 hội viên (trong đó có một số người cai nghiện ma túy và hội viên của CLB) được vay 292 triệu đồng từ nguồn của CLB” – bà Trinh cho hay.
Tính đến ngày 31/8/2022, quận Bắc Từ Liêm có 86 tổ tiết kiệm và vay vốn bảo lãnh tín chấp cho 3.711 hộ vay với số tiền dư nợ ủy thác hơn 241 tỷ đồng; tỷ lệ dư nợ trong toàn quận chiếm gần 74,5%. 100% hộ vay vốn (3.711 hộ) đều vay sản xuất, kinh doanh hoạt động hiệu quả, tham gia gửi tiết kiệm để giảm nợ gốc. Hiện nay, nguồn tiết kiệm của họ được hơn 23 tỷ đồng, tiếp tục được gửi vào Ngân hàng CSXH giúp ngân hàng mở rộng đối tượng cho vay. Nguồn vay chủ yếu hiện nay là vay giải quyết việc làm cho hộ nghèo và hộ cận nghèo (quận có 5 hộ nghèo, 500 hộ cận nghèo).
Từ nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (trong đó những hộ có người sau cai nghiện ma túy, hộ có người mãn hạn tù) vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng, ổn định cuộc sống cũng như góp phần giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn quận.