Badya có nghĩa là sáng tạo trong tiếng Ai Cập. Khái niệm "Thành phố sáng tạo" (Creative City) được đưa ra từ năm 1988 nhưng trên thế giới những đô thị được công nhận ở dạng này mới vẫn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.Badya City của Ai Cập được thiết kế, quy hoạch và xây dựng trước mắt cho khoảng 150.000 cư dân trên diện tích hơn 1.260ha. Xây dựng TP này, Chính phủ Ai Cập theo đuổi hai mục tiêu là giảm gánh nặng trên mọi phương diện cho thủ đô Cairo và chinh phục sa mạc. Creative City cùng với Smart City, Green City và Connective City được coi là bốn mô hình cho đô thị trong tương lai trên thế giới. Badya City tuy lựa chọn Creative City làm điểm nhấn chính nhưng kết hợp cả một số tiêu chí đặc thù của ba mô hình kia. Đô thị thời hiện đại ở nơi nào cũng không thể thiếu và không thể không dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc thù cho đô thị và thích hợp với thế giới hiện đại. Badya City muốn chinh phục sa mạc thì đương nhiên phải trở thành một Thành phố xanh, muốn đáp ứng mọi tiêu chí của đô thị trong thế giới hiện đại thì còn phải là một Thành phố thông minh và một Thành phố kết nối. Cái đặc biệt ở Badya City là cả đô thị được xây dựng thành môi trường thuận lợi cho cuộc sống và lao động sáng tạo của người dân theo phương châm "Đến Badya City để sống và sáng tạo", tức là nơi này không chỉ là "thành phố đáng đến để sống" mà còn có đầy đủ điều kiện thuận lợi cho người dân theo đuổi và thực hiện những ý tưởng sáng tạo của họ, từ nghiên cứu khoa học cơ bản đến phát triển kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao, từ khởi nghiệp kinh tế và thương mại đến sáng tạo nghệ thuật và phát triển văn hóa. Chính phủ Ai cập kỳ vọng rằng mô hình đô thị này sẽ giúp không chỉ thủ đô mà còn cả các đô thị khác nữa vừa giải quyết được những vấn đề đang đặt ra vừa biến sa mạc thành môi trường sống mới cho con người.