Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài 1: Gặp những người đào thoát từ “trại buôn người” bên đất Campuchia

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Họ là những thanh thiếu niên nghe lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội bởi các băng nhóm buôn người. Sau khi đến “công ty”, mới biết mình đã bị lừa bán. Công việc của nạn nhân là gọi điện, nhắn tin qua app để lừa người chơi đánh bạc, đầu tư tiền ảo…

Mỗi nạn nhân bị bán giá 2.500 USD

Vẫn chưa quên những ngày tháng sống như “tù nhân” tại trại lao động do những người Trung Quốc lập ra bên đất Campuchia để lừa đảo. Em Nguyễn Anh Kiệt (SN 2001, quê Đồng Tháp), kể lại: Đầu năm 2022, Kiệt lên TP Hồ Chí Minh phụ việc tại quán nhậu trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận 5. Trong thời gian phục vụ quán, có một thanh niên tên A Tỷ thường đến nhậu, hỏi Kiệt có biết đánh máy vi tính? Khi Kiệt nói biết, A Tỷ rỉ tai có công việc bên Campuchia, chỉ ngồi trong nhà làm trên máy tính, thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên, chưa kể tiền thưởng và được bao ăn, ở.

"Hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải (bên trái) người giải cứu nạn nhân Nguyễn Anh Kiệt từ Campuchia về Việt Nam.
"Hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải (bên trái) người giải cứu nạn nhân Nguyễn Anh Kiệt từ Campuchia về Việt Nam.

“Nhiều lần nghe A Tỷ nói làm tại Campuchia không cần nộp hồ sơ xin việc, lại có lương cao nên em đồng ý. Khoảng cuối tháng 2/2022, A Tỷ điều xe ô tô đến chở em đi. Đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) trời đã tối, tài xế giao em cho một nhóm người đưa qua biên giới, sang tới Campuchia đã có xe ô tô chờ sẵn chở em đi thẳng tới công ty. Công ty này rất rộng, có hàng rào bao quanh. Sáng hôm sau, quản lý người Trung Quốc thông báo với em bằng tiếng Việt là họ đã mua em với giá 2.500 USD” - Kiệt kể tiếp.

Tương tự là em Phan Ngọc Tới (quê TP Cần Thơ), nghe “bạn” rủ qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, chỉ ngồi gọi điện, nên Tới cùng với 6 - 7 người khác đồng ý. Đầu tháng 3/2022, Tới cùng 6 - 7 người khác được “bạn” thuê ô tô chở sang Campuchia. Đến nơi, Tới và những người đi cùng được bàn giao cho quản lý trại lao động và được thông báo mỗi người đã “nợ” công ty 2.500 USD, lúc này nhóm của Tới mới biết bị lừa bán thì đã muộn.

Trường hợp khác là Nguyễn Hoài Vũ Linh (quê Long An) kể lại: “Bọn em nghe công việc có thu nhập ổn định, nhẹ nhàng nên ai cũng ham, không ai nghĩ mình sẽ bị lừa bán. Khi đến một điểm cách cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh khoảng 4 tiếng đi xe, họ dừng nghỉ ở một điểm để cho bọn em tắm rửa, ăn uống. Hôm sau có xe đến đón đưa qua Campuchia, mất khoảng 5 tiếng đồng hồ ngồi xe ô tô thì đến trại lao động. Vào đến nơi, bọn em được thông báo bị bán với giá 2.500 USD/người”.

Điều từ quê vào Bình Dương, đưa sang Campuchia bán

Em Đoàn Hồng Chương (SN 2004, quê Phú Yên), muốn đi làm nên lên mạng tìm việc, thì được nick “bản năng” liên hệ và nhắn vào tỉnh Bình Dương làm công ty. Ngày 30/4, Chương vào Bình Dương, sau đó vài ngày “bản năng” hỏi Chương có biết đánh vi tính chữ Việt có dấu? Công việc này “lương cứng” 21 triệu đồng/tháng, mỗi tháng được nghỉ 4 ngày Chủ nhật, ngày nào tăng ca được 50 USD nên Chương đồng ý.

Tin nhắn của nick “bản năng” dụ dỗ Đoàn Hồng Chương làm “việc nhẹ, lương cao” với mức lương 21 triệu đồng/tháng.
Tin nhắn của nick “bản năng” dụ dỗ Đoàn Hồng Chương làm “việc nhẹ, lương cao” với mức lương 21 triệu đồng/tháng.

Trưa 5/5, “bản năng” nhắn tin: “Phải làm ở cơ sở chính gần cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh mới có mức 21 triệu đồng/tháng. Do đã lỡ vào Bình Dương, lại không quen biết ai nên Chương đồng ý, lập tức “bản năng” điều ô tô đón Chương lên cửa khẩu Mộc Bài. Đến nơi trời đã tối, Chương được đưa qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch, sau đó được giao cho 2 người chạy xe máy chở đến “công ty”, lúc này là 23 giờ đêm.

Ngày 6/5 và 7/5, Chương vẫn nhắn tin được với “bản năng”, nhưng đến 23 giờ đêm 11/5, “bản năng” khóa luôn nick zalo, lúc này Chương bị quản lý tịch thu điện thoại di động như những người chung phòng. Phòng của Chương có 6 người Việt, nằm trên tầng 3 của tòa nhà 7 tầng, tất cả các ô cửa sổ tòa nhà đều bị hàn song sắt.

Theo lời kể của Chương, trong tòa nhà có khoảng 2.000 người gồm nhiều quốc gia, mỗi ngày làm việc 14 tiếng, được ăn 3 bữa (trưa, chiều, tối), thức ăn gồm đậu hũ, rau. Làm được 3 - 4 ngày, nghe những người chung phòng tâm sự tháng đầu chủ có trả lương 200 USD, không phải 21 triệu đồng như lời dụ dỗ. Tháng thứ 2, ai không đạt “chỉ tiêu lừa đảo” sẽ bị chủ trại bán sang trại thứ 2, thứ 3.

“Xâu chuỗi tâm sự của những người cùng phòng và việc tất cả mọi người bị tịch thu điện thoại di động, nên trong lúc làm việc trên máy tính, em nhắn tin báo cho ba biết là em đã bị lừa bán sang Campuchia. Nhưng em không biết mình đang ở đâu vì không được ra ngoài” - Chương nói.

Trường hợp của em Dương Văn Vũ (quê Cà Mau) kể: Khi Vũ nghe “bạn” gọi điện rủ sang Campuchia làm trong casino (sòng bạc), Vũ nghĩ làm trong casino giống như các bộ phim trên truyền hình nên đồng ý qua làm chung.

“Qua đến nơi, họ nói chi phí đi đường hết 1.100 USD, nếu làm không được phải trả thêm cho họ 1.400 USD (tổng cộng nợ 2.500 USD). Nếu không có tiền chuộc, sẽ bị bán qua Cảng Sihanoukville. Lúc đó em biết mình đã bị bạn lừa bán” - Vũ nói.

“Việc nhẹ, lương cao” là gọi qua app để lừa đồng bào

Công việc của Kiệt, Vũ, Tới, Linh cũng như những người Việt bị lừa bán sang Campuchia làm cho “công ty” Trung Quốc là ngồi máy tính nhắn tin, gọi điện về Việt Nam để lừa đảo thông qua các app đầu tư tiền ảo, cho vay tiền 24/7. Thậm chí giả danh người của cơ quan công quyền gọi điện vào bất cứ số điện thoại nào mà bọn lừa đảo có được, để dọa nạt người nghe máy là đang bị điều tra, hoặc đã vi phạm luật giao thông hay có hợp đồng bảo hiểm chưa nhận. Ai không tỉnh táo sẽ bị bọn lừa đảo điều khiển bấm theo số điện thoại mà chúng hướng dẫn rồi nạp tiền vào tài khoản của chúng.

Kiệt nói: "App đầu tư tiền ảo, chúng cho người đầu tư thắng, hưởng ngay 10% sau khi chơi lần 1, lần thứ 2 tiếp tục cho hưởng 10%. Khi người chơi thấy lời quá dễ, dồn thật nhiều tiền mua, lúc này chúng cho sập sàn tiền ảo".

Còn theo Vũ, thủ đoạn lừa đảo của các “công ty” là ở mỗi bộ phận gọi điện đều có đầu số gọi thẳng về Việt Nam. Phương thức lừa đảo được chúng đưa lên mạng xã hội hoặc nhắn tin vào điện thoại di động: “Tuyển nhân viên làm việc online trên điện thoại, thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày, chỉ cần có thời gian rảnh”. Sau đó chúng yêu cầu kết bạn zalo, người nào kết bạn thì chúng chuyển sang bộ phận khác với yêu cầu like hoặc follow tiktok, mỗi lần làm like, follow được trả 20.000 đồng.

“Sau đó nó dụ mình nạp tiền chơi tài xỉu, nạp tiền xong nó nhử cho mình thắng và cho rút tiền 3 lần. Đến lần thứ tư khi tiền thắng nhiều, nó không cho rút mà dụ phải nộp thêm tiền mới rút được. Người chơi vì tiếc tiền nên nộp thêm thì nó lấy lý do hệ thống lỗi và người chơi mất sạch tiền. Em thấy việc mình làm là lừa đảo, nhưng không làm nó sẽ đánh và chích điện nên xuôi theo” - Vũ nói.

Về giờ giấc, ăn uống, Kiệt cho biết mỗi ngày làm việc từ 8 giờ sáng hôm nay đến tận 1 - 2 giờ sáng hôm sau (khoảng 16 - 18 tiếng/ngày) mới được nghỉ, nhưng chỉ được cho ăn 2 bữa trưa và tối, thức ăn toàn đậu hũ với rau không thịt cá. Sau gần 1 tuần làm việc, không được ra khỏi hàng rào bao bọc khu nhà, Kiệt quan sát trong trại có khoảng 2.000 người, đa số người Việt, một số ít người nước khác, còn lại là quản lý Trung Quốc và chỉ có người Trung Quốc mới được ra ngoài.

Đạt hay không đạt chỉ tiêu lừa đảo, đều không có đường về

Vũ Linh kể: "Đối với người mới vào trại, sẽ được đào tạo cách sử dụng các app gọi, nhắn tin lừa đảo. Theo hứa hẹn, người lao động được trả 650 USD/tháng, nhưng thực chất chỉ có 200 USD với lý do tháng đầu tiên học sử dụng app, chưa làm được gì. Em làm được hơn 1 tháng, bạn ở chung phòng cho biết ai làm đủ chỉ tiêu trong tháng vẫn có thưởng, còn ai làm không đạt chỉ tiêu sẽ bị trừ tiền cho đến khi phải nợ ngược lại quản lý. Hơn 1 tháng làm việc trong trại lao động, em mới biết mình cũng như nhiều bạn khác bị lừa bán nhưng đã muộn”.

Trường hợp của Tới cho biết, khi qua đến Campuchia, em cũng được “công ty” ký hợp đồng làm việc thời gian 6 tháng. Nếu những ai làm không được việc, bọn buôn người gọi điện về Việt Nam yêu cầu người nhà đem tiền qua chuộc, nếu không nạn nhân sẽ đánh đập rồi bán qua trại khác. Trong hợp đồng làm việc có nêu ai làm được việc sẽ cho về, nhưng thực tế có làm tốt đi chăng nữa thì bọn chúng bắt làm luôn, không cho về.

Còn Chương cho biết trong trại lao động nơi em làm, nếu ai dụ được khoảng 20 triệu đồng/ngày, sẽ được thưởng 5 USD, nhưng thực chỉ nhận được 3 USD, đủ mua 1 ổ bánh mì lót dạ bữa sáng, ai không đủ chỉ tiêu sẽ bị bỏ đói.

“Tháng đầu tiên họ trả em 200 USD, không phải 20 triệu đồng như A Tỷ nói. Em cố làm hết tháng thứ hai, họ không trả đồng nào mà bán em sang một trại khác với giá 3.500 USD, cũng với việc nhắn tin lừa đảo. Trại thứ hai, có hơn 1.000 người làm việc giống em. Quãng thời gian làm ở đây, em chứng kiến nhiều người bị bảo vệ trại (đa phần người Campuchia) lôi vào phòng tối chích điện, đánh đập rất dã man chỉ vì không hoàn thành chỉ tiêu lừa đảo, hoặc chỉ nêu ý kiến không được trả lương, làm việc quá sức, ăn uống không đủ. Thậm chí có bạn nhảy từ tầng 3 tòa nhà xuống đất tự tử vì không còn lối thoát. Bản thân em cũng bị chích điện, bị đánh đập, bị nhốt không cho ăn uống. Sau đó, bọn họ bảo em phải ngoan mới cho ra nên em ngoan để được ra ngoài có cơm ăn 2 bữa. Khi được ra khỏi phòng tối, em xác định nếu ở lại chỉ có con đường chết, nên lên kế hoạch chạy trốn” - giọng Kiệt chùng lại. 

(còn tiếp)