Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tháo gỡ “điểm nghẽn” về nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi

Bài 1: Nhu cầu lớn, dự án nhà ở xã hội vẫn “vắng bóng”

Kinhtedothi - Dù thu hút hàng loạt nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước xây dựng nhà máy hoạt động lâu dài tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp trên địa bàn, sử dụng lực lượng công nhân đông đảo, nhưng đến nay tỉnh Quảng Ngãi vẫn “trắng” nhà ở xã hội.

Vợ chồng anh Đinh Văn Theo (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) cùng làm công nhân tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh). Để tiện đi lại và sinh hoạt, họ thuê một phòng trọ nhỏ gần khu công nghiệp. Tuy nhiên, với mức lương hạn chế, giấc mơ sở hữu một căn nhà vẫn quá xa vời.

Căn phòng thuê chật chội nơi gia đình anh Đinh Văn Theo sinh sống.

“Phòng trọ mái tôn, mùa mưa thì ẩm ướt, dột nát, mùa nắng thì nóng như thiêu. Sau 6 năm làm công nhân, vợ chồng tôi đã chuyển trọ 3 lần mà vẫn chưa tìm được chỗ ở ổn định. Chúng tôi chỉ mong có nhà ở xã hội để mua với giá ưu đãi” - anh Theo chia sẻ.

Không chỉ gia đình anh Theo, hàng nghìn công nhân khác đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Riêng tại xã Tịnh Phong, hiện có hơn 2.000 phòng trọ do người dân xây dựng, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thuê nhà của người lao động.

Một khu nhà trọ cho công nhân. 

Phần lớn công nhân vẫn phải sống trong những khu trọ thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt, văn hóa, tinh thần. Một số khu trọ còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự.

Theo thống kê, năm 2020, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tại Quảng Ngãi có hơn 33.000 công nhân. Đến cuối năm 2024, con số này đã tăng lên khoảng 62.000. Tuy nhiên, hệ thống nhà ở dành cho công nhân vẫn đang thiếu trầm trọng, chưa được đầu tư đúng mức.

Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 6 dự án nhà ở công nhân trong Khu kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động, với tổng cộng 1.160 căn, phục vụ chỗ ở cho khoảng 4.482 người. Đáng chú ý, tất cả các dự án này đều do doanh nghiệp tự bỏ vốn xây dựng để phục vụ công nhân của mình, chưa có sự đầu tư từ ngân sách hay các chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Khu kinh tế Dung Quất có 6 dự án nhà ở cho công nhân nhưng đều do doanh nghiệp tự đầu tư để bố trí cho công nhân của mình.

“Lượng công nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội là rất lớn. Chúng tôi mong các dự án nhà ở xã hội sớm được triển khai để công nhân yên tâm lập nghiệp lâu dài” - ông Phạm Thái Dương, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết.

Không chỉ công nhân, nhóm lao động có thu nhập thấp trong toàn tỉnh cũng đang phải “chật vật” với vấn đề nhà ở. Vợ chồng chị Huỳnh Thị Lệ (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) làm việc tại một siêu thị ở TP Quảng Ngãi cho biết, họ đã nhiều lần chuyển trọ để tìm nơi ở phù hợp.

“Giá cả đắt đỏ nên vợ chồng tôi không có điều kiện mua nhà, mấy năm trước nghe nói có dự án nhà ở xã hội sắp triển khai nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy đâu”- chị Lệ cho hay.

Trong bối cảnh Quảng Ngãi đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Theo ông Nguyễn Phúc Nhân, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi, kết quả khảo sát gần đây cho thấy nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân trên địa bàn là rất lớn.

Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Ngày hội việc làm được tổ chức vào 15/2/2025.

Dự báo đến năm 2030, tổng số công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn có thể đạt khoảng 300.000 người. Trong đó, khoảng 45.000 người có nhu cầu về nhà ở. Với tỷ lệ trung bình 3 công nhân/căn hộ, tổng nhu cầu nhà ở vào khoảng 15.000 căn.

Còn với nhóm đối tượng thu nhập thấp (theo quy định của Luật Nhà ở), giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh ước tính có khoảng 188.800 hộ gia đình. Trong số này, khoảng 20% có nhu cầu về nhà ở xã hội - tương đương gần 38.000 căn.

Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho Quảng Ngãi phải hoàn thành 6.300 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, gồm 1.500 căn trong giai đoạn 2022-2025 và 4.800 căn giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

(còn nữa)

Lãnh đạo Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn sáp nhập tỉnh

Lãnh đạo Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn sáp nhập tỉnh

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Chính sách ưu đãi kỳ vọng tạo “cú hích” cho nhà ở xã hội

Bài 3: Chính sách ưu đãi kỳ vọng tạo “cú hích” cho nhà ở xã hội

16 Apr, 02:38 PM

Kinhtedothi - Nhiều ưu đãi hấp dẫn như hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ 70% kinh phí đầu tư kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật... được xem là giải pháp “gỡ khó” cho các dự án nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi.

Bài 2: Không ít khó khăn "cản đường"

Bài 2: Không ít khó khăn "cản đường"

16 Apr, 02:05 PM

Kinhtedothi - Dù nhu cầu về nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi rất lớn, nhưng việc thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp có ý định đầu tư cũng gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, khiến tiến độ dự án bị đình trệ.

Giải tỏa áp lực đô thị

Giải tỏa áp lực đô thị

16 Apr, 05:46 AM

Kinhtedothi - Quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai và Sơn Tây và 26 quy hoạch phân khu đô thị tại các đô thị vệ tinh đã hoàn thành. Yếu tố này tạo ra sự phát triển cân đối, hợp lý cho TP Hà Nội, tránh tập trung quá mức vào đô thị trung tâm, giải quyết các vấn đề bức xúc của đô thị, khai thác tiềm năng đất đai, cảnh quan môi trường, văn hóa đa dạng của các khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ