Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cắt nước” ở xã Vĩnh Thịnh

Bài 2: Chủ đầu tư lý giải nguyên nhân

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi người dân thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lo lắng về khả năng tình trạng “mất nước sinh hoạt” sẽ không được khắc phục sớm, thì ngược lại đơn vị cung cấp nước cho rằng, cư dân đã không thực hiện đúng cam kết thỏa thuận ký cùng doanh nghiệp.

Dự án Nhà máy nước sạch Sông Hồng cấp cho phía Nam tỉnh vĩnh Phúc tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường. Ảnh Sỹ Hào.
Dự án Nhà máy nước sạch Sông Hồng cấp cho phía Nam tỉnh vĩnh Phúc tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường. Ảnh Sỹ Hào.

Chênh lệch giữa hai mức phí 

Cư dân xã thuộc Vĩnh Thịnh đã gần mười ngày nay bị cắt nước sinh hoạt, khiến đời sống sinh hoạt khó khăn.

Về vấn đề này, trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Hải Châu, Giám đốc Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng (cấp cho phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, sự cố cắt nước sinh hoạt tại một số thôn trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh là điều đơn vị này không mong muốn, bắt nguồn từ nguyên nhân do sự bất hợp tác của người dân địa phương.

“Sau khi Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng hoàn thiện việc lắp đặt đồng hồ và cung cấp nước sạch ổn định, đảm bảo chất lượng đến khách hàng. Đến ngày 23/2 Chi nhánh Nhà máy đã có thông báo về việc ngưng cấp nước sinh hoạt tại thôn An Lão xã Vĩnh Thịnh để kiểm tra, đánh giá, xử lý kỹ thuật toàn bộ cụm đồng hồ và hệ thống cấp nước trên địa bàn vào ngày 28 và 29/2.

Tuy nhiên, quá trình nhà thầu đến để kiểm tra, đánh giá, xử lý công việc thì vấp phải sự ngăn cản của các hộ dân, do đó nhà thầu không thể hoàn thành công việc như kế hoạch đã đặt ra (thực hiện trong 2 ngày 28 và 29/2). Chính vì thế, nên ngày 29/2 Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng tiếp tục ra thông báo về tạm ngưng địch vụ cung cấp nước tại thôn An Lão cho đến khi vấn đề kỹ thuật được xử lý xong. Sự việc người dân cản trở cũng được thông báo đến công an xã để có hướng giải quyết.” – ông Nguyễn Hải Châu thông tin.   

Việc cắt nước sinh hoạt đang khiến nhiều cư dân thuộc xã Vĩnh Thịnh gặp khó khăn, đời sống sinh hoạt bị ảnh hưởng, đảo lộn. Ảnh Sỹ Hào. 
Việc cắt nước sinh hoạt đang khiến nhiều cư dân thuộc xã Vĩnh Thịnh gặp khó khăn, đời sống sinh hoạt bị ảnh hưởng, đảo lộn. Ảnh Sỹ Hào. 

Xung quanh vấn đề chênh lệch giữa hai mức phí 1.950 nghìn đồng (theo phương án đã thỏa thuận ban đầu) và phương án cư dân đóng 3.000.000đ để sử dụng nước sạch do đơn vị cấp. Ông Nguyễn Hải Châu cho rằng cư dân thôn An Lão đã ký “Biên bản thỏa thuận và Đề nghị cấp nước sạch” với khoản tiền “đặt cọc” là 3.000.000đ, nhưng rồi không thực hiện theo thỏa thuận đã ký kết.

“Ngay sau khi ký Biên bản thỏa thuận cư dân sẽ nộp trước khoản tiền 800.000đ, sau đó được nhà máy lắp đặt đồng hồ. Đến khi cư dân và nhà máy ký nghiệm thu cụm đồng hồ để đưa vào sử dụng thì cư dân sẽ nộp số tiền còn lại là 2.200.000đ. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã không được người dân thực hiện đúng cam kết đã ký, mà họ không muốn nộp thêm số tiền đặt cọc đã cam kết” – ông Nguyễn Hải Châu thông tin.

Đặt cọc 3.000.000đ có lợi cho cư dân?

Theo lý giải của ông Nguyễn Hải Châu, Giám đốc Chi nhánh Nhà máy nước Sông Hồng, phương án “đặt cọc” 3.000.000đ thì người dân sẽ được lợi hơn so với thỏa thuận ban đầu nộp 1.950 nghìn đồng.

Về nội dung thỏa thuận ban đầu người dân nộp 1.950 nghìn đồng, lãnh đạo đơn vị cung cấp nước lý giải, sau khi các bên liên quan tính toán xét thấy không phù hợp nên đã vận động và đề nghị người dân thực hiện theo phương án ký “Biên bản thỏa thuận và Đề nghị cấp nước sạch” và nộp 3.000.000đ tiền đặt cọc (đóng theo hai lần, lần thứ nhất 800.000đ và lần thứ hai 2.200.000 đồng).

“Việc nộp 3.000.000đ thực tế là có lợi hơn cho người dân, so với phương án đóng 1.950 nghìn đồng. Bởi vì đóng 1.950 nghìn đồng thì đây chỉ là tiền vật tư, lắp đặt thiết bị, đồng hồ, còn tiền sử dụng nước là lại khác. Nhưng đóng 3.000.000đ thì toàn bộ số tiền “đặt cọc” này sẽ được nhà máy nước khấu trừ dần vào tiền nước mà người dân chi trả hàng tháng, cho đến khi hết số tiền “đặt cọc” thì người dân mới phải đóng tiếp. Thực ra, đây là phương án có lợi cho người dân, bởi vì số tiền “đặt cọc” này sẽ trừ dần vào tiền nước người dân sử dụng.” – ông Nguyễn Hải Châu lý giải.

Một phần nội dung Biên bản thỏa thuận và Đề nghị cấp nước sạch được ký kết giữa người dân và Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng. Ảnh Sỹ Hào.  
Một phần nội dung Biên bản thỏa thuận và Đề nghị cấp nước sạch được ký kết giữa người dân và Chi nhánh Nhà máy nước sạch Sông Hồng. Ảnh Sỹ Hào.  

Đối với những nội dung liên quan đến việc chốt đồng hồ nước, xác định khối lượng nước tiêu thụ của mỗi hộ gia đình, ông Nguyễn Hải Châu cũng cho biết do vấp phải việc một số hộ gia đình cản trở, nên việc kiểm tra, đánh giá, xử lý kỹ thuật toàn bộ cụm đồng hồ và hệ thống cấp nước trên địa bàn chưa thực hiện xong theo đúng kế hoạch dự tính.

Tháo gỡ “nút thắt” 

Trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho rằng, việc ký biên bản và nộp tiền đặt cọc 3 triệu đồng là thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp mà lãnh đạo địa phương không được biết, và cũng không đồng ý với cách thức thu tiền trước của người dân như vậy.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, người dân địa phương đều bày tỏ mong muốn tháng nào dứt điểm tháng đó, họ dùng hết bao nhiêu nước thì chốt sổ đóng tiền bấy nhiêu, không nhất trí đóng tiền trước vì họ chưa biết mỗi tháng sẽ sử dụng khối lượng nước nhiều ít như thế nào.

Trả lời câu hỏi của PV về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Khánh cho biết: Hiện tại UBND xã Vĩnh Thịnh đã báo cáo sự việc đến UBND huyện Vĩnh Tường để tìm cách tháo gỡ.

UBND xã Vĩnh Thịnh giữ vai trò cầu nối để doanh nghiệp và người dân phải trực tiếp đối thoại với nhau. Đối với doanh nghiệp chủ đầu tư, UBND xã Vĩnh Thịnh yêu cầu thực hiện đúng quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc trong thực hiện dự án nước sạch.

Ngược lại, đối với người dân, căn cứ các quy định của pháp luật, của tỉnh về thực hiện dự án nước sạch, chính quyền địa phương cũng nỗ lực tuyên truyền để người dân chấp hành, đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.