Chấn hưng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Bài 2: Hiện thực hóa tầm nhìn

Lại Tấn - Lý Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ định hướng đúng đắn của Đảng và lựa chọn trúng vấn đề thể chế, chính sách làm khâu đột phá, gỡ nút thắt cho sự phát triển đa mang đến khởi sắc cho ngành văn hóa ở tất cả các lĩnh vực chuyên ngành.

Đặc biệt, công nghiệp văn hóa dần trở thành định hướng quan trọng, mũi nhọn trong chiến lược phát triển của nhiều địa phương trên cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội.

Văn hóa tạo sức mạnh nội sinh cho kinh tế

4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII trong bối cảnh thuận lợi nhiều mà thách thức cũng không ít. Trong đó đáng chú ý, dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm đã tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nhiều dự án, chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa bị đình trệ.

Cùng với đó, "giặc nội xâm" như nạn tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao phần nào ảnh hưởng đến niềm tin trong Nhân dân. Tuy nhiên, vượt qua những thách thức đó, Việt Nam đã đẩy lùi dịch Covid-19 thành công, đồng thời ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

Nói như GS.TS Đinh Xuân Dũng - Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, Ðảng và Nhà nước kiên quyết "đốt lò", lòng dân bình yên. Có được những thắng lợi trên không chỉ là thắng lợi của kinh tế, của chống đại dịch, chống tham nhũng mà sâu xa hơn, đó chính là thắng lợi của văn hóa Việt Nam, của giá trị và phẩm chất con người Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để chấn hưng và phát triển văn hóa, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và chúc Tết các văn nghệ sĩ Hà Nội, ngày 15/2/2018. Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để chấn hưng và phát triển văn hóa, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi và chúc Tết các văn nghệ sĩ Hà Nội, ngày 15/2/2018. Ảnh: Trí Dũng

Chắc hẳn mỗi người dân Việt Nam, khi nhớ lại những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19 đều xúc động, tự hào khi giá trị văn hóa Việt được tỏa sáng. Trong thời điểm khó khăn này, hàng triệu tấm lòng nhân ái, mô hình thiện nguyện ra đời, như: “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “ATM oxy”, “Cửa hàng 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Chuyến xe nghĩa tình”... Chính những mô hình ấy đã gắn kết tinh thần sẻ chia cộng đồng, góp phần tỏa sáng truyền thống đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Tiếp đó, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương đã hỗ trợ gần 16.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho hơn 19 triệu lượt đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng từ đại dịch.

Nhân lên sức mạnh từ những thông điệp gửi gắm tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngành văn hóa: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, động lực từ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương đã tiếp tục thôi thúc toàn ngành văn hóa vượt qua nhiều khó khăn, ghi những dấu ấn tích cực.

Năm 2023, toàn ngành văn hóa đã chủ động rà soát các khoảng trống trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, kiến tạo sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng là xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, Nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Đặc biệt, quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Du lịch đã về đích với kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,6 triệu lượt khách; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108,2 triệu lượt khách, vượt 6% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch đạt 678.300 tỷ đồng, vượt 4,35% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới World Travel Awards 2023.

Năm 2024, năm thứ hai liên tiếp, Bộ VHTT&DL xác định thể chế chính sách tiếp tục là chủ đề của năm công tác cho thấy quyết tâm tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản cho phát triển văn hóa. Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, TP để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch đêm.

Nhờ sự nỗ lực của Bộ VHTT&DL cùng các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Tiêu biểu như “Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học”, “Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm” (Hà Nội); “Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình” (Ninh Bình); “Quận 1 - Sắc màu đêm” (TP Hồ Chí Minh)...

Bên cạnh đó, những di sản phi vật thể của Việt Nam được tiếp tục tỏa sáng, trở thành nguồn tài nguyên nhân văn vô tận thúc đẩy phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hàng năm đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia.

Gần gũi hơn với đời sống, sự nghiệp văn học, nghệ thuật có sự phát triển khởi sắc. Trong đó, đời sống âm nhạc của đất nước ngày càng sôi động, tươi mới, đáp ứng thế giới tâm hồn tinh tế, đa chiều của con người hiện đại. Các nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam bắt đầu có khát vọng chinh phục khán giả ngoại, ghi tên trên bản đồ âm nhạc thế giới.

Ví dụ như, ca khúc “Ghen cô Vy” lên sóng truyền hình Mỹ; nhiều MV, sản phẩm âm nhạc của các các sĩ như Hoàng Thùy Linh (See tình), AMEE (Tình bạn diệu kỳ), Pháo - Masew (Hai phút hơn)… tạo thành trend trên mạng xã hội của nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, nghệ thuật biểu diễn ngày càng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, từ các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đến các chương trình, vở diễn, dạng thức trình diễn mới.

Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các liên hoan sân khấu, liên hoan xiếc, múa rối, liên hoan âm nhạc quốc tế uy tín, hay nơi tổ chức các show diễn của các nhóm nhạc nổi tiếng trên thế giới. Lĩnh vực điện ảnh đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ với nội dung phong phú, đề tài hấp dẫn hơn, bám sát hơi thở cuộc sống hơn.

Tính cách đa dạng, táo bạo của nhiều bộ phim mang lại sắc màu mới cho điện ảnh dân tộc, tạo dư luận sôi nổi cả trong giới chuyên môn lẫn người xem như các tác phẩm: “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt”…

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, tất cả những điều đó góp phần tạo tiền đề, điều kiện cần và đủ để chúng ta có thể phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo thống kê, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Đóng góp của công nghiệp văn hóa năm 2021 đạt 3,92% GDP; năm 2022, tăng lên 4,04% GDP và dự kiến con số này sẽ đạt 7% vào năm 2030.

Thay đổi quan niệm "văn hóa chỉ biết tiêu tiền"

 

Chấn hưng văn hóa là một “công trình đại thế kỷ”, gồm rất nhiều hạng mục cần phải triển khai. Chúng ta phải xác định các vấn đề then chốt, quan trọng với lộ trình, bước đi cụ thể. Trước hết cần phải coi việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì thể chế, cơ chế, chính sách là khung xương sống, cơ sở quan trọng để có thể triển khai các hoạt động cụ thể.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL
Nguyễn Văn Hùng

Trước đây, khi nói đến văn hóa là nghĩ đến lĩnh vực chỉ biết “tiêu tiền” hoặc gắn với suy nghĩ “cắt giảm đầu tiên, đầu tư sau cùng”. Thế nhưng, từ định hướng của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các ngành, địa phương đã thay đổi tư duy, nhìn nhận quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là mối quan hệ cộng sinh. Các ngành, địa phương đều nỗ lực tìm ra cái đặc sắc văn hóa của riêng mình để phát huy, tỏa sáng.

Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. TP Hải Phòng cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Là địa phương có nhiều thế mạnh, tỉnh Thừa Thiên Huế sớm chủ động triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa. Năm 2021, tỉnh ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Có một điều khác biệt, cùng với các địa danh đã nổi tiếng lâu nay như: Hạ Long, Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng… nhiều địa phương như Cao Bằng, Điện Biên, Tiền Giang… cũng đã nỗ lực, sáng tạo, chuyển mình mạnh mẽ từ văn hóa. Đơn cử như tại tỉnh Điện Biên, sau Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tỉnh này đã đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có gần 5.000 lượt du khách nước ngoài, tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Đó là những con số ấn tượng so với các năm trước, đặc biệt là các năm chẵn như Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trước đó, năm 2014, vào dịp Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên chỉ đón được 587.029 lượt khách và năm 2019 - Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đón được 477.065 (tính cả năm).

Bên cạnh đó, nhiều chương trình văn hóa cấp tỉnh tổ chức đã vượt lên cách thức tổ chức mòn cũ và tính minh họa. Thay vào đó là những chương trình nghệ thuật đầy tính tìm tòi, sáng tạo, mới mẻ... Đồng thời, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được các địa phương tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Ví dụ, dự án Bảo tàng Hà Nội được phê duyệt triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư 771.984 tỷ đồng. Thanh Hóa đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu 256 tỷ đồng; bảo tồn tôn tạo phủ Trịnh 550 tỷ đồng, lăng miếu Triệu Tường 457 tỷ đồng... Tỉnh Phú Thọ khởi công xây dựng Nhà Văn hóa nghệ thuật tỉnh gần 400 tỷ đồng. Vĩnh Phúc đã cán đích mục tiêu xây dựng và đưa vào sử dụng 28 khu thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu với 388 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh 353 tỷ đồng, huy động xã hội hóa 35 tỷ đồng). Cần Thơ triển khai thực hiện 4 dự án liên quan đến phát triển văn hóa với tổng số vốn 38,134 tỷ đồng.

Phát triển văn hóa nhằm tạo sức mạnh nội sinh, môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế; đồng thời kinh tế phát triển lại là điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An... đã tăng mức đầu tư cho văn hóa cao hơn mức chung của cả nước là 2% tổng chi ngân sách địa phương.

Trên bình diện quốc gia, nguồn lực đầu tư cho văn hóa lần đầu tiên được Quốc hội phê duyệt 1,8% và đang hướng đến mục tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính phủ đã ưu tiên dành 1.428 tỷ đồng để 17 tỉnh/TP triển khai 17 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích được UNESCO ghi danh, di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu.

Đồng thời, 63 tỉnh, TP đều có kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển văn hóa, nhiều tỉnh, thành đã chủ động tổ chức hội nghị, hội thảo văn hóa cấp tỉnh một cách sâu rộng, triển khai đến cán bộ và Nhân dân. Nhiều địa phương đã phát huy tiềm năng thế mạnh để từ đó có những nghị quyết chuyên đề nhằm phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người ở từng vùng đất, để tạo ra sức mạnh chung nhằm chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam.

Không chỉ bố trí ngân sách Nhà nước, theo Thứ trưởng Bộ VHT&DL Trịnh Thị Thủy, nhiều địa phương đã chú trọng triển khai xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tuyên truyền, thể thao, du lịch, góp phần tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển tại địa phương.

Lĩnh vực di sản văn hóa đã kêu gọi được sự quan tâm đóng góp của các tổ chức, cá nhân ngay từ bước lập hồ sơ đến việc phổ biến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản, như: không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bài chòi, danh thắng Tràng An...; hay một số cơ sở văn hóa tâm linh đã được đầu tư, thu hút nhiều lượt khách du lịch đến tham quan như chùa Bái Đính, Khu du lịch Đại Nam...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhận định, các tuần lễ, lễ hội sáng tạo ở Hà Nội và một số TP lớn, sự hình thành của Nhà hát Đó ở Nha Trang, những bộ phim ăn khách của khối tư nhân như “Đào, phở và pinano”, “Bố già”...; những ca khúc Việt Nam mang hơi thở mới chinh phục không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế.

Và còn rất nhiều các ví dụ khác cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã bắt nhịp cho sự sôi động của thị trường văn hóa, để văn hóa đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển đất nước.

Những thông tin nêu trên là minh chứng rõ nét cho thấy nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng lên. Tư duy, quan điểm về văn hóa đã có sự chuyển biến, từ đầu tư cho văn hóa tốn kém, không mang lại hiệu quả sang chăm lo, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, lâu dài.

 

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong hơn 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển.

Văn hóa trong chính trị và kinh tế bước đầu được coi trọng, phát huy hiệu quả tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng.

Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Trích sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,
NXB Chính trị Quốc gia Sự thật

(còn nữa)