Gia đình vốn được xem là tổ ấm của mỗi người, nơi mà mỗi chúng ta luôn cảm thấy được bao bọc, chở che mỗi khi được trở về. Nhưng hiện nay, có nhiều mặt trái tác động đang có nguy cơ đảo lộn những giá trị văn hóa gia đình truyền thống Thủ đô.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những nét giá trị gia đình truyền thống ở Thủ đô đang không ngừng biến đổi. Bên cạnh những mặt tích cực, thì văn hóa gia đình có rất nhiều điều đáng phải suy ngẫm, phải lo lắng.
Đề cập đến vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Long Biên Ngô Mạnh Điềm cho rằng: “Một số giá trị truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội, của gia đình Thủ đô có phần bị mai một hoặc bị lai căng, biến tấu không phù hợp; thực trạng giao tiếp ứng xử lệch chuẩn, thiếu văn hóa trong gia đình và nơi công cộng; lối sống thực dụng, sa hoa, phô trương, hình thức của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ. Nhưng hiện nay, vẫn chưa có nhiều giải pháp giáo dục đạo đức, nhân cách trong gia đình, nhà trường”.
Có thể nói, gia đình Việt Nam nói chung cũng như ở Thủ đô Hà Nội đang phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và sự biến đổi xã hội, tình trạng khủng hoảng kinh tế, những rủi ro, thách thức liên tiếp tác động, làm thay đổi cục diện đời sống con người. Giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, thậm chí không sinh con, vấn đề chăm sóc người cao tuổi trong gia đình cũng rất đáng quan tâm. Ở đô thị do con cháu phải lo cuộc sống nên một số gia đình đưa bố mẹ vào các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, trong khi bố mẹ chưa sẵn sàng đón nhận, sẻ chia. Điều này dẫn đến sự khủng hoảng về tâm lý, tình cảm của người già.
Một hiện tượng gây nhức nhối dư luận và xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây là những vụ việc liên quan đến bạo lực trong gia đình, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tang thương, đổ máu vì những toan tính nhỏ nhen, ích kỷ. Vì lợi ích vật chất, nhiều người sẵn sàng đánh đổi, thậm chí chà đạp lên giá trị, danh dự của gia đình, dòng họ, bất chấp chuẩn mực đạo đức cộng đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trải qua thời gian, đến nay, phong cách gia đình người Hà Nội với nếp ăn, nếp mặc và cốt cách thanh lịch hào hoa đã ít nhiều thay đổi. Mô hình gia đình truyền thống “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” đang dần thay thế bởi gia đình hạt nhân hai thế hệ cha mẹ và con cái. Những bữa cơm quây quần có đủ các thành viên gia đình đang dần thưa vắng. Đó là chưa kể tới tình trạng bạo hành, sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào các gia đình có xu hướng gia tăng. Mối quan hệ giữa các thành viên gia đình ngày càng lỏng lẻo, xa cách.
Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm... đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Lớp trẻ ở Hà Nội ngày càng táo bạo trong nói năng và hành động, không còn giữ được vẻ bình tĩnh, điềm đạm. Vấn đề ly hôn trong các gia đình trẻ ngày càng nhiều, tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường gia tăng trong đời sống xã hội…
Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày cả nước có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Có thể nói, bạo lực gia đình đã và đang diễn ra khắp mọi nơi, ngay giữa Thủ đô, những người yếu thế như người già, phụ nữ, trẻ em thường là nạn nhân của vấn nạn này. Quá nhiều những vụ án đau lòng diễn ra tại Hà Nội cũng như địa bàn cả nước. Có người bố bạo hành con tới chết, mẹ kế đánh đập con chồng dã man, chồng cầm kiếm truy sát cả nhà vợ vì mâu thuẫn, con hành hạ mẹ già gây phẫn nộ, bố hiếp dâm con đẻ… Những thông tin đau lòng đó vẫn diễn ra hàng ngày ở Thủ đô cũng như trên cả nước, gây nhức nhối xã hội, báo động về sự xuống cấp của đạo đức gia đình, làm xói mòn tính nhân văn, đạo hiếu vốn có của người Việt.
Tình trạng lối sống gấp, thích hưởng thụ, thiếu trách nhiệm, buông thả của một bộ phận giới trẻ cũng đang gióng lên hồi chuông báo động trong mỗi gia đình. Trong đó, vấn nạn nạo phá thai rất đáng lo ngại, khoảng 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm ở độ tuổi 15 - 19, càng ở các thành phố lớn, tỷ lệ này càng cao. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20 - 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60 - 70% là sinh viên, học sinh.
Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo về sự khủng hoảng giá trị gia đình thời hiện đại, làm tăng nguy cơ bất ổn cho xã hội, đặt ra những thách thức phức tạp trong việc gìn giữ phát huy giá trị của gia đình truyền thống ở Hà Nội.
Từ thực tế trên, PGS.TS Lương Đình Hải - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhìn nhận, chúng ta đang “khủng hoảng hệ giá trị”, thể hiện qua sự suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cá nhân. “Đó là những điều kinh hoàng và nếu xem nhẹ giá trị con người, hệ quả như vậy tất yếu sẽ diễn ra” – PGS.TS Lương Đình Hải nói.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Đào Xuân Dũng cho rằng, việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đang là yêu cầu có tính cấp thiết. Tuy nhiên, mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập toàn cầu đã có những tác động làm thay đổi quan niệm của nhiều người về hệ giá trị gia đình. Xu hướng đề cao giá trị vật chất, danh vị, tính ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân đã và đang có nguy cơ đảo lộn những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình đang trở nên dần lỏng lẻo. Bởi vậy, “việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh là yêu cầu hiện thực khách quan có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và con người Hà Nội” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Đề cập đến những thách thức đặt ra đối với văn hóa gia đình hiện nay, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, nhiều tiêu cực trong đời sống xã hội đi ngược lại những giá trị, đạo đức, thuần phong mỹ tục đang len lỏi vào trong mỗi gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ, tạo nên những nguy cơ làm thay đổi hệ giá trị của người Hà Nội. Sự lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp đang bị mai một. Nhiều thói xấu của người dân như lối sống xô bồ, hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, nhà trường, xã hội, khi tham gia giao thông, các biểu hiện coi thường luật pháp, xả rác thải bừa bãi nơi công cộng… có chiều hướng gia tăng, đang dần làm mất đi hình ảnh đẹp của người Hà Nội.
Còn theo GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện nay Việt Nam đang có nhiều biến động, xung đột giữa các giá trị, sự tiếp thu và tiếp biến một số giá trị của văn hoá bên ngoài trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Để tồn tại và phát triển, mỗi gia đình phải tìm cách thích ứng với những điều kiện mới, từng thành viên trong gia đình phải tự điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình. Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cùng với tiến bộ về khoa học công nghệ, sự tiếp thu văn hoá thế giới một cách ồ ạt thiếu chọn lọc đã và đang ảnh hưởng mạnh, thậm chí gây đổ vỡ một số giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung, gia đình Thủ đô nói riêng.
Không gian chung của gia đình cũng có nhiều thay đổi. Bữa ăn đầy đủ các thành viên ngày càng thưa thớt. Kể cả khi các thành viên có mặt đầy đủ trong một không gian hẹp thì đã khá phổ biến tình trạng mỗi người một phương tiện nghe nhìn, kết nối riêng. Bếp ấm gia đình ngày càng giảm đi ý nghĩa, những món chế biến sẵn, thức ăn nhanh ngày càng phổ biến. Sự kết nối các thành viên gia đình và giữa các gia đình nhỏ (con cái ở riêng) với gia đình lớn (bố mẹ, ông bà) cũng có nhiều thay đổi. Sự gắn kết anh em, người thân trong gia đình không còn như xưa, bởi guồng quay cuộc sống khắc nghiệt hơn.
Các chuyên gia văn hóa nhìn nhận, những đổi thay đó là xu thế tất yếu trong một xã hội hiện đại, hội nhập. Trong quá trình phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại đã có tác động mạnh mẽ đến các giá trị, chức năng của gia đình ở Hà Nội; làm cho những giá trị thanh lịch, văn minh của con người Hà Nội và của các gia đình Hà Nội cũng có sự biến đổi. Vì vậy, việc thực Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình là vô cùng cần thiết.
Về phía chính quyền địa phương, một trong những hạn chế trong xây dựng hệ giá trị gia đình ở Hà Nội chính là do nhận thức, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn quá đề cao các giá trị kinh tế, chưa đánh giá đúng mức đời sống. Thực trạng suy thoái đạo đức lối sống là một vấn đề đặt ra, đặc biệt là trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...
Về vấn đề này, tại tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực trạng và giải pháp” do Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện một số quận, huyện như Long Biên, Mê Linh, Quốc Oai, Nam Từ Liêm… đều có chung nhận định, những biểu hiện tiêu cực về công tác gia đình ở một số nơi có phần trách nhiệm không nhỏ từ một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm đúng mức. Việc vận dụng, cụ thể các nội dung của Chỉ thị cũng như các chuyên đề, chương trình của quận, huyện về công tác gia đình vào thực tế tại cơ sở còn chậm, có việc còn lúng túng, làm hình thức, qua loa.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình còn phải kiêm nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế nên chưa đảm bảo việc tham mưu, theo dõi công tác gia đình. Trong khi, lĩnh vực gia đình khá nhạy cảm và tế nhị nên việc nắm bắt những vụ bạo lực gia đình tương đối khó khăn. Những bạo lực về thể chất còn dễ để phát hiện nhưng bạo lực tinh thần, kinh tế khó nhận biết nên công tác tư vấn, hòa giải có lúc chưa kịp thời và còn bỏ sót.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận Long Biên Ngô Mạnh Điềm cho rằng: “Văn hóa chưa được các ngành, các cấp nhận thức một cách sâu sắc, chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng, vai trò của văn hóa mới nặng về chức năng giải trí, nâng cao đời sống tinh thần, chưa nhận ra đây là kênh giáo dục con người, nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn chậm trễ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có lúc, có nơi còn hình thức, chưa đặt chất lượng lên mục tiêu hàng đầu, việc bình xét, đánh giá các mô hình Gia đình văn hóa – Tổ dân phố văn hóa chưa thực chất, làm mai một dần giá trị cao đẹp của các mô hình văn hóa”.
Một trong những mấu chốt của công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác gia đình nói chung, xây dựng hệ giá trị gia đình nói riêng phụ thuộc rất lớn vào vai trò người đứng đầu ở các quận, huyện của Thủ đô. Có thể thấy bài học kinh nghiệm chính là nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó phong trào xây dựng gia đình phát triển và mang lại kết quả tốt.
Là người tâm huyết với gìn giữ bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gia đình văn hóa, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên, cần đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thành uỷ.
(còn nữa)
08:49 02/08/2024