Phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa

Bài 2: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân lực là nguồn vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự thành bại của quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

>>> Bài 1: Nhân lực dồi dào nhưng chưa đồng đều

Một chương trình nghệ thuật tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  
Một chương trình nghệ thuật tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

Để phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), một trong những giải pháp bền vững là tạo ra hệ sinh thái giáo dục sáng tạo, tích hợp các mục tiêu giáo dục - hướng nghiệp - phát triển CNVH. Đồng thời, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho CNVH cần theo kịp thực tiễn, đưa ra những định hướng, chiến lược và chính sách vĩ mô đúng đắn.

Xây dựng hệ sinh thái giáo dục

Năm 2019, trường HaNoi Academy triển khai dự án với sự bảo trợ của Chương trình giáo dục toán học POMATH và Thương hiệu thời trang Nguyen Galli của nhà thiết kế Xuân Thu. Trong dự án này, các học sinh sẽ được trải nghiệm phương pháp lát mặt phẳng, phép biến hình, phần mềm toán học trong thiết kế mỹ thuật. Sản phẩm của các em học sinh theo từng giai đoạn là những họa tiết trang trí, logo thương hiệu, sản phẩm thời trang.

Đến đầu năm 2022, các em học sinh tham gia dự án đã hoàn thiện sản phẩm, cho ra mắt bộ sưu tập thời trang có tên “THANKS”. Để có được thành công của dự án này, nhà trường đã kết nối chuyên gia giáo dục để cải tiến chương trình môn Toán, chuyên gia thời trang để bồi dưỡng các kỹ năng thiết kế và thi công sản phẩm. Sự tích hợp này là một ví dụ cho hệ sinh thái giáo dục sáng tạo - phối hợp các nguồn lực trong hướng nghiệp để đảm bảo học sinh được trải nghiệm thành công. Trên thực tế, không ít nhóm học sinh, với sự hỗ trợ của nhiều bên đã tiếp cận được với lĩnh vực CNVH. Tuy nhiên, so với thực tế mong muốn của các em và chiến lược quốc gia, thì những cơ hội đó còn rất ít.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Việc nghiên cứu và xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập, hệ sinh thái giáo dục thông minh đã bắt đầu được triển khai ở một số địa phương trong nước và trên thế giới. Ý tưởng xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập trên thế giới bắt nguồn từ lý thuyết kết nối, coi các yếu tố tạo thành một nền giáo dục tốt và thúc đẩy việc học tập có hiệu quả đều được gắn kết với nhau.

Hiện nay, việc xây dựng nhà trường như một hệ sinh thái học tập, hệ sinh thái giáo dục là xu hướng tất yếu của giáo dục 4.0 được định hướng trong các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là sự phát triển phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khắc phục những khó khăn về nguồn lực con người, cơ sở vật chất của ngành giáo dục; kết nối được các bên liên quan đến hướng nghiệp cho học sinh như: Nhà trường - DN - xã hội. Nhiều mô hình, dự án, đề án đã được triển khai ở các cấp độ và những nội dung khác nhau trong cả nước như: Giáo dục STEM Việt Nam, Mô hình trường học hạnh phúc, Dự án EMVITET, Hệ sinh thái kết nối học tập Youth+ , Dự án Brickone, Hệ sinh thái kết nối tri thức 4.0 TOTA và Dự án “Ngôi trường số - TOTA School”, Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Việc phát triển mô hình trường học - DN - xã hội theo lý thuyết kết nối, tạo ra hệ sinh thái giáo dục sáng tạo là một giải pháp để tích hợp các mục tiêu giáo dục - hướng nghiệp - phát triển công nghiệp văn hóa.

Điều này đòi hỏi trách nhiệm chủ động của các tổ chức chuyên nghiệp, DN, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ sĩ... thuộc lĩnh vực CNVH để phối hợp với nhà trường, ngành giáo dục trong xây dựng hệ sinh thái giáo dục sáng tạo phù hợp.

Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, khi có giáo dục, định hướng phù hợp thì đó chính là hình thức giáo dục sáng tạo quan trọng. Hình thức giáo dục này cùng với giáo dục khoa học sẽ hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo, góp phần thúc đẩy tài năng sáng tạo, nguồn nhân lực sáng tạo trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Đó chính là mục tiêu mà CNVH mang lại.

Các học sinh tham gia dự án của trường HaNoi Academy triển khai với sự bảo trợ của Chương trình giáo dục toán học POMATH 
Các học sinh tham gia dự án của trường HaNoi Academy triển khai với sự bảo trợ của Chương trình giáo dục toán học POMATH 

Chính sách cần theo kịp thực tiễn

Như đã đề cập ở bài trước, các cơ sở đào tạo lực lượng nhân sự cho ngành CNVH rất đa dạng song chưa thực sự hiệu quả. Trên thực tế, chính sách của Nhà nước đối với các cơ sở đào tạo có những vấn đề. Theo Thạc sĩ Bùi Thị Kim Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Về cơ chế quản lý, Nhà nước đã giao cho Bộ VHTT&DL quản lý trực tiếp việc phát triển nguồn nhân lực theo cơ chế cơ quan chủ quản. Do đó, việc nắm được các yêu cầu chuyên biệt trong đào tạo, sử dụng nhân lực của ngành văn hóa - nghệ thuật trở nên dễ dàng, không bị cào bằng với các ngành khác.

Tuy nhiên có thể thấy, các chính sách, cơ quan quản lý việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành CNVH chủ yếu theo ngành dọc và chồng chéo. Nhân sự ngành văn hóa - nghệ thuật sẽ phải chịu sự quản lý như sau: Về đào tạo nhân lực - do Bộ GD&ĐT phụ trách, về dạy nghề và bồi dưỡng nhân lực do Bộ LĐTB&XH đảm nhiệm, việc ban hành tiêu chuẩn chức danh, chế độ đãi ngộ, cấp kinh phí hàng năm lại do UBND cấp tỉnh quản lý.

Điều này dẫn đến sự phối hợp giữa ngành và các địa phương nếu không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý và gây bất hợp lý trong phát triển nhân lực phục vụ cho CNVH. Vì vậy, rất cần phải có sự thống nhất điều phối chung ở tầm vĩ mô để thống nhất cơ chế vận hành quản lý đào tạo giữa các cấp và địa phương.

 

Nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng để phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành CNVH ở nước ta.

Thạc sĩ Lý Viết Trường - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ đào tạo phát triển nhân lực cho CNVH hiện đang có số lượng và cơ cấu hợp lý. Năng lực đội ngũ này cũng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, các chương trình, giáo trình để bồi dưỡng đội ngũ này vẫn chưa được đổi mới để thích ứng với thời cuộc. Ngoài ra, việc đưa đội ngũ này ra đào tạo tại nước ngoài còn nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nội dung, hình thức, địa điểm đào tạo và khả năng ngoại ngữ của đối tượng được lựa chọn.

Theo Thạc sĩ Bùi Thị Kim Phương: Có thể thấy, về chính sách phát triển nguồn nhân lực cho CNVH, Nhà nước cần rất nhiều thời gian nữa mới theo kịp thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần có sự phối hợp tốt, hiệu quả giữa nguồn lực Nhà nước, xã hội và cải thiện tốc độ đổi mới tư duy, phương pháp quản lý cũng như đưa ra những định hướng, chiến lược và chính sách vĩ mô đúng đắn cho phát triển nhân lực ngành CNVH.

Nhìn tổng thể, các chính sách phát triển nhân lực cho ngành văn hóa đã có những bước đi đúng. Song, đây mới chỉ là đoạn đầu của một chiến lược lâu dài. Vẫn còn nhiều bất cập trong việc ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, cần hoàn thiện thêm trong thời gian tới.

Từ những hạn chế về chính sách nêu trên, để thực hiện CNVH, cần xây dựng cơ chế, chính sách, hệ thống quy phạm văn bản pháp luật phù hợp với tình hình mới, tạo môi trường thuận lợi để tăng mức độ hoạt động và số lượng tổ chức dịch vụ ngành CNVH. Tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật với các đơn vị quản lý và các DN trong lĩnh vực CNVH; gắn kết giữa hoạt động đào tạo với nhu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế, chính sách bảo đảm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh đó, theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Thủy - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Cần xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có những giải pháp đặc thù cho nhân lực chất lượng cao ngành CNVH ở nước ta.

Nhà nước cần dành nguồn ngân sách cố định cho việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cần coi trọng vai trò của DN và các tổ chức tư nhân trong việc đào tạo và hoạt động văn hóa nghệ thuật. Cần phải xây dựng thêm các chính sách cải thiện thủ tục hành chính và thuế trong lĩnh vực CNVH nhằm tạo điều kiện ưu đãi cho các DN ngoài quốc doanh và các tổ chức tư nhân. Và phải triển khai mạnh mẽ các chính sách này trên thực tế.

(Còn nữa)

 

Văn học nghệ thuật phải phát triển đồng bộ giữa các ngành và tương quan với sự phát triển kinh tế - xã hội nên cần những cú hích từ cơ chế, chính sách trong tạo dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, nuôi dưỡng nhân tài. Từ đó, văn học nghệ thuật sẽ trở thành những mảnh ghép hoàn hảo cho nền CNVH.

NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần