Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa]

Bài 1: Nhân lực dồi dào nhưng chưa đồng đều

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng tham gia vào quá trình sáng tác văn hóa, nghệ thuật (VHNT) ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp nhiều ý tưởng để tạo ra nhiều sản phẩm mang lại những món ăn tinh thần bổ ích cho cộng đồng.

Để phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy tối đa sức mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, chính sách phát triển nhân lực ngành CNVH luôn được quan tâm, chú trọng, đạt được những kết quả nổi bật nhưng vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra.

Cách nghệ nhân trẻ tham gia biểu diễn múa ''Con đĩ đánh bồng''. Ảnh Phạm Hùng 
Cách nghệ nhân trẻ tham gia biểu diễn múa ''Con đĩ đánh bồng''. Ảnh Phạm Hùng 

Lực lượng lớn mạnh

Đánh giá về nguồn lực con người trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành CNVH, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển”.

Những năm qua, để phát triển CNVH, nguồn nhân lực sáng tạo luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng, nâng cao chất lượng, trình độ và năng lực chuyên môn, có nhiều đóng góp tích cực, làm nên thành công bước đầu của ngành CNVH.

 

Các nghệ sĩ trẻ cần được tạo điều kiện để học tập, tiếp thu tinh hoa văn hóa ở những nước có nền công nghiệp văn hóa hiện đại, để sau này có thể tổng hòa các nền văn hóa Đông -Tây, phát triển nền công nghiệp văn hóa, đưa nền nghệ thuật nước nhà vươn tầm thế giới.
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội

Hệ thống các trường đại học, cao đẳng cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa, khuyến khích học sinh, sinh viên khám phá, trải nghiệm các loại hình nghệ thuật, tiếp xúc với những người thực hành các loại hình, những diễn giả, tuyên truyền viên, hướng dẫn viên.
TS Lê Thị Cúc - Đại học Văn hóa Hà Nội

Theo Tổng cục Thống kê, đến ngày 31/12/2021, dân số Việt Nam là hơn 98,51 triệu người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2021 ước tính là 50,7 triệu người. Tính chung năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,5 triệu người. Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, tỷ lệ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động (15 - 64 tuổi) rất cao, dao động từ 66 - 70%. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển CNVH khi nguồn nhân lực sáng tạo, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa dồi dào; khả năng sáng tạo, thích ứng và chuyển giao công nghệ nhanh nhạy, linh hoạt, sẽ mang lại những cơ hội, điều kiện để CNVH tăng tốc, bứt phá.

Nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào quá trình sáng tạo VHNT ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng. Theo thống kê của ngành văn hóa trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011 - 2020 thì nhân lực trực tiếp (gồm những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về VHTT, TDTT, các đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp có thu và DN hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao) là hơn 72.000 người và nhân lực gián tiếp (nhân lực làm việc trong các ngành, các quá trình liên quan đến hoạt động văn hóa nghệ thuật, gia đình và thể dục thể thao) ước tính khoảng 150.000 người.

Theo TS Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Có thể thấy trong những năm qua cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lực lượng tham gia vào quá trình sáng tác VHNT ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, đóng góp nhiều ý tưởng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm, hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc, mang lại những món ăn tinh thần bổ ích cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên so với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn thì nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu đề ra”.

Nhiều chủ trương khuyến khích

Để phấn đấu đến năm 2030, doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP, việc quan tâm, phát triển nguồn nhân lực sáng tạo luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm với nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng VHNT.

TS Nguyễn Huy Phòng cho biết: Nhà nước cũng đã xây dựng, ban hành, bổ sung nhiều đạo luật liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền sáng tạo, tiếp cận, thực hành văn hóa của những người hoạt động trong lĩnh vực này, như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật Du lịch, Luật Thư viện, sắp tới là Luật Nghệ thuật biểu diễn, tạo hàng lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và môi trường tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, qua đó thúc đẩy ngành CNVH phát triển.

Thực tế tại Hà Nội, nhiều hoạt động thúc đẩy công nghiệp văn hóa đã được triển khai nhằm tạo ra sản phẩm sáng tạo, mở ra cách thức tiếp cận thị trường mới. Đơn cử năm 2021, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã từng tổ chức cuộc thi “Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, phát động trong giới sinh viên các trường đào tạo ngành Kiến trúc và Quy hoạch như Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Mở Hà Nội.

Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, liên quan đến tài năng, năng khiếu cá nhân.
Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, liên quan đến tài năng, năng khiếu cá nhân.

Tháng 8/2022, Sở VH&TT Hà Nội phát động cuộc thi Thiết kế không gian nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022, khuyến khích giới trẻ (đặc biệt là sinh viên) đề xuất ý tưởng thiết kế các không gian nghệ thuật công cộng, vận dụng công nghệ mới, có giá trị giáo dục và thẩm mỹ, góp phần mang nghệ thuật và hoạt động sáng tạo nghệ thuật tới gần hơn với công chúng. Sở VH&TT Hà Nội cũng phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội phát động cuộc thi “Hà Nội sáng tạo” trong giới sinh viên mỹ thuật, tìm kiếm các ý tưởng mới, độc đáo trong kiến tạo không gian cũng như các sản phẩm thiết kế sáng tạo cho TP.

Mặt khác, để đảm bảo quyền, lợi ích của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức trong sáng tạo, Nhà nước, các cơ quan bộ, ngành cũng đã có những hình thức ghi nhận, tôn vinh nhiều cống hiến của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, VHNT, để cổ vũ, động viên, khuyến khích đóng góp của họ đối với sự phát triển của nền văn hóa, văn nghệ cũng như thúc đẩy sự phát triển ngành CNVH.

Chất lượng chưa đồng đều

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì việc phát huy nguồn nhân lực sáng tạo trong phát triển CNVH cũng đứng trước những khó khăn. Nguồn nhân lực dồi dào về số lượng nhưng chất lượng qua đào tạo còn thấp, không đồng đều giữa các giai tầng, lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn khiêm tốn.

Cũng theo TS Nguyễn Huy Phòng: Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì việc phát huy nguồn nhân lực sáng tạo trong phát triển CNVH cũng đứng trước những khó khăn. Nguồn nhân lực dồi dào về số lượng nhưng chất lượng qua đào tạo còn thấp, không đồng đều giữa các giai tầng, lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền. Đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao còn khiêm tốn.

VHNT là lĩnh vực đặc thù, liên quan đến tài năng, năng khiếu cá nhân. Để có được một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi quá trình khổ luyện, quyết tâm cao và tình yêu, niềm đam mê nghệ thuật nên không phải ai cũng có đủ quyết tâm để theo đuổi đến cùng. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng sau khi thành danh, lại đột ngột chuyển hướng, rẽ sang kinh doanh, làm dịch vụ vì nhận thấy con đường nghệ thuật gian truân, vất vả, nhiều cạm bẫy, chông gai, trong khi thu nhập, thù lao, chế độ tiền lương và điều kiện làm việc còn chưa tương xứng.

Mặt khác, trong những năm gần đây, một số ngành nghề của các trường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh đầu vào khi lượng thí sinh đăng ký sụt giảm, không ổn định qua các năm, nhất là đối với các ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối, xiếc, sáng tác văn học nghệ thuật. Sau khi ra trường, chính sách thu hút, đãi ngộ, bồi dưỡng, nâng đỡ, định hướng con đường phát triển tài năng chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng lãng phí, chảy máu chất xám.

Như vậy, để phát triển nguồn nhân lực cho CNVH cần có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng, xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài. Bởi, nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành CNVH, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh.

(Còn nữa)