Việc làm cho người khuyết tật: Có cơ hội nhưng… khó bền vững

Bài 2: Người khuyết tật cải thiện cuộc sống nhờ vốn vay ưu đãi

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Đa số những người khuyết tật (NKT) được tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh đều mang lại hiệu quả góp phần cải thiện cuộc sống và tạo việc làm cho nhiều người khác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều NKT chưa tiếp cận được vốn vay bởi những khó khăn.

Trên 2.600 người khuyết tật được vay vốn

Nhằm tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho NKT và gia đình họ, từ năm 2012, TP Hà Nội đã bố trí ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ gia đình có NKT và cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là NKT vay vốn với mức lãi suất 0,3%/tháng. Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Trịnh Xuân Dũng cho biết, tổng hợp số liệu từ các quận, huyện, thị xã và các DN có sử dụng lao động là NKT, trong thời gian từ năm 2012 đến 2018 đã có 40 tỷ đồng được cho vay trên 2.000 người. Từ năm 2018 trở lại đây, có khoảng 600 NKT ở địa phương được tiếp cận vay vốn gần 20 tỷ đồng. Tiêu biểu nhất là các Hội NKT Mê Linh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Gia Lâm… có hội viên và gia đình tiếp cận rất thuận lợi.

Chị Phùng Thị Vượng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mê Linh cho vay 40 triệu đồng để mua thêm con giống, máy móc và xây chuồng trại phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Trần Oanh.
Chị Phùng Thị Vượng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mê Linh cho vay 40 triệu đồng để mua thêm con giống, máy móc và xây chuồng trại phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Trần Oanh.

Từ nguồn vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi… đến nay hội viên của hội NKT huyện Mê Linh đã được thoát nghèo và toàn huyện không có hộ nghèo. Nhiều phụ nữ khuyết tật đơn thân có hoàn cảnh khó khăn nhờ đồng vốn vay cộng với sự quan tâm của Hội NKT cấp cơ sở đã tiếp thêm sức mạnh để vươn lên, tự chủ cuộc sống.  

Hội Người khuyết tật Hà Nội thông tin, từ năm 2018 trở lại đây, có khoảng 600 người khuyết tật ở địa phương được tiếp cận vay vốn gần 20 tỷ đồng. Ảnh: Trần Oanh.
Hội Người khuyết tật Hà Nội thông tin, từ năm 2018 trở lại đây, có khoảng 600 người khuyết tật ở địa phương được tiếp cận vay vốn gần 20 tỷ đồng. Ảnh: Trần Oanh.

Chúng tôi đến thăm gia định chị Phùng Thị Vượng ở xã Thạch Đà, huyện Mê Linh. Không thể ngờ, một người phụ nữ gần 50 tuổi, bị khuyết tật tay nhưng vẫn thoăn thoắt bê các chậu gạo đổ vào máy xay xát… Ngừng tay ít phút, người mẹ đơn thân sinh năm 1973 kể: Từ khi được sinh ra, một bên cánh tay trái của tôi chỉ có cẳng tay. Vì mặc cảm, tôi chỉ học hết cấp THCS, thế rồi, bố mẹ sắm cho cái máy xay xát để xát gạo cho bà con. Chăm chỉ làm ăn, tích cóp bao năm, chị Vượng xây được ngôi nhà hai tầng là nơi trú ngụ của hai mẹ con. Năm 2014, nhờ sự hỗ trợ của Hội NKT huyện Mê Linh, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện cho vay 40 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm và nước sạch để mua thêm con giống (lợn, gà), máy móc và xây chuồng trại; việc xay xát gạo, chăn nuôi phát triển hơn, mỗi tháng để ra được 6 – 7 triệu đồng.

Chị Vũ Thị Thủy được vay 40 triệu đồng để mua đồ nhựa, tậu xe máy làm phương tiện chở hàng đi bán, tiền lãi được khoảng 100.000 đồng/ngày. Ảnh: Trần Oanh. 
Chị Vũ Thị Thủy được vay 40 triệu đồng để mua đồ nhựa, tậu xe máy làm phương tiện chở hàng đi bán, tiền lãi được khoảng 100.000 đồng/ngày. Ảnh: Trần Oanh. 

Khi chào đời, chị Vũ Thị Thủy ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh không có bàn tay trái. Mặc cảm với bản thân, học hết mẫu giáo, Thủy ở nhà luôn. Những năm sau này, Thủy đi làm thuê, rồi buôn bán mấy thứ lặt vặt cái kim, cuộn chỉ, cặp tóc, khăn mặt. Người chồng bị thần kinh nên Thủy đành ly hôn và ôm con trai 7 tháng về nhà bố mẹ đẻ. Thế rồi, với sự hướng dẫn của Ngân hàng CSXH và phương thức tín chấp của Hội NKT Mê Linh, chị Thủy được vay 40 triệu đồng để mua đồ nhựa, tậu xe máy làm phương tiện chở hàng đi bán ở các chợ.

Lãnh đạo Hội Người khuyết tật huyện Mê Linh hỏi thăm công việc kinh doanh của hội viên. 
Lãnh đạo Hội Người khuyết tật huyện Mê Linh hỏi thăm công việc kinh doanh của hội viên. 

Nhằm động viên người phụ nữ một mình nuôi con nhỏ, năm 2020, Hội Phụ nữ Mê Linh tặng chị Thủy 6 triệu đồng có thêm vốn mua hàng. “Từ công việc bán hàng, mỗi ngày em được lãi hơn 100.000 đồng nuôi con, mẹ già, chủ động được cuộc sống. Mong muốn lớn nhất của em là được ngân hàng cho vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng mặt hàng phù hợp với thị hiếu của khách” – chị Thủy chia sẻ.

Vẫn còn khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

Tại huyện Mê Linh, có những NKT sau khi được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh đã tạo được việc làm cho nhiều lao động khuyết tật và người không khuyết tật. Tiêu biểu là hội viên NKT Đào Đức Bang (xã Tiến Thịnh) bị khuyết tật cụt mất 2/3 chân trái trong một lần lao động. Với ý chí vươn lên, anh tiếp tục theo nghề truyền thống của gia đình làm bánh đa nem. Từ năm 2013 anh Bang được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn ưu đãi 70 triệu đồng mua máy móc, chuyển từ sản xuất thủ công sang bán công nghiệp.

Đến nay toàn huyện có 140 hộ gia đình có người khuyết tật được vay vốn ưu đãi 3,15 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mê Linh.
Đến nay toàn huyện có 140 hộ gia đình có người khuyết tật được vay vốn ưu đãi 3,15 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mê Linh.

“Trước đây, mỗi ngày gia đình làm 35 cân bột, nay có máy móc hỗ trợ tăng lên thành 110 kg. Chúng tôi thường thuê 6 - 7 thợ, trong đó có 3 NKT. Hiện nay, 1 NKT về nhà phát triển nghề và tạo việc làm cho bố mẹ. Trung bình, mỗi tháng chúng tôi làm 20 ngày, trừ chi phí sản xuất và tiền thuê thợ, mỗi ngày để ra được 1 triệu đồng. Tôi mong được chính quyền xã hỗ trợ mặt bằng để mở rộng sản xuất, đào tạo nghề miễn phí và giải quyết việc làm cho nhiều NKT” - ông Bang kiến nghị.

Nhờ được vay vốn ưu đãi 70 triệu đồng, mỗi ngày gia đình ông Đào Đức Bang thu về 1 triệu đồng từ nghề làm bánh đa nem. Ảnh: Trần Oanh.
Nhờ được vay vốn ưu đãi 70 triệu đồng, mỗi ngày gia đình ông Đào Đức Bang thu về 1 triệu đồng từ nghề làm bánh đa nem. Ảnh: Trần Oanh.

Thông tin về số NKT được vay vốn tạo việc làm, Chủ tịch Hội NKT Mê Linh Lê Viết Tụng cho biết, đến nay toàn huyện có 140 hộ gia đình có NKT được vay vốn ưu đãi 3,15 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. NKT vay vốn chủ yếu dùng để đầu tư chăn nuôi lợn gà, trồng bưởi, làm nghề truyền thống (sản xuất bánh đa nem, bánh kẹo,…), sửa chữa xe máy, sửa chữa điện tử, cắt tóc, may gia công… Từ nguồn vốn vay, trung bình mỗi hộ có 2 – 3 người được tạo việc làm, thu nhập.

 

"Sau khi sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, kinh tế của các gia đình ngày một đi lên. Có được như vậy, một phần là do cán bộ Hội NKT luôn đi sâu sát, đồng hành cùng hội viên. Huyện Mê Linh quản vốn vay của NKT rất tốt và đều, hàng tháng thu vốn và lãi đầy đủ" - Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Mê Linh Nguyễn Thị Lợi đánh giá hiệu quả sử dụng đồng vốn.

Theo khảo sát của Hội NKT Hà Nội, bên cạnh những kết quả trên, hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn vay của các Hội NKT quận, huyện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Trịnh Xuân Dũng giải thích: Từ thực tiễn triển khai ở cơ sở, Hội NKT quận, huyện phản ánh: Đa số hội viên Hội NKT chưa là hội viên của các hội đoàn thể (Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân). Hội đoàn thể phụ trách tổ vay vốn e ngại NKT vay không có khả năng trả, vì thế có một số hội viên đến Ủy ban xã đề nghị vay thì nhận được câu trả lời: Chưa có chỉ đạo về việc này. Một khó khăn nữa, hiện nay 80% các xã trên địa bàn chưa có Hội NKT vì vậy muốn giải quyết, trao đổi trực tiếp vấn xét duyệt vay vốn cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Để đáp ứng nguyện vọng vay vốn giải quyết việc làm của nhiều hội viên, đồng thời khắc phục những khó khăn trên, Hội NKT Hà Nội đề nghị Sở LĐTB&XH Hà Nội, Ngân hàng CSXH Hà Nội, UBND TP, các Hội đoàn thể quan tâm nhiều hơn để ngày càng có nhiều NKT trong và ngoài Hội được tiếp cận nguồn vốn vay ổn định, kinh tế phát triển và thoát nghèo bền vững.