Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Hình mẫu ưu việt cho các dự án hạ tầng

Bài 2: Thần tốc giải phóng mặt bằng

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thần tốc” đó là từ mô tả chính xác cho sự vào cuộc của các cấp, ngành tại TP Hà Nội cũng như các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh khi bắt tay vào công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô.

>>> Bài 1: Hình mẫu ưu việt cho các dự án hạ tầng

Giải phóng mặt bằng (GPMB) - nhiệm vụ số một trong thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được nhìn nhận là khâu khó khăn, vất vả, gian truân nhất nhưng cũng là việc đầu tiên hoàn thành tốt bởi khí thế, quyết tâm và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Chính điều đó đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.

Khâu trọng điểm đi trước một bước

“Thần tốc” đó là từ mô tả chính xác cho sự vào cuộc của các cấp, ngành tại TP Hà Nội cũng như các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh khi bắt tay vào công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô. Từ ý chí, quyết tâm đi thẳng đến hành động một cách quyết liệt cũng chưa có tiền lệ.

Chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 cho người dân xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thiên Tú
Chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 cho người dân xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thiên Tú

Với tổng diện tích đất phải thu hồi để triển khai dự án lên tới 798,01ha; 16.633 hộ dân có đất thu hồi và di dời 11.687 ngôi mộ ngay trong năm 2023, công tác GPMB thực sự là nhiệm vụ khó, chưa từng có tiền lệ đối với TP Hà Nội. Do đó, TP xác định việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô cùng vào cuộc là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự thành công.

 

Ngày 16/6/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội, theo đó, dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Ngày 5/7/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2915-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội. Trực tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án của 3 tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án trên địa bàn Hà Nội. Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 13/7/2022 giao nhiệm vụ triển khai dự án và Quyết định số 2747/QĐ-UBND ngày 5/8/2022 giao nhiệm vụ thực hiện bồi thường, GPMB phục vụ triển khai dự án.

Để bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ, các địa phương liên quan đã thực hiện đồng loạt công tác rà soát, thẩm định hồ sơ, ban hành quyết định thu hồi đất, di dời mộ, tổ chức công tác đền bù và chuẩn bị phương án hỗ trợ tái định cư cho người dân. TP Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác GPMB và tái định cư cho Dự án, với mục tiêu phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Trong các cuộc họp giữa các địa phương, tại Hà Nội và qua các cuộc kiểm tra thực địa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác GPMB, tái định cư là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; công tác GPMB, tái định cư là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án.

Từ đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án đã chỉ đạo các cấp, ngành và từng quận, huyện liên quan phải xác định rõ, triển khai dự án là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm” và thực hiện công tác GPMB là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tập trung thực hiện với phương châm không bàn lùi, chỉ bàn tiến.

Huy động sức mạnh tổng hợp

Đây cũng là lần đầu tiên, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị riêng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân thực hiện công tác GPMB, tái định cư một dự án (Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022) nhằm gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị của TP và cấp quận, huyện cùng vào cuộc để đạt mục tiêu đặt ra.

TP cũng chọn những khu đất đấu giá để bố trí tái định cư cho người dân có đất ở phải GPMB, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, tương xứng cho người dân yên tâm, sớm ổn định cuộc sống. Theo đó, Hà Nội đã chi gần 1.000 tỷ đồng, triển khai xây dựng 13 khu tái định cư trên địa bàn 5 huyện (Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín), hiện đang đẩy nhanh việc xây dựng các khu tái định cư này và bàn giao cho người dân để bảo đảm song song người dân bàn giao mặt bằng thi công cho dự án và cùng lúc nhận đất tái định cư để xây nhà mới.

Một điểm nhấn nữa chính là công tác tuyên truyền được xác định là trọng tâm trong GMPB. Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, để bảo đảm thời hạn bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án vào cuối năm 2023, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về vai trò, tầm quan trọng của dự án và những lợi ích mà các địa phương có dự án đi qua được thụ hưởng là yếu tố quyết định sự thành công.

Mặt bằng thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải
Mặt bằng thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Thanh Hải

Chính vì vậy, ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, hệ thống dân vận TP đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền Nhân dân đồng thuận triển khai dự án. Khối dân vận phường, xã phối hợp chặt chẽ với tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố, tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận Nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo giải quyết khi có tình huống phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Lãnh đạo TP, HĐND TP, MTTQ TP liên tục có những cuộc kiểm tra thực địa để trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân thuộc diện có đất GPMB, tháo gỡ những khó khăn. Để tăng tính chủ động của địa phương, TP đã giao nhiệm vụ GPMB trực tiếp cho 7 quận, huyện (Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín) có tuyến dự án Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương. Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy cũng thành lập Tổ công tác cấp huyện do Bí thư cấp ủy làm tổ trưởng; thành lập bộ phận tiếp công dân chuyên trách phục vụ dự án từ TP đến các xã, phường, thị trấn; lên kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của địa phương…

Khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm

Chính với những cách làm nhanh nhưng bài bản và sự vào cuộc đồng bộ, điều dễ nhận thấy nhất trong quá trình triển khai thực hiện GPMB phục vụ dự án là người dân đều hồ hởi, phấn khởi và thể hiện rõ sự ủng hộ, đồng thuận cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng dự án. Đây là nhân tố rất quan trọng quyết định thành công. Đồng thời, chính trong quá trình triển khai vừa qua, xuất hiện nhiều cách làm hay, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì việc chung.

Như Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định, việc đẩy nhanh tiến độ GPMB Dự án đường Vành đai 4 là nhiệm vụ trọng tâm nhưng không bỏ quên quyền lợi của người dân. Huyện nắm chắc thông tin, hiểu rõ tâm tư của người dân, từ đó hoàn thiện hồ sơ, tiến hành đền bù, hỗ trợ GPMB thực hiện di chuyển mộ chí và giải quyết các vấn đề phát sinh phù hợp với nguyện vọng của người dân. Ban đầu khi nhận được thông tin phải di chuyển mộ chí, không ít người phản ứng.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện và xã kiên trì tuyên truyền, vận động, nhất là lãnh đạo xã có phần mộ nằm trong diện phải GPMB gương mẫu di chuyển trước, người dân mới đồng thuận thực hiện. Như gia đình Bí thư Đảng ủy xã Văn Bình Nguyễn Chí Tình có 12 ngôi mộ đã gương mẫu di chuyển ngay từ cuối năm 2022…
Để bảo đảm quyền lợi cho người dân, lãnh đạo huyện Thường Tín đã giao cho các phòng chuyên môn chuẩn bị phương án hỗ trợ tối đa cho người dân trong việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng đối với phần đất còn lại sau khi thu hồi. Cùng với đó, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký biến động giảm diện tích để người dân sớm nhận được lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhờ có sự quyết liệt vào cuộc, đến nay công tác GPMB dự án đường Vành đai 4 đi qua 9 xã của huyện với 9,4km đạt được kết quả tích cực. Tính đến ngày 10/6/2023, huyện đã kiểm kê, lập hồ sơ 126,41/134,53ha (đạt 93,96%). Đã ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB 105,59/134,53ha (đạt 78,48%). Trong đó, đã chi trả tiền GPMB 104,16/134,53ha (đạt 77,42%) của 1.248 hộ với khoảng 700 tỷ đồng.

Tại huyện Hoài Đức, địa bàn có chiều dài đường Vành đai 4 đi qua lớn nhất TP với hơn 17,1km thuộc 12 xã. Tổng diện tích thu hồi đất trên địa bàn huyện để thực hiện dự án khoảng 239,63ha của 6.175 hộ và các loại đất khác; số mộ chí phải di chuyển khoảng 2.488 ngôi. Cùng với đó, số hộ có đất ở thu hồi và cần giao đất tái định cư là 115 hộ. Khối lượng lớn như vậy, nhưng công tác GPMB tại huyện lại là một trong những đơn vị đi đầu. Tính đến hết tháng 6/2023, diện tích GPMB sẽ được 196,8ha (đạt 82%).

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường, để có được kết quả đó, công tác tuyên truyền đã được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Trong đó, lấy vai trò tiên phong của đảng viên làm gương cho quần chúng. Mỗi đảng viên trở thành tuyên truyền viên, dư luận viên làm công tác tuyên truyền, nắm bắt tư tưởng. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân và hoàn thành tiến độ, phấn đấu cuối năm 2023 GPMB xong 100% diện tích, huyện Hoài Đức đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị tại các tổ chức cơ sở Đảng, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nhờ đó, xã Song Phương, An Thượng… được xác định là những xã có diện tích GPMB đất ở, đất nông nghiệp và di chuyển mộ chí nhiều nhất nhưng đã sớm hoàn thành theo kế hoạch.

“Sau khi hoàn thành công tác quy chủ đất, kiểm đếm, GPMB, các địa phương trong huyện hoàn thiện các thủ tục để áp giá, minh bạch, công khai, chi trả, thu hồi và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tính gương mẫu đi đầu của đảng viên, cán bộ, việc triển khai GPMB phục vụ dự án đường Vành đai 4 sẽ vượt tiến độ trên cơ sở sự đồng thuận cao của Nhân dân” - ông Nguyễn Hoàng Trường chia sẻ.

Nói về giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: xác định di chuyển mộ là việc khó, phức tạp và nhạy cảm song nắm bắt cơ hội thời điểm gần cuối năm, phù hợp với văn hóa tâm linh của người Việt Nam trong việc bốc mộ, di dời phần mộ, do đó, huyện đã chỉ đạo các xã có diện tích thu hồi khẩn trương đẩy nhanh tiến độ di dời mộ, phục vụ GPMB thực hiện dự án đường Vành đai 4.

“Ban đầu khi bắt tay vào chỉ đạo thực hiện, từ lãnh đạo huyện đến lãnh đạo các xã đều rất lo lắng bởi di chuyển mộ là việc khó, liên quan yếu tố tâm linh lại bị áp lực về thời gian, song với tinh thần quyết tâm cao, tôi và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đã nhiều lần trực tiếp xuống xã đôn đốc, kiểm tra tiến độ dự án đồng thời động viên Nhân dân khẩn trương thực hiện, bảo đảm tiến độ” – ông Bùi Văn Sáng cho hay.

Tuyến đường Vành đai 4 qua địa phận huyện Thanh Oai dài 7,9km thuộc địa phận 6 xã tổng diện tích đất thu hồi là 86,94 ha. Số mộ cần di dời là 503 ngôi mộ. Tính đến ngày 16/6/2023, diện tích đã phê duyệt phương án là 70,84 ha (đạt tỷ lệ 81%); diện tích đất đã bàn giao mặt bằng là 70,84 ha (đạt 81%). Huyện đã di dời 487/503 ngôi mộ (đạt 96,8%), đã có 3 xã hoàn thành 100% là Bình Minh, Thanh Thùy, Tam Hưng.

Có thể nói, những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ là GPMB phục vụ dự án trong một thời hạn rất ngắn cũng chính là cơ hội để khẳng định trách nhiệm, ý chí và niềm tin của đội ngũ cán bộ ở các cấp, ngành, địa phương khi thực hiện nhiệm vụ khó. Và chính nhờ những giải pháp quyết liệt, chủ động, hiện tại, khối lượng giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn Hà Nội đến thời điểm khởi công sẽ đạt 80% (vượt chỉ tiêu 10%) và bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31/12. GPMB đã thực sự trở thành bệ phóng cho dự án tăng tốc ngay từ những bước đầu tiên.

(Còn nữa)

 

Để có những thành công trong GPMB là do Hà Nội tách công tác này thành dự án thành phần độc lập, qua đó giúp cho việc GPMB không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc. Đồng thời, có thể triển khai sớm ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, bảo đảm việc GPMB đi trước một bước. TP cũng triển khai đồng thời công tác GPMB với một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB để các địa phương tổ chức thực hiện; rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rà soát nhu cầu tái định cư. Căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai năm 2013, TP Hà Nội đã ứng vốn cho việc bồi thường, GPMB; tạo quỹ đất theo quy hoạch... - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn

---

Chuẩn bị đầu tư là khâu cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa sống còn với mỗi dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là những siêu dự án có quy mô và tầm ảnh hưởng chiến lược như Vành đai 4. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí Thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo triển khai dự án đã làm cực tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Những cái khó như điều chỉnh quy hoạch, xin cơ chế đặc thù, GPMB… đều trôi chảy, đáp ứng, thậm chí vượt tiến độ. Thành công đó không chỉ mang ý nghĩa với một dự án mà nó còn làm nức lòng những người làm giao thông trên cả nước. Nếu dự án nào cũng được triển khai theo mô hình như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thì tin chắc nhiệm vụ đi trước mở đường của ngành giao thông sẽ luôn hoàn thành xuất sắc. - Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu

---

Nhiều nước trên thế giới đã tận dụng rất tốt nguồn lợi từ chênh lệch địa tô để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông. Mỗi khi lập dự án giao thông, họ thường tính toán GPMB luôn cả khu vực hành lang hai bên, thu hồi các vị trí đất “đẹp” mang đấu giá. Ở nước ta cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách tương tự, đặc biệt là với những dự án như Vành đai 4 -Vùng Thủ đô. Con đường chiến lược này sẽ kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội, hình thành nhiều khu đô thị có giá trị cao. Ngay từ bây giờ chính quyền các địa phương cần lập kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch để tận dụng tối đa nguồn lực từ đất đai dọc hành lang Vành đai 4. - Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

---

Nhân dân luôn lắng nghe chủ trương của Đảng, ủng hộ chính sách của Nhà nước và tin tưởng vào cán bộ. Vì vậy khi nhận thức rõ dự án đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô mang lại lợi ích lớn cho địa phương, TP và đất nước, tất thảy người dân khi được các cấp ủy Đảng, chính quyền tuyên truyền đều hưởng ứng, đồng thuận cao. Cha con bảo nhau, hàng xóm động viên nhau, thôn làng nhất trí một lòng chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. - Ông Nguyễn Ninh Thẩm, thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai

---

Dự án đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Không những vậy, đây còn là tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh, TP, là niềm mong đợi bấy lâu của người dân. Dù tiếc nuối khi bàn giao hơn 3/6 sào đất bãi trồng cây ăn quả đã gây dựng, nhưng là một đảng viên, vì chủ trương chung, tôi đồng tình, ủng hộ bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. - Ông Nguyễn Công Hành, Chi bộ thôn 4, xã Song Phương, huyện Hoài Đức