Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 1

Trong những năm qua, không thể phủ nhận những đóng góp của mạng lưới y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến xã, phường trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, sự đầu tư chưa tương xứng, sức mỏng, lực yếu, y tế cơ sở muốn làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình nhưng đành ngậm ngùi bởi “lực bất tòng tâm”.

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 2

Khi dịch bệnh bùng phát, trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn trở nên quá tải do lực lượng nhân viên y tế mỏng. Cuộc chiến chống dịch của họ là những chuỗi ngày căng sức làm việc xuyên ngày đêm.

Thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) có 9 khu dân cư với trên 9.000 người dân. Mặc dù địa bàn rộng trong khi số cán bộ TYT thị trấn còn ít, nhưng thời gian qua, các bác sĩ, nhân viên y tế của Trạm luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 3

Là người đã có trên 25 năm công tác tại tuyến cơ sở, Trạm trưởng TYT Thị trấn Lâm Thao Nguyễn Ánh Kim chia sẻ, công việc thường xuyên của nhân viên y tế cơ sở vốn đã vất vả, đợt dịch Covid-19 càng áp lực hơn bội phần. Phụ trách chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hàng nghìn người dân ở một địa bàn rộng, cán bộ y tế cơ sở còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đi đến từng hộ gia đình rà soát các trường hợp người nước ngoài trở về địa phương, người đến từ vùng dịch để tuyên truyền; vận động, hướng dẫn họ khai báo y tế.

Còn tại TYT xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang), từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, địa bàn liên tục tiếp nhận công dân về khu cách ly, đồng nghĩa với việc 6 cán bộ của trạm phải tạm gác lại công việc riêng để tham gia cuộc chiến chống dịch. Bất kể ngày đêm, y bác sĩ của Trạm luôn sát cánh cùng các lực lượng bảo vệ an toàn cho Nhân dân. Bác sĩ Lương Thị Hiền  Trạm trưởng TYT xã Thanh Thủy bộc bạch, khó có thể kể hết những hi sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ cơ sở. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, áp lực công việc cao, nhưng ai nấy đều nỗ lực hết mình ứng phó trước đại dịch.

Cũng là người hơn 25 công tác tại tuyến y tế cơ sở, bác sĩ Nguyễn Thị Vượng – Trạm trưởng TYT xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cảm nhận, chưa khi nào công tác phòng, chống dịch lại yêu cầu sự cấp bách, quyết liệt như hiện nay. Một mặt, nhân viên y tế vừa trực tiếp tham gia chống dịch, vừa phải đảm bảo công tác tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm… cho người dân. Với họ, ngày làm việc không phải là 8 tiếng mà thời gian, công suất gấp đôi, xuyên ngày, xuyên đêm không ngơi nghỉ.

Vất vả là thế nhưng công tác chấm công lại có nhiều bất cập. Đơn cử, nhiều hôm thứ Bảy, Chủ nhật, địa bàn có ca truy vết, TYT phải huy động tất cả cán bộ nhân viên căng mình làm rất nhiều việc, từ đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine… nhưng công chỉ được tính cho kíp trực của ngày hôm đó. Đặc biệt, từ dịch Covid-19, TYT chịu rất nhiều áp lực từ trường hợp trốn cách ly, phun khử khuẩn đến thay phiên đi trực đám hiếu, hội nghị cũng đến tay y tế cơ sở.

Theo bác sĩ Vượng, khó khăn lớn nhất đối với y tế cơ sở là lực lượng mỏng, địa bàn rộng với 9.435 dân, 10 cụm dân cư, trong khi lượng công việc quá nhiều nên thường xuyên quá tải. TYT có 7 người (chỉ có 1 bác sĩ), trong đó, 1 nhân viên nghỉ chế độ thai sản, hiện Trạm thiếu 1 nhân sự về chuyên khoa Dược.

Khi dịch Covid-19 bùng phát đã bộc lộ rõ nhiều bất cập, vừa mỏng về nhân lực vừa thiếu về trang thiết bị. Đó là chưa kể đến các dịch bệnh lưu hành hàng năm như sốt xuất huyết, thủy đậu, sởi, tay chân miệng… y tế cơ sở đều phải tham gia. Nào là thứ Tư hàng tuần, tiêm chủng, khám thai. Còn lại khám bệnh không lây nhiễm 300 bệnh nhân/tháng, ngoài ra kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, các chương trình chống mù loà, tai nạn thương tích… đều là các nội dung trong 35 chương trình y tế quốc gia mà TYT phải quản lý.

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 4

Nêu lên những bất cập về thanh toán BHYT tuyến y tế cơ sở, bác sĩ Vượng cho rằng, hiện mặt hàng thuốc tại TYT không đầy đủ, nguyên nhân do vốn quỹ của BHYT cấp về tuyến xã rất hạn chế. Với số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều, trong khi số thuốc không đa dạng, phong phú nên hạn chế trong việc bác sĩ kê đơn thuốc. Đây là lý do người bệnh không mặn mà với tuyến dưới.

Đề cập đến vấn đề này, Phó trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, TTYT huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết, hiện nguồn kinh phí KCB BHYT được giao quỹ hàng năm cho cơ sở còn ít, khó khăn trong việc cân đối mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ khám chữa bệnh. Ngoài ra, một số trang thiết bị đã hết thời gian khấu hao, thường xuyên hỏng phải sửa chữa nên ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Còn theo Giám đốc TTYT quận Hà Đông (Hà Nội) Trương Kỳ Phong, do lực lượng y tế tại cơ sở mỏng, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn quận Hà Đông, quận phải huy động tất cả nhân viên y tế tại các khoa, phòng hỗ trợ cơ sở đi truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, khử khuẩn, đưa người đi cách ly. Ngoài ra, vẫn phải đảm bảo tiêm chủng để đạt tiến độ theo quy định. Nhân lực tại tuyến y tế cơ sở chỉ đáp ứng được 70% công việc nếu không có sự tăng cường nhân lực.

“Hiện các trang thiết bị y tế tại quận thiếu rất nhiều thứ. Mỗi tháng chi phí cho các trang thiết bị y tế ở các TYT, TTYT và khu cách ly tập trung tốn khoảng trên dưới 100 triệu đồng, TTYT đều thực hiện xã hội hóa mà không thể mua vì 2 lý do. Kinh phí thiếu và giá cả theo đơn giá quy định của Nhà nước có khi thấp hơn ngoài thị trường. Về xe chuyên dụng vận chuyển người bệnh, TTYT có 2 xe, khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều điểm nên không đáp ứng kịp yêu cầu đưa người bệnh đi cách ly tập trung, trả mẫu, lấy mẫu” – ông Phong nói.

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 5
Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 6

Theo ông Trương Kỳ Phong, khó khăn nhất hiện nay của TTYT và TYT là thiếu nhân lực. Dù thiếu bác sĩ chuyên khoa, muốn ký hợp đồng với những bác sĩ giỏi mới nghỉ hưu nhưng lại không có cơ chế.

Chia sẻ về nhân lực tuyến y tế cơ sở,  ông Vũ Thế Nam - Phó trạm trưởng TYT phường Phúc La, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, từ khi xảy ra dịch Covid-19, quân số của TYT đi làm 100%, không kể ngày nghỉ. Hiện tại phường Phúc La có dân số trên 30.000 người trong khi đó, TYT có 10 cán bộ, nhân viên. Với số lượng cán bộ, nhân viên y tế mỏng, công việc vất vả, nhưng anh em vẫn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, kể cả làm ngoài giờ, ngày nghỉ.

Khi được hỏi về chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế khi làm vượt quá nhiều thời gian như hiện nay, ông Nam cho rằng: “Chúng tôi làm việc bằng tinh thần và trách nhiệm, xác định là cán bộ y tế, trước hết làm vì trách nhiệm với Nhân dân. Nhà nước đã có chính sách từ trước, tiền trực mỗi buổi của nhân viên y tế chưa đủ ăn một bát phở”.

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 7

Trưởng TYT xã Hạ Mỗ chia sẻ thêm, cả TYT chỉ có 1 bác sĩ công tác thâm niên lâu năm, cao nhất cũng chỉ hưởng lương hơn 9 triệu đồng/tháng. Còn các điều dưỡng chỉ được 5-6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cuộc sống. Chính vì cơ chế chính sách chưa phù hợp với công sức bỏ ra nên nhiều cán bộ, nhân viên ở TYT không mấy hào hứng, có động lực để đi học nâng cao trình độ. “Chúng tôi mong muốn thời gian tới, các cấp lãnh đạo quan tâm hơn đến tuyến YTCS, tăng đãi ngộ, có chính sách đào tạo, nâng cao chế độ lương, phụ cấp... cho y bác sĩ tuyến cơ sở” – bác sĩ Vượng nói.

Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của tất cả cán bộ y tế tuyến cơ sở, không riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà là tình trạng chung trên toàn quốc.

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 8

Tại các tỉnh miền Tây, 2 tuần trở lại nay, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh, có nơi như Đồng Tháp, Kiên Giang tăng trên 280% khiến hệ thống y tế quá tải.

Còn tại Cần Thơ, Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Phú Trường Giang cho biết, địa phương đang gặp khó về nhân lực y tế. Tỉnh có khoảng 6.000 nhân lực y tế, trong đó khoảng 3.000 y bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19, khoảng 2.000 làm các công tác thông thường, số còn lại tham gia truy vết dịch tễ. TP có 83 xã, phường, thị trấn, mỗi đơn vị có một TYT với 5-7 nhân sự. Nếu F0 điều trị tại nhà (Sở Y tế đang trình kế hoạch cho UBND TP), ước tính Cần Thơ cần thêm 300-400 y bác sĩ.

Riêng Đồng Tháp, theo ông Trần Văn Hai - Giám đốc CDC Đồng Tháp, mỗi TYT có 1 đến 2 bác sĩ, hiện tại đều quá tải. Đơn cử, TYT xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự có 9 nhân sự gồm 1 bác sĩ chuyên khoa, 6 y sĩ, 1 nữ hộ sinh và 1 dược sĩ. Thời điểm dịch căng thẳng, toàn bộ nhân sự "3 tại chỗ", cả tháng không về nhà. Tương tự, y sĩ Trần Đức Phúc - TYT xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười chia sẻ gần 5 tháng qua chưa biết đến ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Lượng công việc cho 20 người nhưng chỉ 7 y bác sĩ gồng gánh.

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 9

Ở Kiên Giang, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Văn Phúc, do áp lực công việc cực lớn, khó có thể chống đỡ, ban đầu một số trưởng trạm, y sĩ định xin nghỉ việc, nhưng "sau đó vẫn tiếp tục sứ mệnh vì hiểu giai đoạn này toàn ngành ai cũng kiệt sức". Hiện ngành y tế Kiên Giang có 7.000 nhân sự, thiếu gần 1.500 người.

Tại buổi giám sát của Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh về công tác y tế cơ sở mới đây, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho rằng, chính trong đợt dịch vừa qua, những điểm yếu của y tế cơ sở đã bộc lộ rõ. “Trước đây, TP luôn tự hào về y tế chuyên sâu nhưng nhìn lại mới thấy những điểm yếu chết người khi dịch bùng phát” - Giám đốc Sở Y tế nói và cho biết thêm, TP có 310 TYT nhưng hơn một nửa chưa có trưởng trạm. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu. Trước đây, các TTYT quận, huyện, TYT phường, xã trực thuộc UBND quận, huyện. Tiêu chí bổ nhiệm trưởng trạm do quận, huyện quyết định.

Khi chuyển các TTYT và TYT về Sở Y tế quản lý, theo các tiêu chí của ngành, không ai đủ điều kiện là trưởng trạm. Do đó, hơn một nửa TYT của TP Hồ Chí Minh đang bỏ trống chức danh này.

"Không ai chịu về trạm y tế”, Giám đốc Sở Y tế bày tỏ khi đề cập đến tình hình nhân lực y tế cơ sở - nỗi lo của toàn ngành y tế.

Hiện nay, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt 2,31. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cả nước và Hà Nội (tương ứng là 7,42 và 6,06). Sở Y tế kiến nghị tăng mức trần biên chế tại TYT lên gấp đôi hiện tại, tức là 20 người/trạm để đảm bảo nhân lực.

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 10
Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 11

Trong khi y tế cơ sở sức mỏng lực yếu, nhưng nhiều người xin nghỉ việc vì không chịu được áp lực. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh trải lòng: “Đợt dịch vừa qua, mỗi ngày tôi đều ký 1 tập đơn xin nghỉ việc của nhân viên TYT, TTYT và các bệnh viện”.

Ông cho rằng, ngoài chính sách thu hút, TP cần có chính sách để giữ chân nhân viên y tế ở lại với cơ sở. Giám đốc Sở Y tế đề xuất mức hỗ trợ hàng tháng: 5 triệu đồng đối với bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ đại học và y sĩ là 4 triệu đồng, nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp là 3 triệu đồng

Trước đó, Ban văn hóa xã hội - HĐND TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp khảo sát hoạt động y tế cơ sở tại TYT phường 1 quận 3, phường 5 quận 3, xã Vĩnh Lộc B,  huyện Bình Chánh. Mỗi nơi có một đặc thù riêng về mật độ dân số, mô hình y tế công tư.

“Đợt dịch vừa qua, ai cũng thấy các TYT rất mệt mỏi, lúng túng. Từ cách làm việc đến ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Phạm Đăng Khoa, thành viên đoàn giám sát phát biểu. Ông Khoa cho rằng, để giữ chân bác sĩ ở trạm y tế TYT phường xã, không chỉ cần có tiền, mà còn cần môi trường làm việc, điều kiện nâng cao tay nghề và phát triển trong nghề nghiệp.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 11.000 TYT xã, phường, trong đó hơn 87% trạm có bác sĩ và 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Tuy nhiên, y tế cơ sở đang tồn tại nhiều hạn chế yếu kém về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.  Hơn 1 nửa số trạm y tế cần phải nâng cấp, sửa chữa. (Còn nữa)

Bài 2: Sức mỏng lực yếu! - Ảnh 12

18:04 15/11/2021