Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 1

Tại Việt Nam, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, bệnh không lây nhiễm còn là bệnh lý nền, yếu tố tăng nặng và dẫn đến tử vong của các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm hay Covid-19 hiện nay. Đây là thách thức lớn của tuyến y tế cơ sở.

Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 2

Theo GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện nay bệnh không lây nhiễm đang là thách thức với toàn cầu và là gánh nặng lớn đối với toàn xã hội.

Thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với một mô hình bệnh tật kép. Trong khi cả nước vẫn phải nỗ lực để kiểm soát bệnh truyền nhiễm với những bệnh, dịch nguy hiểm và mới nổi như đại dịch Covid-19 thì lại đang phải đối mặt với sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật.

Cho đến nay, tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở hầu hết các trạm y tế xã, phường chưa cung cấp được các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng. Thống kê mới đây cho thấy, có gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh, mới có 31% số phụ nữ 30-49 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung – là loại ung thư nhiều thứ hai ở phụ nữ, chỉ có 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng và dùng thuốc theo quy định. Trên 70% số ca ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn làm cho kết quả điều trị không mang lại hiệu quả cao.

Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 3

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: “Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, bệnh không lây nhiễm còn là bệnh lý nền, yếu tố tăng nặng và dẫn đến tử vong của các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm hay Covid-19. Vì vậy, quản lý bệnh không lây nhiễm, chăm sóc y tế ngay từ tuyến đầu tiên có vai trong hết sức quan trọng”.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, bệnh không lây nhiễm đang chiếm khoảng 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc. Đây là một thách thức lớn cho ngành y tế Việt Nam.

Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 4

Cả nước hiện có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, trong đó hơn 87% trạm có bác sĩ và 97% có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Tuy nhiên, y tế cơ sở đang tồn tại nhiều hạn chế yếu kém về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.  Hơn 1 nửa số trạm y tế cần phải nâng cấp, sửa chữa. Trong khi đó, người dân có thẻ BHYT rất thờ ơ với y tế cơ sở và thường xuyên vượt tuyến khám chữa bệnh.

Theo tính toán của ngành Y tế, hiện nay có khoảng 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. Đặc biệt có đến 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã, nhất là việc quản lý và theo dõi cấp phát thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, y tế cơ sở hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức về chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nói chung và cho người có thẻ BHYT nói riêng. Nguyên nhân là do y tế cơ sở còn hạn chế về nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng; các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế; nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo...

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, nhiều trạm y tế xã, phường khang trang, hiện đại, nhưng quan trọng, yếu tố cần nhất vẫn là nhân lực, trình độ y bác sĩ. Ngoài ra, đó còn là việc điều chỉnh chính sách BHYT ở tuyến xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT được hưởng thụ.

Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 5

Một thực tế khác, là mức độ bao phủ các dịch vụ thiết yếu về phát hiện, dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm chưa cao. Chẳng hạn, dự án phòng chống COPD mới triển khai tại một số ít tỉnh, dự án tăng huyết áp triển khai quản lý chưa nhiều tại tuyến xã, phường. Một số hoạt động dự án mới chỉ giới hạn chủ yếu tại các cơ sở khám chữa bệnh (COPD, ung thư). Hoạt động phát hiện sớm, quản lý, tư vấn và dự phòng cho người nguy cơ cao còn chưa triển khai một cách hệ thống, rộng khắp. Các can thiệp giảm ăn mặn, can thiệp sàng lọc giảm tác hại rượu bia, cai nghiện rượu, thuốc lá mới triển khai ở quy mô nhỏ.

Một chuyên gia y tế cho rằng, trong khi bệnh không lây nhiễm đang là một thách thức lớn của hệ thống y tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 nguy hiểm như hiện nay. Tỷ lệ người mắc bệnh không lây nhiễm được tiếp cận với các dịch vụ quản lý điều trị và chăm sóc lâu dài tại cộng đồng còn rất thấp. “Vừa qua, chúng tôi nghiên cứu tại nhiều địa phương, nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực bệnh không lây nhiễm quá yếu kém. Nhiều tài liệu hướng dẫn chuyên môn chưa được chuẩn hóa, thậm chí y bác sĩ tuyến dưới còn chưa hiểu rõ về những nội dung này thì khó mà tuyên truyền được cho người dân” – chuyên gia này nói.

Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 6
Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 7

Giám đốc một bệnh viện tuyến trung ương chia sẻ khi nhắc đến việc theo dõi sức khỏe, điều trị bệnh không lây nhiễm ở tuyến y tế cơ sở. Theo ông, trong những năm gần đây, y tế cơ sở “có tiến bộ” rất nhiều, cơ sở vật chất lược đầu tư hơn, nhân lực được nâng cao trình độ. Tại các TP lớn, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được phát huy khá tốt, đặc biệt tại Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, đó mới là nơi dân cần y tế cơ sở nhất. “Do y tế tuyến cơ sở nghèo nàn, lạc hậu, dân không tin tưởng, khi có bệnh, họ đi bộ nửa ngày trời mới đến bệnh viện tỉnh, nhiều bệnh nhân tử vong trên đường đến bệnh viện. Nếu được chăm sóc ban đầu tốt, những bệnh nhân đó sẽ được cứu sống. Nếu quản lý tốt các bệnh không lây nhiễm ở cộng đồng, bệnh viện tuyến trên sẽ không quá tải. Cho nên, cần phải có chính sách quan tâm, đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở” – vị Giám đốc bệnh viện này nhấn mạnh.

Thực tế, dù bệnh không lây nhiễm chiếm 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong nhưng phòng chống bệnh vẫn chưa được xác định ưu tiên thỏa đáng trong phân bổ kinh phí. Phân bổ kinh phí chia cắt theo các chương trình dọc, được sử dụng phần lớn cho điều trị, trong khi 10 can thiệp lựa chọn hàng đầu theo khuyến cáo của WHO đều là các can thiệp dự phòng yếu tố nguy cơ và thực hiện trên quy mô dân số.

Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 8

Nhìn nhận về vấn đề nay, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Trưởng ban điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam cho rằng: “Hệ thống y tế ở Việt Nam đang phát triển lệch hướng. Cần trả lại cho tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu đúng với vai trò vị trí của nó. Đáng ra, phải đầu tư cho tuyến gần dân nhất, nhằm phòng bệnh hơn chữa bệnh, thì việc đầu tư hiện nay dường như chỉ tập trung cho tuyến trên. Đầu tư nâng cấp các bệnh viện trong hệ thống điều trị là cần, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Nhưng muốn giải quyết được gốc của vấn đề, giảm tình trạng người dân phải đi bệnh viện, giảm dồn lên tuyến trên thì cần phải chăm sóc tot ở tuyến dưới, phải đầu tư cho y tế cơ sở. Nhưng nhiều năm nay, y tế cơ sở vẫn “lẹt đẹt”...”.

Ông cũng chia sẻ thêm, không ít cán bộ y tế, kể cả lãnh đạo đều rất tự hào khi bệnh viện mình, địa phương mình tập trung vào y tế chuyên sâu, phát triển kỹ thuật cao. Nhưng lại quên mất, nếu chỉ chú trọng cho hệ điều trị thì hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, hệ y tế dự phòng sẽ bị ảnh hưởng, dần dần sẽ bị “mất gốc”. “Như vậy, bờ đê ngăn ngừa dịch bệnh sẽ suy yếu và khó lòng kiểm soát khi dịch xảy ra. Dịch Covid-19 với cách ứng phó lúng túng tại nhiều địa phương, tử vong nhiều là một bài học hết sức sâu sắc, cần được nhìn nhận lại để kịp thời điều chỉnh” – ông Tuấn nhấn mạnh.(Còn nữa)

Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 9
Bài 3: Bệnh không lây nhiễm - Thách thức của y tế cơ sở - Ảnh 10

10:51 16/11/2021