Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xe buýt - Những “xa phu” thầm lặng và kiên trì

Bài 3: Cần được đầu tư mạnh mẽ, toàn diện

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù bao nhiêu khó khăn, thách thức, xe buýt Hà Nội vẫn như những “xa phu” thầm lặng và kiên trì phục vụ Nhân dân. Nhưng chỉ nỗ lực thôi là chưa đủ, muốn xe buýt hoàn thành tốt sứ mệnh, chính quyền TP cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn nữa về mọi mặt...

>>> Bài 1: Bền bỉ vượt khó khăn

>>> Bài 2: Những thách thức của thời đại 4.0

Xe buýt hoạt động trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Xe buýt hoạt động trên phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhận diện khó khăn

Nhiều chuyên gia cho rằng, xe buýt đã được TP Hà Nội ưu tiên rất nhiều như trợ giá, miễn giảm thuế phí… Nhưng vẫn còn ba vấn đề tồn tại lớn là: Thiếu làn đường dành riêng; đầu tư cho nhân sự chưa đúng mức; hệ thống nhà chờ, điểm dừng chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân.

Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải phân tích, xe buýt đang phải lưu thông chung với các loại hình phương tiện khác, chịu mọi áp lực về ùn tắc, lại có lộ trình dừng đỗ đón trả khách theo điểm nên thời gian hành trình chưa đáp ứng được mong muốn của hành khách.

Mặt khác, xe buýt mỗi lần ra vào điểm dừng, đặc biệt trong giờ cao điểm còn xung đột với các phương tiện lưu thông xung quanh, vừa gặp khó khăn, vừa gây ảnh hưởng ít nhiều đến giao thông chung. Có thể nói, thiếu làn đường riêng, xe buýt vừa không thể phát huy tối đa hiệu quả, vừa khiến thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân chậm thay đổi, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường của TP.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nhận định, có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khiến cho tỷ lệ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trồi sụt thất thường. Một trong những tồn tại khó giải quyết nhất chính là thiếu hạ tầng dành riêng cho xe buýt.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định, nguyên nhân chính khiến xe buýt gặp nhiều khó khăn bất cập về hạ tầng là quy hoạch đô thị không gắn với mạng lưới xe buýt. Hà Nội phát triển đô thị quá nhanh, nhiều khu vực dân cư mới khi hình thành còn thưa vắng, chưa tính đến nhu cầu mở tuyến xe buýt. Tới khi có nhu cầu, khảo sát mở tuyến buýt thì hạ tầng đã xây dựng xong rồi, khó có thể làm thêm làn đường riêng cho xe buýt nữa.

Đặc biệt, hệ thống nhà chờ xe buýt chưa được quan tâm đầu tư, số lượng nhà chờ có mái che mưa nắng rất thấp, hầu hết là điểm dừng sơ sài, gây nhiều bất tiện cho người dân. “Đây là một vấn đề rất đáng lưu tâm trong quá trình quy hoạch, phát triển đô thị của Hà Nội” - ông Lê Trung Hiếu cho biết.

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải thiện tổ chức giao thông, trong đó có việc mở làn riêng cho xe buýt trên một số tuyến đường nhưng tiến độ triển khai khá chậm.

Ông Nguyễn Hoàng Hải nói: “Để phát triển bền vững, Hà Nội cần một mạng lưới giao thông đô thị sống động và an toàn. Sống động nghĩa là mọi người đều được đi lại thuận tiện, kể cả người già, người khuyết tật. Chỉ giao thông công cộng mới có thể làm được điều đó. Đến một lúc nào đó, chúng ta không có điều kiện mở thêm đường nữa thì chỉ còn tổ chức giao thông công cộng là giải quyết được vấn đề ùn tắc”.

Giải pháp toàn diện

Cũng như mọi đô thị khác, Hà Nội cần mạng lưới vận tải hành khách công cộng phát triển mạnh mẽ để dần thay thế xe cá nhân, qua đó giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nếu không khiến xe buýt hấp dẫn hơn, người dân sẽ tiếp tục giữ thói quen sử dụng xe cá nhân, tuyên truyền, vận động bao nhiêu cũng khó có hiệu quả. Do đó, xe buýt cần một gói giải pháp toàn diện thúc đẩy để bật hẳn lên, thoát khỏi tình trạng “nửa vời” như hiện nay.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng nhận định, chính quyền TP phải đối diện với sức ép rất lớn của dư luận Nhân dân nên việc ưu tiên đường riêng cho xe buýt tiến hành còn chậm, dè dặt. "Nhưng nếu quá thận trọng, không mở làn đường riêng cho xe buýt, không giải quyết được dứt điểm vấn đề chậm giờ sẽ ngày càng mất khách, đồng nghĩa với việc xe cá nhân tiếp tục gia tăng, nhấn chìm đường sá” - ông Đỗ Văn Bằng cho hay.

Mặt khác, Hà Nội đã gần như “lãng quên” hạ tầng xe buýt trong suốt những năm phát triển đô thị nhanh chóng vừa qua, tồn tại này cần được khắc phục. Thạc sĩ Lê Trung Hiếu nói: “Hà Nội cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường giao thông, thêm vào các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, nhất là tại đô thị trung tâm. Chỉ khi có quy hoạch mới có cơ sở pháp lý để nâng cấp hệ thống này”; đồng thời cho rằng, ưu tiên cho xe buýt không chỉ là trợ giá, miễn giảm thuế phí. Phải coi xe buýt là nhân vật chính của giao thông đô thị, ưu tiên từ hạ tầng, tổ chức giao thông cho đến công nghệ, nhân lực.

Một vấn đề khác rất cần được xem xét là loại hình phương tiện xe buýt của Hà Nội hiễn vẫn chưa đa dạng, có nơi chưa phù hợp với hệ thống đường đô thị. TP còn có rất nhiều khu dân cư tập trung với đường sá nhỏ hẹp, xe buýt cỡ lớn không thể vào tận nơi đưa đón người dân, khoảng cách tiếp cận với xe buýt, tàu điện cũng khá xa. Vậy vì sao Hà Nội không đầu tư những tuyến xe buýt cỡ nhỏ, đặc biệt là sử dụng xe buýt điện mini để trung chuyển hành khách tại các khu vực này. Phải chăng xe buýt lớn chở nhiều khách đã trở thành lối mòn trong tư duy cần thay đổi?

Nhiều chuyên gia cho rằng, xe buýt Hà Nội phát triển mạnh mẽ được như ngày hôm nay đã là khá thành công. Nhưng chính sách cho xe buýt Hà Nội đang bộc lộ những bất cập, đòi hỏi phải được điều chỉnh phù hợp hơn với bối cảnh mới. TP luôn đặt mục tiêu đồng bộ các giải pháp dành cho xe buýt, nhưng thực tế có giải pháp thực hiện tốt, có cái lại chưa thể triển khai.

(còn nữa)

 

Cứ đổ tiền trợ giá mà không làm cho xe buýt ưu việt, hấp dẫn người dân thì hiệu quả mang lại sao có thể tương xứng với tiền bạc bỏ ra. Đã đến lúc chính quyền TP Hà Nội cần cho thấy quyết tâm dám nghĩ, dám làm để xe buýt thực sự được ưu tiên.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng