Tháo gỡ “điểm nghẽn” về nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi
Bài 3: Chính sách ưu đãi kỳ vọng tạo “cú hích” cho nhà ở xã hội
Kinhtedothi - Nhiều ưu đãi hấp dẫn như hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ 70% kinh phí đầu tư kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật... được xem là giải pháp “gỡ khó” cho các dự án nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi.
Ban hành cơ chế hỗ trợ
Đầu tư, phát triển nhà ở xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tại Quảng Ngãi, tỉnh đã tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, quỹ đất, nguồn vốn và đưa ra các chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2030 phải thu hút, xây dựng 6.300 căn nhà ở xã hội.
Tại kỳ họp 32 ngày 19/3/2025, HĐND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất thông qua Nghị quyết số 12/2025/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

Kỳ họp thứ 32, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 70% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, được xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng công bố tại thời điểm phê duyệt dự án.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, hiện nhu cầu về nhà ở xã hội tại Quảng Ngãi rất lớn nhưng chưa có dự án nào đi vào vận hành. Ngoài ra, tỉnh chưa ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư, không đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân.
Một trong những nguyên nhân khó thu hút đầu tư các dự án nhà ở xã hội là nhà đầu tư phải đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án. Từ đó, tăng chi phí xây dựng cho dự án, dẫn đến giá bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội cao, ảnh hưởng đến phương án kinh doanh, thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân khẳng định, Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được ban hành là "cú hích" để thu hút các nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.
“Chúng ta có các khu kinh tế, khu công nghiệp với rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lâu nay vấn đề nhà ở xã hội vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Với việc thông qua Nghị quyết lần này làm cơ sở nhằm có chính sách tác động từ Nhà nước để các nhà đầu tư đầu tư các dự án nhà ở xã hội”- bà Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.
Ưu đãi “hấp dẫn” so với mặt bằng chung
Với góc độ cơ quan tham mưu ban hành Nghị quyết, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân cho rằng, mức hỗ trợ như trên là cao hơn so với các tỉnh lân cận như: Quảng Nam hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hạ tầng, nhưng không vượt quá 10 tỷ đồng/1 dự án; Bình Định hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hạ tầng, nhưng không vượt quá 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng công bố; Phú Yên hỗ trợ 30% chi phí đầu tư hạ tầng, nhưng không vượt quá 5 tỷ đồng/1 dự án.

Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Phúc Nhân.
Việc Quảng Ngãi quy định mức hỗ trợ theo tỷ lệ % là phù hợp, đảm bảo tính công bằng cho các dự án, trong khi giới hạn bằng số tiền cụ thể thì đối với dự án có quy mô diện tích lớn cũng bằng số tiền hỗ trợ của dự án có quy mô diện tích nhỏ. Ví dụ: đối với dự án 3ha, chi phí đầu tư hạ tầng 10 tỷ; dự án có quy mô 5ha, chi phí đầu tư hạ tầng 15 tỷ.
“Nếu quy định giới hạn số tiền hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng, thì dự án có quy mô 3ha được hỗ trợ 100% chi phí hạ tầng, còn đối với dự án có quy mô 5ha được hỗ trợ khoảng 67%, tức 10/15 tỷ đồng”- ông Nguyễn Phúc Nhân phân tích.
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi, việc ban hành cơ chế hỗ trợ như trên có nghĩa rất quan trọng trong việc thu hút các đầu tư để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Nhà đầu tư không phải tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng mà còn được hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Đặc biệt, chính sách này chính là hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, thông qua việc hỗ trợ cho nhà đầu tư, vì khi đó giá thành căn nhà sẽ giảm.
Trong nỗ lực hoàn thành mục tiêu 6.300 căn nhà ở xã hội của giai đoạn 2026-2030, mới đây, Quảng Ngãi tiếp tục triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Theo đó, năm 2025, tỉnh đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư để cung cấp sản phẩm nhà ở xã hội hoàn thiện, đủ điều kiện giao dịch trong các năm đến. Đồng thời, lập danh mục các dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc; đánh giá cụ thể, lý do, nguyên nhân khó khăn, vướng mắc để khẩn trương chỉ đạo giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Tiếp tục giới thiệu quỹ đất, kêu gọi đầu tư để các doanh nghiệp nghiên cứu tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các vị trí theo đồ án quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh được duyệt như: nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Tịnh Phong theo đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn; vị trí phát triển nhà ở xã hội Dốc Sỏi thuộc xã Bình Chánh; khu nhà ở xã hội Vạn Tường và thiết chế công đoàn thuộc xã Bình Hải; khu chung cư dành cho người lao động có thu nhập thấp tại xã Bình Trị...
Bố trí vốn ngân sách thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các dự án nhà ở xã hội đang thực hiện dở dang trên địa bàn tỉnh nhằm tạo quỹ đất sạch đã có hạ tầng để kêu gọi, giới thiệu các doanh nghiệp nghiên cứu tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: lễ thức độc đáo riêng có ở Quảng Ngãi
Kinhtedothi - Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ thức độc đáo riêng có ở Quảng Ngãi, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lãnh đạo Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn sáp nhập tỉnh
Kinhtedothi - Sáng 15/4, tại trụ sở Huyện ủy Kon Plông (tỉnh Kon Tum), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum để triển khai một số nội dung liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương.

"Carnival Quảng Ngãi xin chào" khuấy động Tuần lễ Du lịch
Kinhtedothi- Lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ngãi, lễ hội đường phố với chủ đề “Carnival Quảng Ngãi xin chào” diễn ra sôi động là điểm nhấn trong Tuần lễ Du lịch năm 2025 của tỉnh này.