Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư bến bãi đỗ xe Hà Nội - mở hành lang chính sách, đón nguồn vốn tư nhân

Bài 3: Đảm bảo an toàn, hiệu quả cho đồng vốn

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn kêu gọi được nguồn vốn xã hội hóa cho lĩnh vực giao thông tĩnh, Hà Nội cần đảm bảo được các điều kiện an toàn, và hiệu quả đối với mỗi suất đầu tư.

Ngược lại, TP cũng cần có những chế tài cụ thể ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của DN, đó cũng là một cách để sàng lọc, loại bỏ nhà đầu tư “ảo”.

Bài 1: “Mỏ vàng” chờ đánh thức

Bài 2: Nguồn lực bế tắc, dự án lay lắt

Dự án “sạch” mới gọi vốn

Nhiều DN cho rằng, tiềm năng phát triển của giao thông tĩnh còn vô cùng lớn, là mảnh đất màu mỡ để khai thác. Nhưng mảnh đất đó lại đang bị “rào dậu”, ngăn cách bởi cơ chế, chính sách cũng như hàng loạt vấn đề khó khăn thực tế khác.

Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng Trần Hồng Phong chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên về mảng giao thông tĩnh, rất mong muốn được đầu tư vào các dự án lớn, ổn định lâu dài của TP. Nhưng điều kiện để đầu tư còn quá nhiều khó khăn, phức tạp”.

Ông Trần Hồng Phong phân tích, một dự án bãi đỗ xe ngầm hoặc trên cao phải đầu tư hàng chục, hàng trăm, thậm chí là cả nghìn tỷ đồng. Không một DN nào khi đầu tư không phải đi vay ngân hàng, chịu lãi để kinh doanh. Nếu cho chúng tôi một dự án mà từ khâu lập, điều chỉnh quy hoạch, thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết đến GPMB đều chưa thực hiện, thì phải mất nhiều năm mới triển khai được.

“Có dự án vướng GPMB còn mất cả chục năm không xong, vậy tiền đâu DN trả lãi, cách nào thu hồi vốn. Chưa xây dựng được bãi đỗ xe, chưa thu được tiền có khi đã phá sản” - ông Trần Hồng Phong nói.

Điểm trông giữ xe nhiều tầng trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Điểm trông giữ xe nhiều tầng trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên thay đổi hẳn chính sách kêu gọi đầu tư. Quy hoạch giao thông tĩnh đã có, căn cứ vào đó, các địa phương nên GPMB, lập quy hoạch chi tiết sẵn, khi dự án đưa ra đã sạch mọi vướng mắc, DN chỉ việc đổ tiền xây dựng, vận hành khai thác.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành cho rằng, hạ tầng giao thông tĩnh là một trong những lĩnh vực khó khăn kêu gọi đầu tư nhất. Bởi lẽ, vốn đầu vào quá lớn, doanh thu lại nhỏ giọt, thời gian thu hồi và quay vòng vốn quá chậm, không hấp dẫn được DN. Bên cạnh đó, còn cả những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư vào bến, bãi đỗ xe; nay được làm, mai lại phải bỏ, khiến DN bất an, không mặn mà. Nhiều dự án làm xong không đạt được doanh thu dự kiến do có quá nhiều bãi xe lậu xung quanh cạnh tranh khốc liệt.

“Cần có cơ chế chính sách ổn định, đảm bảo an toàn và hiệu quả cho mỗi suất đầu tư. Khi hình thành một bến xe hay một bãi đỗ, phải làm sạch phạm vi xung quanh để tập trung nguồn thu cho nó, đồng thời giữ gìn trật tự đô thị” - ông Phan Trường Thành nói.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, giá trông giữ xe của Hà Nội hiện còn thấp so với nhiều đô thị lớn trên thế giới. Đơn cử tại khu vực trung tâm TP Tokyo (Nhật Bản), giá gửi xe có thể lên đến 10 USD/30 phút.

TP cần tiếp tục xem xét, điều chỉnh tăng giá, phí trông giữ phương tiện nhằm hai mục đích: Hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trong nội thành; tăng hiệu suất thu hồi vốn cho các dự án giao thông tĩnh, qua đó hấp dẫn nhà đầu tư hơn nữa.

Sàng lọc nhà đầu tư

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, năng lực tài chính một số nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu dự án trong lĩnh vực giao thông tĩnh còn hạn chế. Nhiều nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu chỉ mang tính chất định hướng giữ đất không thực sự đầu tư. Vừa qua, Sở GTVT đã kiến nghị Sở KH&ĐT rà soát các dự án chậm trễ triển khai kéo dài, tham mưu đề xuất UBND TP thu hồi.

Thực tế đó cho thấy, việc kêu gọi đầu tư cho bến, bãi, điểm trông giữ xe tại Hà Nội cần các biện pháp sàng lọc sớm song hành với cơ chế, chính sách khuyến khích.

Điểm trông giữ xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan. Ảnh: Thanh Hải
Điểm trông giữ xe cao tầng trên phố Nguyễn Công Hoan. Ảnh: Thanh Hải

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ: “Các điều kiện để tham gia đấu thầu thực hiện dự án giao thông tĩnh cần chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, cần DN chứng minh năng lực tài chính, thậm chí là yêu cầu đặt cọc cho TP. Nếu triển khai dự án không đúng như cam kết sẽ bị tịch thu tiền cọc và huỷ thầu. Như vậy mới hạn chế được tình trạng DN đấu thầu lấy đất, lấy dự án rồi mua đi bán lại, chậm trễ kéo dài”.

Bên cạnh đó, nhiều DN cũng mong muốn Hà Nội sẽ duy trì sự minh bạch, công bằng trong kêu gọi đầu tư vào giao thông tĩnh.

Ông Trần Hồng Phong bộc bạch: “Tuy rất quan tâm đến lĩnh vực đầu tư này nhưng nhiều công ty không thể tiếp cận thông tin về quy hoạch. Có dự án chỉ khi đã chốt nhà đầu tư rồi, thông tin mới phổ biến rộng rãi”. Muốn khơi thông được nguồn vốn xã hội hoá cho giao thông tĩnh phải có một hành lang thông thoáng mà qua đó, DN tiếp cận được thông tin quy hoạch, dự án, còn TP nhận định rõ được năng lực của DN.

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên lập hẳn một website, một kênh thông tin chính thống về quy hoạch giao thông tĩnh với đầy đủ dữ liệu nhằm “chào hàng” đến DN. Đó là bước đầu tiên để khởi tranh một cuộc đua công bằng, minh bạch giữa các DN, càng cạnh trành càng có lợi cho người dân và TP.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến thu hút đầu tư xã hội vào giao thông tĩnh không hiệu quả là DN thiếu niềm tin. Nhiều DN nảy sinh tâm lý, việc cạnh tranh công bằng, sòng phẳng chỉ là thứ yếu sau “quan hệ, chạy hành lang...”. Mỗi suất đầu tư đều phải kèm thêm chi phí “ngoài” khiến DN thận trọng hơn, không nắm chắc hiệu quả sẽ không tham gia đấu thầu.

“Phải hoàn toàn minh bạch, công khai, lựa chọn nhà đầu tư dựa trên năng lực, đánh tan tâm lý chộp giật, tiêu cực mới có thể sàng lọc, chọn ra được những nhà đầu tư chân chính, đủ sức thực hiện các dự án giao thông tĩnh”.

Ngoài ra, Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT, văn minh đô thị, bởi đây là một trọng những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả đầu tư bến, bãi, điểm trông giữ xe của TP.

Ví dụ khi nhìn vào khu vực xung quanh các bến xe lớn hiện nay như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, hiện tượng xe dù bến cóc, xe khách trá hình nở rộ, tranh giành hết khách của bến chính thì nhà đầu tư nào muốn bỏ tiền vào bến xe khách nữa(?). Hay như trước tình trạng kho bãi, điểm trung chuyển hàng hoá “lậu” mọc lên khắp nơi từ nội đến ngoại thành, thì nhà đầu tư nào dám chắc sẽ thu lợi được khi xây dựng bến xe tải quy mô lớn(?).

Việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội là phương cách hữu hiệu nhất nhằm nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội. Nếu không mở được một hành lang thông thoáng, minh bạch, chắc chắn cho nguồn vốn đi qua, TP sẽ còn mắc kẹt rất lâu với khó khăn hiện tại.

 

"Với các dự án sạch, TP có thể yêu cầu suất đầu tư cao hơn để bù đắp chi phí ở khâu chuẩn bị. Chắc chắn DN sẵn sàng bỏ thầu cao hơn để có được dự án “sạch” vì nó hiệu quả hơn hẳn và có thể khai thác ngay." - Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

(Còn nữa)