Tăng nguồn thu từ thuế là quan điểm của những người ủng hộ việc thí điểm cấp phép cho thuốc lá thế hệ mới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng quan điểm của WHO và Bộ Y tế và cho rằng đừng vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà mang tai họa lớn cho cả cộng đồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 28 nhóm bệnh khác nhau bao gồm nhiều nhóm bệnh nguy hiểm như ung thư (điển hình là ung thư phổi), các bệnh tim mạch, hô hấp, và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và sinh dục ở cả 2 giới.
Ở Việt Nam, mỗi năm có ít nhất là 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá, trong đó đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân chính. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trong toàn quốc nếu Việt Nam không thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu quả.
Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, chi phí kinh tế cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia, bao gồm: 16,4 nghìn tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5,9 nghìn tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85,8 nghìn tỷ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra hàng năm còn phải kể đến 49.000 tỷ đồng chi cho mua thuốc lá hút. Đây là những chi phí lớn, gây thiệt hại cho sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà trong hiện tại cũng như trong tương lai mà hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ lo ngại về tác hại của thuốc lá với giới trẻ: "Những sản phẩm này rất có hại cho sức khỏe, khiến những người trẻ tuổi làm quen với nicotine và khiến họ bị lôi cuốn, có nguy cơ nghiện lâu dài và gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của của cơ thể". Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tăng thuế thuốc lá để giúp "tiêm phòng" cho thanh niên Việt Nam khỏi tác hại của việc sử dụng thuốc lá suốt đời.
Ngoài ra, bà Angela Pratt cũng cho rằng: "Cấm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) và tăng thuế thuốc lá sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và các cam kết quốc tế đối với các mục tiêu phát triển bền vững”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế nêu số liệu điều trị, chi phí do thuốc lá mỗi năm tại Việt Nam, dự báo, đến năm 2030 tăng lên tới 70 nghìn người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Đáng chú ý, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, hô hấp trên, bệnh tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) tại Việt Nam chiếm khoảng 1% GDP, tương đương khoảng 67 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Chi phí y tế trực tiếp chiếm 15,2%, chi phí gián tiếp do bệnh tật chiếm 5,5% và chi phí gián tiếp do tử vong chiếm 79,3% tổng chi phí. Trong khi đó, tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá năm 2022 là 17.600 tỷ, chưa bằng 1/5 chi phí y tế.
Người hút thuốc lá sẽ tiêu phí một khoản tiền khá lớn để mua thuốc lá, làm ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, làm giảm các chi tiêu thiết yếu khác của hộ gia đình, đặc biệt là ở những gia đình kinh tế khó khăn. Theo thống kê, các hộ nghèo tại Việt Nam phải tiêu tốn 5% thu nhập của gia đình vào thuốc lá. Số tiền chi cho thuốc lá tương đương chi cho giáo dục, y tế, thậm chí ở các hộ nghèo, chi phí dành cho thuốc lá gấp 1,5 lần dành cho giáo dục. Nếu số tiền chi cho thuốc lá dùng mua thực phẩm thì 11,2% hộ nghèo sẽ thoát nghèo.
Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, mặc dù các sản phẩm TLĐT mới xuất hiện trên thị trường trong thời gian gần đây và các bằng chứng còn đang được tiếp tục thu thập, nhưng các bằng chứng hiện nay đã đủ cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm cho người sử dụng. Những tác hại đã được biết đến bao gồm: gây nghiện do có chứa nicotine, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.
Đặc biệt, TLĐT còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính nguy hiểm và nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường như hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sở dụng ma tuý và các chất gây nghiện khác bao gồm cả ma tuý.
Qua kết quả điều tra trong những năm qua về tình hình sử dụng TLĐT, TLNN theo các nhóm tuổi, giới tính cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT, TLNN ngày càng tăng và tăng rất nhanh chóng. Hiện nay, những giải pháp PCTH thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu vẫn đang được các bộ, ngành, các tỉnh, TP và các tổ chức nỗ lực triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời ngăn chặn việc sử dụng TLĐT, TLNN thì trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất khó kiểm soát tác hại của các sản phẩm này gây ra, mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá chắc chắn không đạt được và người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên sẽ phải gánh chịu hậu quả khôn lường về sức khỏe, kinh tế, an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường.
Bộ Y tế đề nghị không cho phép nhập khẩu, mua bán cũng như không cho phép thí điểm nhập khẩu, mua bán vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, có hại đối với sức khoẻ nên không thể thí điểm một sản phẩm gây nghiện và có nhiều nguy cơ sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế cho Việt Nam; không thể đưa sức khỏe người dân ra thực hiện việc thí điểm, nhất là khi chưa nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng và chưa hiểu rõ về sản phẩm, chủ yếu dựa vào tiêu chuẩn của các doanh nghiệp và các quốc gia khác. Sau thời gian thí điểm, việc xử lý hậu quả của việc thí điểm sẽ rất phức tạp đối với một sản phẩm gây nghiện và độc hại.
Thống kê của WHO cho thấy, hiện có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử ; 3 quốc gia chỉ cho phép bán TLĐT theo dược phẩm hoặc theo đơn thuốc được kê bởi cán bộ y tế. Cho đến nay, chưa có loại thuốc lá điện tử nào được cấp phép và bán về mặt y tế như một sản phẩm cai thuốc lá.
Với TLNN, có ít nhất 18 quốc gia cấm, trong đó, 5 nước thuộc ASEAN là Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei. Không có quốc gia nào bán TLNN dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị. 71 quốc gia quản lý TLNN (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu). Việc quản lý có sử dụng các biện pháp phòng ngừa là khác nhau.
Băn khoăn về đề xuất cấm thuốc lá mới, có ý kiến cử tri nêu: Hiện nay trên thị trường đang tràn lan rất nhiều sản phẩm độc hại như đồ ăn, đồ uống, đồ tiêu dùng…. nhưng không ban hành chính sách cấm, tại sao lại ban hành chính sách cấm với riêng sản phẩm TLĐT, TLNNT? Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng: Các sản phẩm độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người về cơ bản đều đã được pháp luật điều chỉnh. Ví dụ đối với đồ ăn, uống đã được quản lý bởi Luật An toàn thực phẩm. Việc các sản phẩm này tràn lan trên thị trường không phải do chưa có ban hành chính sách pháp luật để cấm mà do tổ chức thực hiện. Nếu vi phạm các chính sách này thì nhà nước cũng đã có các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật hình sự, hành chính tương ứng với hành vi vi phạm đó.
“Còn các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam hiện nay đều đã được cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như trật tự an toàn xã hội, bằng chứng khoa học rõ ràng nhưng lại chưa được pháp luật điều chỉnh hay quản lý. Các sản phẩm này có đặc tính hấp dẫn cao đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên, các chiêu thức quảng cáo đang tràn lan trên các kênh, mạng xã hội, dễ mua bán và sử dụng. Do đó việc ban hành các chính sách cấm là cần thiết” – Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
(còn nữa)
17:55 06/09/2024