Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thực phẩm bẩn và hàng giả hoành hành: Đi tìm những khoảng tối

Bài 3: Không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm

Kinhtedothi - Trước tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa… diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm trên phạm vi toàn quốc.

Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, hàng giả đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất nhằm xác lập một môi trường an toàn, lành mạnh trong xã hội, phục vụ công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đồng loạt tấn công vào thực phẩm bẩn, hàng giả

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, 6 tháng đầu năm, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến rất phức tạp. Các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý 50.736 vụ việc vi phạm. Trong đó, 10.862 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 36.604 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 3.270 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 6.532,6 tỷ đồng; khởi tố hình sự 1.875 vụ, 3.235 đối tượng.

Bên trong khu vực sản xuất của Lê Hạ Tuấn (dấu X), lực lượng Công an Thanh Hóa thu giữ một số lượng lớn hóa chất, thiết bị dùng để sản xuất hàng giả. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thanh Hóa

Trong tháng cao điểm từ 15/5 - 15/6/2025, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý 10.437 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 80,51% so với tháng trước đó với 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; 1.631 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách Nhà nước 1.279 tỷ đồng; khởi tố 204 vụ/378 bị can…

Nhiều vụ việc nổi cộm được phát hiện trong đợt cao điểm như: tạm giữ hơn 500 sản phẩm giả mạo thương hiệu tại trung tâm Đà Nẵng; phát hiện cơ sở sản xuất tất giả tại La Phù, Hà Nội; thu giữ hàng nghìn sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng tại Saigon Square, TP Hồ Chí Minh; phát hiện 3.500 sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc tại các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại Hà Nội… Trước đó, hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả bị phanh phui như vụ hàng tấn bột giặt, hạt nêm giả bị phát hiện tại Thanh Hóa; vụ buôn lậu thực phẩm lớn tại Bắc Giang; vụ làm nhái thương hiệu gồm đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm tại Ninh Bình; vụ Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây lớn sản xuất và phân phối hơn 100 tấn thực phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc giả…

Cuộc chiến chống hàng giả đang được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, thường xuyên, liên tục và thực hiện không khoan nhượng, không ngừng nghỉ. Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống hàng giả, thực phẩm giả vừa qua là lời hiệu triệu mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống: Không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, và không ai được đứng ngoài trong cuộc chiến này. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị, người dân, DN vào cuộc để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của DN làm ăn chân chính, bảo vệ an ninh, an toàn, phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế để chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ liên quan ngành, lĩnh vực mình, sửa đổi các luật, nghị định, thông tư liên quan; hoàn thiện bộ máy đủ mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại; phân cấp, phân quyền rõ cho mỗi ngành, mỗi cấp; đáp ứng các yêu cầu về tài chính, công nghệ để kiểm soát chất lượng hàng hóa, nghiên cứu định danh điện tử cho các loại mặt hàng.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã thống nhất đưa 6 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo, trong đó có 2 vụ liên quan đến hàng giả, thực phẩm giả. Đó là vụ án "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty ZHolding; vụ việc có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục ATTP, Bộ Y tế.

Tuyên bố của Thủ tướng “kiên quyết tuyên chiến với hàng giả… mỗi ngày đều là cao điểm” không chỉ là mệnh lệnh hành chính mà là thông điệp định hướng cho hoạt động của cả hệ thống chính trị từ T.Ư tới địa phương. Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thuốc giả, hàng hóa kém chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Một loạt biện pháp đã được chỉ đạo thực hiện, trong đó có việc thành lập các tổ công tác liên ngành tại các địa bàn trọng điểm, siết chặt hậu kiểm và tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.

Nhiều cửa hàng công khai bán hàng giả tại các tuyến phố du lịch ở Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Công Thương

Quyết liệt dọn dẹp từ bên trong

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, các vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vệ sinh ATTP được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong đó từ một số vụ việc, vụ án được điều tra khám phá cho thấy có sự tiếp tay, bao che của cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước.

Một thực tế không thể phủ nhận, nhiều vụ việc vi phạm về ATTP, sản xuất và tiêu thụ hàng giả kéo dài, lan rộng là do có sự buông lỏng - thậm chí tiếp tay từ chính một bộ phận cán bộ công quyền. Khi những “lá chắn” được dựng lên với kỳ vọng để bảo vệ sự tôn nghiêm của luật pháp, bảo vệ cuộc sống người dân lại trở nên kém hiệu quả, có nơi, có chỗ bị vô hiệu hóa do những cán bộ “tay dính chàm”, thoái hóa, biến chất, thì cuộc chiến chống hàng giả, thực phẩm bẩn sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn.

Trở lại với đường dây tiêu thụ hàng chục nghìn tấn dầu ăn Ofood cho người được phù phép từ dầu thực vật, làm thức ăn chăn nuôi được Công an tỉnh Hưng Yên khám phá, riêng trong 3 năm, doanh thu toàn hệ thống liên quan đến vụ việc này ước tính lên tới hơn 8.200 tỷ đồng. Những ngày qua, đã có không ít bài báo phân tích tác hại của việc lấy thức ăn gia súc để chế thành dầu ăn cho người. Điều kỳ lạ là, trong khi nhiều triệu người tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thì mặt hàng này được “sản xuất”, vận chuyển, bày bán công khai mà các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý cũng như chính quyền nhiều địa phương nơi có những DN trong đường dây này trú chân lại không hề hay biết. Hiện thực đó làm dư luận xã hội không thể không nghi ngờ về năng lực, phẩm chất, đạo đức của những người thực thi nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong khi loạt bài này được thực hiện, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố 18 người để điều tra về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong các bị can có 15 cán bộ, nguyên cán bộ của Bộ Y tế như nguyên Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong; nguyên Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long; Cục phó Phòng bệnh Lê Hoàng; Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn và kiểm nghiệm Nguyễn Thị Phương Lan; Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông Phạm Văn Hinh… Theo tài liệu của cơ quan điều tra, các bị can trong vụ việc đã nhận hơn 75 tỉ đồng để cấp khống hơn 10.000 giấy tiếp nhận đăng ký hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm, trong đó qua 9 năm (từ năm 2015 đến năm 2024) ông Nguyễn Thanh Phong đã nhận hơn 60 tỷ đồng.

Việc khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ nêu trên không chỉ là tiếng chuông cảnh tỉnh mà còn là hồi còi báo động trong công tác quản lý của các cơ quan công quyền, đặc biệt là Bộ Y tế. Sự lỏng lẻo, dễ dãi, thiếu kiểm tra, giám sát đã dẫn đến một bộ phận cán bộ sa ngã, biến chất, thoái hóa. Dư luận cho rằng, không chỉ những người bị khởi tố trong vụ việc mà lãnh đạo Bộ Y tế cũng phải chịu trách nhiệm khi để tồn tại những “ung nhọt” đó. Điều đáng lo ngại là, nếu vụ việc chưa bị phát hiện thì những hồ sơ công bố sản phẩm thực phẩm kia, rồi các chứng nhận, hậu kiểm của cơ quan chức năng là Cục ATTP, hàng giả, sản phẩm kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn có thể xuất hiện công khai trên thị trường, thẩm thấu vào đời sống, gây nguy hại, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe, đe dọa tính mạng của hàng triệu người tiêu dùng.

Không ai có thể phủ nhận tác động của một cơ quan như Cục ATTP đối với đời sống xã hội. Một chỉ đạo nới lỏng, một cái nhắm mắt làm ngơ, hay một cái bắt tay trong bóng tối cũng có thể khiến hàng loạt sản phẩm độc hại nghiễm nhiên lên kệ, thậm chí được quảng bá rầm rộ như “thần dược”. Và điều ấy đã thực sự xảy ra, trong một thời gian dài, khi mà các đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng hoạt động công khai dưới vỏ bọc pháp lý được “bảo kê” từ trong chính nội bộ cơ quan có trách nhiệm.

Sự tha hóa trong lĩnh vực quản lý ATTP không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật bình thường, đó là tội ác. Bởi kẻ tiếp tay cho thực phẩm độc hại đi vào cơ thể con người, không khác gì đầu độc cộng đồng một cách có tổ chức, hệ thống.

Trích dẫn
Trích dẫn 2

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, đã gỡ khoảng 500.000 tài khoản vi phạm mỗi năm, nhiều trường hợp liên quan hàng giả, họ bị cấm bán hàng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy, thị trường sẽ dần được thanh lọc khi cơ quan chức năng mạnh tay xử lý, người tiêu dùng thông thái quay lưng với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Đề cập đến vấn nạn hàng giả tràn ngập trên thị trường, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, cần nhanh chóng thay đổi phương thức quản trị xã hội hiệu quả hơn, không để các loại tội phạm này có môi trường tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, cần có các cuộc thanh lọc, phát hiện và xử lý thật nghiêm minh đối với những cán bộ thực thi pháp luật đã bao che, dung túng cho tội phạm.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống hàng giả, thực phẩm giả, đề cập tới các biện pháp để đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả trong lĩnh vực này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tới trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Người đứng đầu ở đây được hiểu là từ các bộ, ngành T.Ư, bộ máy chính quyền các cấp, cho tới từng bộ phận của các cơ quan, đơn vị.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thi hành Lệnh khám xét khẩn cấp Tổng kho Đông Hưng do Lê Tuấn Thành (áo dấu X) làm chủ chuyên sản xuất, phân phối, bán các loại sản phẩm nước giặt giả. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Thanh Hóa

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thẳng thắn nhìn nhận: “Phải xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, bao che hoặc tiếp tay cho các hành vi vi phạm”. Theo Phó Thủ tướng, nếu không làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của những người được giao trọng trách nhưng buông lỏng quản lý thì không thể dẹp được hàng giả, thực phẩm bẩn.

Từ góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: “Chống hàng giả không thể chỉ trông chờ vào các đợt cao điểm hay phong trào nhất thời. Cần siết chặt kỷ luật hành chính, minh bạch quy trình và quy trách nhiệm cụ thể trong từng khâu kiểm soát”. Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương, vì thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo quyết liệt thì tình hình được cải thiện rõ rệt, còn nơi buông lỏng thì hàng giả lộng hành.

Từ những chỉ đạo, phát biểu nêu trên, cụm từ “trách nhiệm” luôn được đề cập. Trong tiếng Việt, cụm từ “trách nhiệm” có nghĩa là nghĩa vụ, bổn phận, hoặc công việc mà một người phải làm và chịu trách nhiệm về kết quả của nó, bao gồm việc hoàn thành công việc được giao, tuân thủ quy định và sẵn sàng đối mặt với hậu quả nếu kết quả không đạt yêu cầu. Như vậy, có thể thấy “trách nhiệm” chống hàng giả, thực phẩm giả ở đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của bộ máy chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu và từng cá nhân được giao nhiệm vụ thực thi công vụ mà là trách nhiệm của từng người dân, trách nhiệm của toàn xã hội.

Nhiều chuyên gia cũng như các đại biểu Quốc hội cho rằng, không ai được phép đứng ngoài cuộc chiến này. Từ cơ quan cấp phép, lực lượng thanh tra, quản lý thị trường, công an, hải quan, đến từng chính quyền các cấp… tất cả đều phải vào cuộc với tinh thần không khoan nhượng. Khi từng bữa ăn, từng viên thuốc có thể bị “đầu độc” bởi lợi nhuận phi pháp, thì chống thực phẩm bẩn, hàng giả không đơn thuần là nhiệm vụ quản lý, đó là trách nhiệm đạo đức của xã hội.

Trong 2 tháng thực hiện, có thể thấy cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, hàng giả đã được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, cả bề rộng và chiều sâu. Không chỉ cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, mà quan trọng là mỗi người dân cũng là một thanh tra, giám sát thị trường để phát hiện những bất thường trong xã hội. PGS.TS Nguyễn Trí Dũng - chuyên gia kinh tế phân tích, thực tế nếu người mua “tiện đâu mua đó”, không truy xuất nguồn gốc, không yêu cầu hóa đơn, không phản ánh sai trái, thì dù lực lượng chức năng ra quân đến đâu, vấn nạn vẫn khó dứt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định: “Hàng giả tồn tại lâu đến vậy không chỉ vì kẽ hở pháp luật mà vì có người mua, và người mua im lặng”. Hành vi mua phải hàng giả rồi bỏ qua chính là đồng lõa thụ động, khiến cơ chế giám sát cộng đồng trở nên vô hiệu.

Vai trò của người dân, người tiêu dùng vô cùng quan trọng, chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ chọn cách hiệu triệu toàn dân trong cuộc chiến chống vi phạm thương mại. Bởi đây không còn là câu chuyện đơn lẻ về một vài vụ việc, mà đã trở thành một bài toán kinh tế - xã hội mang tính sống còn, liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng, sự phát triển bền vững của DN, và an sinh của hàng chục triệu người dân.

(Còn nữa)

Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm 'tiếp tay' cho nguyên liệu kém chất lượng như thế nào?

Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm 'tiếp tay' cho nguyên liệu kém chất lượng như thế nào?

Hà Nội với hơn 10 triệu dân: thách thức quản lý an toàn thực phẩm

Hà Nội với hơn 10 triệu dân: thách thức quản lý an toàn thực phẩm

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những lỗ hổng, “con voi” chui lọt

Bài 2: Những lỗ hổng, “con voi” chui lọt

16 Jul, 10:07 AM

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn, hàng giả không thể ngang nhiên tồn tại, lưu thông nếu cơ quan chức năng siết chặt quản lý. Những “cánh cửa” cấp phép, kiểm tra, hậu kiểm… nhiều khi đã bị vô hiệu hóa bởi một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, bị mua chuộc hoặc ngó lơ có chủ đích. Khi người dân mua phải thực phẩm bẩn, hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm chức năng (TPCN} giả, không chỉ sức khỏe bị tổn hại, tính mạng bị đe dọa, mà hơn thế, niềm tin vào thể chế, vào hệ thống quản lý Nhà nước bị tổn hại nghiêm trọng.

Thực phẩm bẩn và hàng giả hoành hành: Đi tìm những khoảng tối

Thực phẩm bẩn và hàng giả hoành hành: Đi tìm những khoảng tối

15 Jul, 10:00 AM

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn và hàng giả – những thứ đang âm thầm gặm nhấm sức khỏe người dân và phá hoại lòng tin vào kỷ cương pháp luật – đã không còn là câu chuyện của những vụ vi phạm lẻ tẻ. Trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp các vụ án lớn được phát hiện, từ đó bộc lộ kẽ hở của pháp luật và đâu đó xuất hiện bóng dáng những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay hoặc làm ngơ vì lợi ích riêng.

Tạm giữ 13 tấn chân gà ngâm hóa chất

Tạm giữ 13 tấn chân gà ngâm hóa chất

14 Jul, 03:47 PM

Kinhtedothi – Công an tỉnh Thanh Hoá vừa phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện, tạm giữ hơn 13 tấn chân gà đông lạnh được ngâm hóa chất. Số hàng này đang chuẩn bị phân phối cho các tiểu thương để bán ra thị trường.

5 lưu ý khi sử dụng mỡ lợn để trở thành "thực phẩm vàng"

5 lưu ý khi sử dụng mỡ lợn để trở thành "thực phẩm vàng"

10 Jul, 04:47 PM

(Tieudung.vn) - Theo quan niệm của Đông y, mỡ lợn có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết nhuận táo, hành thủy tán phong, giải độc. Mỡ lợn không chỉ là thực phẩm để xào, rán, nấu các món ăn hàng ngày mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Do là chất béo, loại thực phẩm này có thể trở thành con...

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ