Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thực phẩm bẩn và hàng giả hoành hành: Đi tìm những khoảng tối

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn và hàng giả – những thứ đang âm thầm gặm nhấm sức khỏe người dân và phá hoại lòng tin vào kỷ cương pháp luật – đã không còn là câu chuyện của những vụ vi phạm lẻ tẻ. Trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp các vụ án lớn được phát hiện, từ đó bộc lộ kẽ hở của pháp luật và đâu đó xuất hiện bóng dáng những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay hoặc làm ngơ vì lợi ích riêng.

Nhận diện đúng bản chất của vấn đề, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn, hàng giả - không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể: những chiến dịch truy quét đồng bộ, những chỉ đạo quyết liệt từ T.Ư và đặc biệt là việc xử lý không vùng cấm đối với cán bộ vi phạm, bất kể chức vụ, địa phương nào.

Loạt bài viết của Báo Kinh tế & Đô thị sẽ đi sâu phân tích một số vấn đề của thực trạng trên, làm rõ trách nhiệm liên quan, đồng thời ghi nhận các nỗ lực tái lập kỷ cương và khôi phục niềm tin của Nhân dân đối với các cấp chính quyền.

Bài 1: Cuộc sống hàng ngày đang bị đầu độc

Không ồn ào như một vụ nổ, cũng không dễ thấy như một vết thương, thực phẩm bẩn và hàng giả âm thầm đầu độc người dân từng ngày, qua từng bữa ăn, từng viên thuốc. Đó không chỉ là sự thâm nhập lén lút của những sản phẩm không bảo đảm chất lượng, mà là cuộc xâm nhập có tổ chức, có mạng lưới phân phối tinh vi, có cả những “lá chắn” tiếp tay. Khi lợi nhuận phi pháp ngang nhiên tồn tại gắn với sự buông lỏng trong công tác quản lý đã khiến người dân trở thành nạn nhân bất đắc dĩ, và xã hội phải trả giá bằng sức khỏe, lòng tin và cả đạo đức công vụ.

Những “sát thủ” thầm lặng

Một đường dây giết mổ và tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh quy mô lớn vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội triệt phá thêm một lần khiến dư luận bàng hoàng bởi thị trường thực phẩm hiện nay sạch - bẩn khó kiểm soát. Thử hỏi, một lượng lớn thịt lợn bệnh có thể dễ dàng được giết mổ, vận chuyển, phân phối và bày bán trên thị trường mà không bị phát hiện, thì hàng loạt khâu giám sát – từ thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, và vai trò của chính quyền cơ sở ở đâu? Lỗi không chỉ ở những kẻ trực tiếp vi phạm, mà còn ở sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ của cả hệ thống quản lý.

Tổ công tác liên ngành Hà Nội phát hiện 62 thùng hàng (socola, táo đỏ) không rõ nguồn gốc xuất xứ tại số 156 xã An Khánh (La Phù trước đây) Hà Nội. Ảnh: Công an Hà Nội

Trước đó, liên tiếp vụ thực phẩm bẩn, hàng giả bị phanh phui, bóc trần cả đường dây, ê kíp vận hành trơn tru, trót lọt, qua mặt bao nhiêu tầng nấc quản lý để đến tay người tiêu dùng. Có thể thấy, vụ án nổi tiếng kẹo rau củ Kera như một chiến dịch mở màn cho cuộc tổng tiến công truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi liên tiếp sau đó, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sữa giả, thuốc giảm đau chứa chất cấm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), hàng nghìn tấn rau quả, giá đỗ “ngậm” hóa chất (Nghệ An), thịt lợn bệnh, dầu ăn, mì chính giả với quy mô lớn (Phú Thọ)… dẫn đến sự lo lắng thường trực từ mâm cơm đến tủ thuốc của từng hộ gia đình.

Dư dư luận vô cùng bức xúc khi hàng triệu người dân là nạn nhân phải gánh chịu hậu quả từ những sản phẩm giả, không bảo đảm chất lượng trong suốt một thời gian dài; đặc biệt trong đó là những bệnh nhân tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai… Sự phẫn nộ ấy được đẩy lên đỉnh điểm, cao trào khi sự thật phơi bày làm lộ tẩy cả những gương mặt nghệ sĩ, trí thức, MC nổi tiếng… tiếp tay cho kẻ xấu, quảng cáo nhiều sản phẩm giả.

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, số vụ ngộ độc và số người mắc có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể của các công ty, trường học. Năm 2024, cả nước ghi nhận 135 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.936 người mắc và đáng tiếc là có 24 trường hợp tử vong.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Trong dự thảo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, Bộ Y tế đề xuất các quy định tăng cường hậu kiểm, trong đó sẽ hậu kiểm cả thực phẩm sức khỏe bán trên sàn thương mại điện tử.

Chỉ tính riêng khoảng thời gian từ cuối năm 2024 đến tháng 6/2025, cả nước ghi nhận hàng loạt vụ ngộ độc khiến hàng trăm người nhập viện như vụ xảy ra tại một trung tâm ở Long Biên, Hà Nội (20 ca, có 2 ca tử vong); bếp ăn tập thể của Công ty Premium Fashion tại Nghệ An (hơn 40 ca); bếp ăn tập thể tại một số trường học ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp ghi nhận gần 100 học sinh mắc… là minh chứng rõ ràng nhất. Đó là những vụ ngộ độc cấp tính, có thể có triệu chứng rõ ràng. Còn hàng triệu người dân đang phải dùng thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa hóa chất, sẽ là những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe khi hậu quả lơ lửng phía trước là căn bệnh ung thư quái ác…

Thực trạng trên cho thấy, đây không chỉ là các vi phạm lẻ tẻ, mà là những vụ việc có quy mô, tổ chức với tính chất phức tạp, hoạt động tinh vi, gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng. Điều này cũng phản ánh một thực trạng đáng báo động về sự buông lỏng trong công tác quản lý.

Hành trình điều trị của người bệnh thành “canh bạc”

Trong nỗ lực cải thiện sức khỏe sinh lý, và mong tìm kiếm chút hy vọng cho căn bệnh của mình, không ít người đã vô tình biến hành trình tìm kiếm giải pháp thành một "canh bạc" đầy rủi ro. Bi kịch bất ngờ ập đến khi nạn nhân đặt niềm tin vào những loại TPCN giả, kém chất lượng, được quảng cáo thổi phồng công dụng như "thuốc chữa bệnh"; “bổ thận tráng dương” hay “tăng cơ siêu tốc” giảm béo, không hề có sự kiểm chứng khoa học hay y tế… Đáng nói, bệnh tình không những không thuyên giảm, còn nặng thêm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

TS Nghiêm Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm. Ảnh: BVCC

Câu chuyện về một người đàn ông tên H (32 tuổi, Hà Nội) là nhân viên văn phòng, yêu thích gym và thường xuyên sử dụng TPCN "bổ thận tráng dương, tăng cơ" được quảng cáo trên mạng, không rõ nguồn gốc trong thời gian dài gợi lại cho nhiều người thấy hình ảnh của mình trong đó. H từng là nạn nhân của những sản phẩm gọi là “thần dược”.

Sau gần một năm sử dụng, cơ thể anh xuất hiện những triệu chứng bất thường, thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu ngày càng ít và màu sẫm. Qua kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho thấy, chức năng thận đã suy giảm nặng. Anh H vô cùng “sốc” khi bác sĩ kết luận anh bị suy thận mạn, nhiều khả năng âm thầm tiến triển từ lâu. Anh H cảm thấy tuyệt vọng khi phải đối mặt với nỗi lo sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là sức khỏe sinh sản.

“Việc sử dụng TPCN không rõ thành phần là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây hại thận. Những tổn thương này diễn ra âm thầm, đến khi có triệu chứng rõ ràng thì chức năng thận đã suy giảm nặng, khó hồi phục”, bác sĩ Dương Minh Tuấn, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo.

Hay trường hợp một nữ bệnh nhân (27 tuổi, Thanh Hóa) phải gánh hậu quả đáng tiếc, tổn thương não vì “trót” uống trà giảm cân không rõ nguồn gốc trong thời gian dài. Một loại chất cấm sibutramine đã được phát hiện trong sản phẩm này. Loại TPCN giảm cân bệnh nhân sử dụng có tên là "Cốt bí xanh Detox vip X7", dạng bột, hòa tan trong nước, uống như trà và được quảng cáo là hỗ trợ giảm béo tiêu mỡ.

Sau 3 tuần điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân này vẫn trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy thận phải lọc máu, hai mắt gần như mất thị lực hoàn toàn. Kết quả xét nghiệm mẫu phát hiện chất sibutramine - một chất từng được sử dụng trong thuốc giảm béo đường uống với cơ chế gây chán ăn. Tuy nhiên, từ năm 2010, hoạt chất này đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, do có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, sibutramine từng được sử dụng như thuốc điều trị béo phì. Sau nhiều trường hợp ngộ độc và tử vong do dùng thuốc giảm cân chứa hoạt chất này, nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam đã cấm lưu hành. Các chất này gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gan, thận, thậm chí có nguy cơ ung thư nếu sử dụng lâu dài.

Việc sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây hại thận. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị bệnh thận tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Nguyễn Hà

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn câu chuyện xảy ra là lời cảnh tỉnh đắt giá về hiểm họa của TPCN được quảng cáo sai sự thật, không rõ nguồn gốc, hoặc chứa các chất cấm. Việc tin vào những lời hứa hẹn "thần tốc" và tự ý sử dụng các sản phẩm này có thể gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chức năng sinh lý, thậm chí đe dọa tính mạng và hủy hoại tương lai.

“Thiên đường” cho hàng giả, hàng nhái lộng hành

Có thể thấy, thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, buôn lậu đang diễn biến phức tạp, bất chấp sự nỗ lực của các cơ quan chức năng.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV TP Hồ Chí Minh cho rằng, chống hàng giả, gian lận thương mại là yêu cầu sống còn của nền kinh tế. “Thực tế cho thấy, chúng ta đã làm nhưng chưa đủ mạnh, chưa triệt để. Các đợt rà soát gần đây ở địa phương đã phát hiện nhiều vi phạm, cho thấy vấn đề rất nghiêm trọng"- đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nêu rõ.

Tuy nhiên, theo bà, hiện mới thấy "chống" mà chưa thấy "xây". Việc hàng giả, hàng nhái tồn tại là do người tiêu dùng quan tâm đến uy tín thương hiệu, nên nhiều cơ sở đã mượn danh khoác lên mình thương hiệu nổi tiếng của người khác để dễ bán hàng. Điều mà nhiều người trăn trở là, hiện nay, mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử đã trở thành "thiên đường" cho hàng giả, hàng nhái lộng hành. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi qua mặt người dùng và hệ thống kiểm soát. Chúng lập ra hàng loạt các tài khoản ảo, fanpage với tên gọi, hình ảnh giả mạo hoặc gần giống với các thương hiệu uy tín.

Thực tế cũng ghi nhận, hàng giả được các đối tượng dùng chiêu trò “chạy quảng cáo xuyên tạc”, quảng cáo rầm rộ với những lời lẽ "có cánh" như "hàng chính hãng giá rẻ", "sale sập sàn", "thanh lý kho", "hàng xách tay số lượng có hạn" nhằm đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Nhiều đối tượng tổ chức livestream (bán hàng trực tiếp) để chào bán hàng giả. Không chỉ dừng lại ở việc tạo tài khoản ảo, các đối tượng còn có những thủ đoạn ngụy trang và PR vô cùng tinh vi.

Ngoài ra, chúng thâm nhập vào các hội nhóm, diễn đàn về sản phẩm, sức khỏe, làm đẹp để PR, "gài gắm" thông tin về sản phẩm giả, tạo cảm giác đây là lời khuyên từ những người có kinh nghiệm.

Công an Hà Nội bắt giữ 2 đối tượng sản xuất cồn y tế giả. Ảnh: Công an Hà Nội

Có thể thấy rõ, các nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hàng giả hoành hành, phần lớn do việc thiếu kiểm soát chặt chẽ. Các biện pháp xử lý vi phạm đôi khi chưa đủ mạnh tay, chưa đủ sức răn đe. Việc để hàng giả tồn tại, gây thiệt hại còn nhiều tranh cãi, chưa có khung pháp lý đủ mạnh.

Soi chiếu từ các vụ án về hàng giả cho thấy, người nổi tiếng (KOLs, KOCs) có sức ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng của cộng đồng. Đây chính là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng triệt để. Nhiều KOLs, KOCs nhận lời quảng cáo cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm định chất lượng rõ ràng, chỉ dựa trên mức độ hấp dẫn của thù lao nhận lại. Không ai mong muốn người nổi tiếng rơi vào vòng lao lý, càng không mong hàng triệu người tiêu dùng trở thành nạn nhân của niềm tin sai lệch. Nhưng đã đến lúc, chúng ta phải tỉnh táo, lên án một số KOLs, KOCs thiếu trách nhiệm với người hâm mộ, dễ dãi quảng bá sản phẩm giả, kém chất lượng gây hậu quả trực tiếp cho người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của công chúng vào những người có ảnh hưởng.

Trích dẫn
Trích dẫn 2
Chúng tôi đã có kiến nghị tăng mức phạt tù, nâng mức xử phạt tiền trong lĩnh vực này để bảo đảm tính răn đe. Đồng thời, chúng ta cũng phải nhận thức rõ, việc phòng chống thuốc, thực phẩm giả không chỉ là trách nhiệm của Bộ Y tế mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ T.Ư đến địa phương.
Trung tá Vũ Thanh Tùng , Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an

(Còn nữa)

Hương Việt Sinh đi đầu bảo đảm an toàn thực phẩm trường học

Hương Việt Sinh đi đầu bảo đảm an toàn thực phẩm trường học

Hà Nội với hơn 10 triệu dân: thách thức quản lý an toàn thực phẩm

Hà Nội với hơn 10 triệu dân: thách thức quản lý an toàn thực phẩm

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những lỗ hổng, “con voi” chui lọt

Bài 2: Những lỗ hổng, “con voi” chui lọt

16 Jul, 10:07 AM

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn, hàng giả không thể ngang nhiên tồn tại, lưu thông nếu cơ quan chức năng siết chặt quản lý. Những “cánh cửa” cấp phép, kiểm tra, hậu kiểm… nhiều khi đã bị vô hiệu hóa bởi một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, bị mua chuộc hoặc ngó lơ có chủ đích. Khi người dân mua phải thực phẩm bẩn, hàng giả, đặc biệt là thuốc giả, thực phẩm chức năng (TPCN} giả, không chỉ sức khỏe bị tổn hại, tính mạng bị đe dọa, mà hơn thế, niềm tin vào thể chế, vào hệ thống quản lý Nhà nước bị tổn hại nghiêm trọng.

Tạm giữ 13 tấn chân gà ngâm hóa chất

Tạm giữ 13 tấn chân gà ngâm hóa chất

14 Jul, 03:47 PM

Kinhtedothi – Công an tỉnh Thanh Hoá vừa phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện, tạm giữ hơn 13 tấn chân gà đông lạnh được ngâm hóa chất. Số hàng này đang chuẩn bị phân phối cho các tiểu thương để bán ra thị trường.

5 lưu ý khi sử dụng mỡ lợn để trở thành "thực phẩm vàng"

5 lưu ý khi sử dụng mỡ lợn để trở thành "thực phẩm vàng"

10 Jul, 04:47 PM

(Tieudung.vn) - Theo quan niệm của Đông y, mỡ lợn có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết nhuận táo, hành thủy tán phong, giải độc. Mỡ lợn không chỉ là thực phẩm để xào, rán, nấu các món ăn hàng ngày mà còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Do là chất béo, loại thực phẩm này có thể trở thành con...

5 dấu hiệu chứng tỏ thịt lợn bị hỏng, nhiễm khuẩn

5 dấu hiệu chứng tỏ thịt lợn bị hỏng, nhiễm khuẩn

17 Jun, 06:47 AM

Kinhtedothi - Thịt lợn là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng khi lựa chọn, người tiêu dùng có thể gặp rủi ro sức khỏe nghiêm trọng do sử dụng thịt nhiễm khuẩn, ôi thiu. 

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ