Trở về sau chuyến công tác dài thăm quần đảo Trường Sa, hình ảnh khiến tôi đến giờ vẫn nhớ mãi đó là nụ cười của những “thiên thần nhỏ” nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Dẫu biết cuộc sống nơi đảo xa còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các em nhỏ ở đây lớn lên yên bình như những mầm xanh của bàng vuông hay cây phong ba mỗi ngày vẫn bám sâu trong cát, nắng và gió để giữ đảo.
Giữa biển khơi đầy nắng và gió, tiếng trẻ con ê a đọc bài trong một ngôi trường khang trang khiến nhiều người ngỡ như đang thăm một lớp học "đạt chuẩn" ngay giữa một đô thị sầm uất trong đất liền.
Dẫu còn nhiều khó khăn so với đất liền, nhưng trường học ở các đảo giữa muôn trùng nắng, gió ấy vẫn luôn là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ và chắp cánh ước mơ cho những “mầm xanh tương lai” của đất nước theo cha mẹ bám biển. Hằng ngày, tiếng trống trường vẫn rộn rã vang lên cùng tiếng trẻ thơ học bài và nô đùa át tiếng sóng biển ngoài khơi đang vỗ vào bờ.
Qua thăm các đảo ở Trường Sa, hình ảnh những cô bé, cậu bé hàng ngày đến trường vui đùa dưới tán cây bàng vuông càng cho thấy sức sống mãnh liệt của mảnh đất ở khơi xa Tổ quốc. Tôi còn nhớ, hôm đến thăm đảo Đá Tây A, Song Tử Tây, Sinh Tồn hay qua thị trấn Trường Sa, cứ thấy chúng tôi bước đến nơi là bọn trẻ đang vui đùa đều đứng dậy khoanh tay đồng thanh: “Chúng cháu chào các cô chú ạ!” rồi các em cùng với bố mẹ của mình đưa mọi người đi tham quan đảo. Suốt quãng đường ấy, cô bé, cậu bé nào cũng háo hức giới thiệu về từng ngôi nhà, loại cây hay kể chuyện đi học, vui chơi cùng các chú bộ đội trên đảo như đang kể với người thân trong gia đình lâu ngày mới gặp.
Tại mỗi đảo chúng tôi được đến trong hành trình đến thăm Trường Sa đều có trường học dành cho các em. Trong mỗi lớp học, học sinh được học ghép với đủ lứa tuổi từ mẫu giáo đến lớp 5 và mỗi đảo có từ 1 - 2 thầy giáo phụ trách dạy học. Dù xa đất liền, đời sống trên các đảo còn khó khăn nhưng điều kiện học tập của học sinh nơi đây vẫn được đáp ứng đầy đủ.
Với tình yêu nghề, yêu trẻ và tinh thần trách nhiệm, những thầy giáo ở các đảo đã thầm lặng cống hiến tâm sức của mình cho sự nghiệp “trồng người”. Như ở trường Tiểu học xã Song Tử Tây, với không gian rộng rãi, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang giữa sắc xanh của những cây phong ba, bàng vuông có đầy đủ phòng chức năng như lớp học, thư viện, phòng nghỉ giáo viên. Tuy nhiên, không giống như những trường học khác ở đất liền, ngôi trường này chỉ có một lớp học "đặc biệt" vì số lượng học sinh không đông nhưng lại học ở nhiều trình độ khác nhau, từ mẫu giáo đến lớp 5.
Thầy Lê Thanh Chiến - giáo viên trường Tiểu học xã Song Tử Tây chia sẻ, các học sinh ở đây rất ngoan, lễ phép và chăm chỉ học tập. Những gì trong đất liền có, ở đây các thầy đều cố gắng mang đến cho các em. Nếu không có hiện vật thì thay bằng hình mẫu hoặc tranh ảnh để truyền dạy cho các em dễ hiểu bài.
Theo chia sẻ của thầy Chiến, do trường chỉ có hai giáo viên, nên các thầy ở đây chia thành lớp ghép để dạy. Cũng bởi đặc thù “nhiều lớp trong một lớp”, nên để giúp học sinh tiếp thu được kiến thức, các thầy cũng phải chia tiết và phân bổ thời gian dạy phù hợp với yêu cầu của từng môn học.
Tới tham dự một giờ học cùng thầy trò trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn mới thấy việc "gieo con chữ" nơi đảo xa không hề đơn giản. Sau khi mở đầu buổi học bằng những bài hát về biển, đảo quê hương, thầy Phan Quang Tuấn bắt đầu hướng dẫn nội dung bài học cho học sinh. Hết giảng Toán cho bạn này rồi lại quay sang dạy bạn khác làm Tiếng Việt hay hướng dẫn bạn nhỏ hơn cách tô màu…
Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, thầy Phan Quang Tuấn chia sẻ, thầy đã có gần 1 năm dạy học ở đảo Sinh Tồn. Ngoài đảo chủ yếu các thầy sẽ dạy lớp ghép và trên đảo Sinh Tồn hiện nay mỗi thầy phụ trách dạy 2 lớp. Để giúp học sinh ở đây tiếp thu kiến thức nhanh, sau mỗi giờ dạy giáo viên sẽ tự rút ra kinh nghiệm trong cách truyền đạt và kết hợp trao đổi với phụ huynh để tìm ra phương pháp dạy phù hợp nhất với các em.
Bên cạnh đó, do đặc thù ngoài đảo nên điều kiện học của học sinh ở đây sẽ không được bằng trong đất liền. Tuy nhiên hiện nay, các em đến tuổi đều được đi học theo quy định. Hằng ngày, các em được cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân, thầy giáo trên đảo chăm sóc, dạy bảo và dành nhiều tình cảm yêu mến. Trong năm, hàng chục đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo cũng đều dành tình cảm, tặng những phần quà ý nghĩa cho học sinh. Hầu hết học sinh khi học xong chương trình tiểu học ở đảo đều được đưa về đất liền để tiếp tục học chương trình cấp hai.
Tạm biệt những lớp học "đặc biệt" cùng những thầy giáo đầy tâm huyết ở Trường Sa, tôi vẫn nghe văng vẳng những vần thơ mộc mạc trong bài "Quê em ở Trường Sa" do các em học sinh ở đảo đọc tặng khi chia tay đoàn công tác: "Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm, đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển...".
Nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc, sự hiện diện của các em chính là điều kỳ diệu rút gần mọi khoảng cách giữa đảo xa với đất liền. Thế giới của các em là những nụ cười trong trẻo, là những vòng xe đạp vui vẻ khiến đảo bốn bề tiếng sóng quá đỗi bình yên. Đặc biệt, tình cảm quyến luyến của các em đối với đoàn công tác đến thăm đảo là món quà mà bất cứ ai cũng trân quý mang theo khi trở về.
Không nơi nào trên đất nước ta có nhiều nắng, gió và bão như các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cát trắng, san hô, muốn mặn cùng gió, bão quanh năm tưởng như khiến các loài cây không thể mọc, lớn lên được. Thế nhưng, dưới bàn tay cần cù của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người dân, những mầm xanh ở Trường Sa vẫn vươn lên mỗi ngày. Những hòn đảo đã xanh hơn nhờ cây phong ba, bão táp, bàng vuông.
Có đến Trường Sa, chứng kiến cái khắc nghiệt của thời tiết, sự nghèo nàn dinh dưỡng của đất cằn, biển mặn mới thấy hết sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của người lính ở đảo trong việc tăng gia rau xanh, cải thiện bữa ăn hằng ngày cho bộ đội. Ở mỗi mầm, mỗi cọng rau đều chứa đựng bao tâm huyết, mồ hôi, công sức, sự nhọc nhằn của người lính nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc.
Đến đảo chìm Núi Le B hay qua đảo nổi Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A luôn thấy màu xanh tươi tốt của rau muống, mồng tơi, bí xanh… hiện hữu. Trong vườn, những giàn bầu, bí trĩu quả và luống rau mồng tơi, muống, cải các loại đang phát triển tươi tốt. Hình ảnh đó không chỉ gợi lên sức sống mạnh mẽ giữa muôn trùng biển khơi sóng gió mà còn là biểu tượng của ý trí, nỗ lực vượt khó của cán bộ, chiến sĩ nơi đây.
Rau xanh trên đảo rất quý bởi việc chăm sóc vô cùng khó khăn, đặc biệt là các đảo chìm. Từng nắm đất đều phải mang từ đất liền ra và tất cả các vật dụng hỏng đều được các chiến sĩ tận dụng để trồng rau. Ngoài ra, hệ thống giàn treo cũng được áp dụng để tối ưu hóa không gian trồng các loại giống cây leo như: mồng tơi, mướp, dưa chuột. Đặc biệt, xung quanh vườn rau luôn được rào bằng các tấm tôn, lưới để ngăn gió, hơi mặn từ biển thổi vào, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của điều kiện thời tiết đến sự phát triển của rau trên đảo.
Là người có kinh nghiệm và hiểu tường tận những giá trị, công sức khi trồng được những luống rau trên đảo, Trung úy Tạ Hồng Phú – đang công tác trên đảo Sinh Tồn cho biết, rau xanh là một thứ rất quý giá đối với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo. Bởi điều kiện ở đảo rất khó khăn, nguồn nước ngọt thiếu thốn nên các cán bộ, chiến sĩ phải tiết kiệm nước sinh hoạt để tưới cho rau.
Đối với các giống rau được gửi từ trong đất liền hoặc từ những đoàn công tác ra thăm Trường Sa gửi tặng. Rau trồng trên đảo đều là những loại phù hợp với thổ nhưỡng khắc nghiệt ở đây. Ngoài ra, để chắn gió, nước biển thổi vào, rau ở đây được trồng trong những nhà vườn, có hệ thống rào chắn, mái che nên rau phát triển rất tốt. Nhờ đó, lượng rau hiện nay đã cơ bản đảm bảo được cho đời sống của các cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên đảo Sinh Tồn. Ngoài ra, còn có nguồn rau xanh từ đất liền gửi ra.
Đang chăm sóc vườn rau trên đảo chìm Núi Le B, chiến sĩ Đỗ Ngọc Lâm cho biết, khi ở trong bờ cứ nghĩ ở ngoài đảo không có rau để ăn, nhưng khi ra đến đảo thấy ngạc nhiên vì có nhiều rau xanh. Trong thời gian ở đảo bản thân đã luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm, góp sức cùng các đồng đội để làm cho vườn rau càng thêm xanh. “Là đảo chìm nên diện tích trồng rau không nhiều do vậy lượng rau trồng được sẽ được sử dụng luân phiên và tiết kiệm để đủ đảm bảo khẩu phần rau xanh trong các bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo” - chiến sĩ Đỗ Ngọc Lâm chia sẻ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để đảm bảo nguồn nước ngọt tưới rau, trên các đảo đã xây dựng bể chứa hay lắp đặt các bồn chứa nước lớn kết hợp tận dụng nước sinh hoạt hàng ngày và các bể để dùng chứa nước mưa tận dụng tưới cho cây vào mùa khô. Ngoài ra để có được những vườn rau xanh tốt các cán bộ, chiến sĩ ở đây cũng tính toán trồng rau theo mùa vụ hay có cách làm sáng tạo để hạn chế các loại côn trùng gây hại.
Tự nghiên cứu trồng trong chậu composite đến phân bón, chế phẩm sinh học và hệ thống tưới tiêu cho nên ở các điểm đảo hiện nay cơ bản đã đáp ứng được việc tăng gia của bộ đội. Việc trồng rau trên đảo tuy vất vả nhưng đã trở thành niềm vui sau giờ huấn luyện hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ.
Màu xanh tươi mát của những luống rau vẫn vươn lên mỗi ngày giữa Trường Sa đầy nắng, gió đã góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Qua đó, tăng cường sức khoẻ cho các chiến sĩ vững chắc tay súng để bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
(Còn nữa…)
05:25 01/06/2024