Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài 3: Nâng tầm vóc, vị thế của di sản Mo Mường

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Đứng trước nguy cơ bị mai một, năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng chỉ đạo cần xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Mo Mường là biện pháp phù hợp, đúng đắn, vừa góp phần khẳng định giá trị của di sản, để Mo Mường mãi là "viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.

Nỗ lực xây dựng hồ sơ vinh danh

Có 7 tỉnh cùng cam kết tham gia xây dựng hồ sơ di sản Mo Mường gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa. Đắc Lắc, Hà Nội. Trong đó, tỉnh Hòa Bình là đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính; các địa phương khác phối hợp cùng tỉnh thực hiện công tác kiểm kê, điền dã, đánh giá thực trạng của di sản, từ đó đề ra phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả, phù hợp với thực tế. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, TP liên quan ban hành các văn bản chỉ đạo về việc xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia DSVH Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Thầy Mo thực hành nghi lễ. 
Thầy Mo thực hành nghi lễ. 

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Niềm, Trưởng Ban xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường cho biết: Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ UBND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp 6 tỉnh, TP, gồm: Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa cùng Bộ VHTT&DL thống nhất xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Đến nay, đã hoàn thành việc điền dã, khảo sát về Di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ và TP Hà Nội; hoàn thành việc sưu tầm, thu thanh, ghi hình Di sản Mo Mường tại tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình; hoàn thành bóc, dịch tư liệu đã sưu tầm, ghi âm, ghi hình; thời lượng tư liệu... Sở VHTT&DL tỉnh Hoà Bình cũng đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn và các nghệ nhân Mo Mường dịch thuật ngữ nghĩa phim tài liệu từ ngôn ngữ tiếng Mường trong Mo Mường ra tiếng Việt trên nền tảng bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình đã được UBND tỉnh phê duyệt, phục vụ việc xây dựng hồ sơ Mo Mường.

Tuy nhiên, do di sản Mo Mường có đặc thù khác biệt, nên quá trình điền dã, khảo sát gặp không ít khó khăn. Theo Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Phạm Minh Hương, đối tượng di sản của hồ sơ Mo Mường đệ trình UNESCO là Mo trong nghi lễ tang ma, đòi hỏi phải tập trung đông người; bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ lại trải dài trên địa bàn 7 tỉnh, TP nên mất khá nhiều thời gian. Đoàn khảo sát luôn ở trong tình trạng bị động khi phải đợi có người mất mới có thể ghi hình theo các yêu cầu chặt chẽ của hồ sơ khoa học. Di sản Mo Mường là loại hình hoàn toàn khác biệt so với các di sản trước đây mà Viện Âm nhạc từng thực hiện như hát Then, Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử, hát Xoan.

Mặt khác, do việc xây dựng hồ sơ mo Mường mang tính tâm linh nên không được phép dàn dựng, cắt ghép mà phải được ghi hình chính xác tại các đám tang. Vì vậy, đoàn khảo sát, điền dã phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa và thầy Mo ở các địa phương trong việc thuyết phục các gia đình có người sắp mất để họ cho phép đoàn công tác tác nghiệp trong khi gia đình có việc.

Về tiến độ xây dựng hồ sơ, một số địa phương ban đầu còn lúng túng trong công tác xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện, nhưng đến nay, nhờ sự đồng thuận của cộng đồng, nghệ nhân và cơ quan quản lý Nhà nước ở các địa phương nên vẫn đáp ứng được yêu cầu. Sau khi hoàn thành việc khảo sát hiện trạng di sản Mo Mường, xây dựng nội dung, thu thanh, quay phim, các cơ quan đang triển khai các bước tiếp theo trên tinh thần bảo đảm tính khoa học, chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu và tiêu chí đặt ra.

Quảng bá di sản

Đầu năm 2023, Bộ VHTT&DL có quyết định ghi danh tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai thuộc TP Hà Nội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tại Hà Nội, tập quán được thực hiện tại nhiều xã có người Mường sinh sống thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, với các tên gọi khác nhau, như: bài cúng ma-cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì; tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất…

Trong những năm vừa qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc Mường, như: “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2015-2020”; Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số với chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020. Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đối với di sản văn hoá phi vật thể Mo Mường chủ yếu được bảo vệ và phát huy bởi nghệ nhân và cộng đồng dân tộc Mường.

Không gian thực hành di sản Mo Mường.
Không gian thực hành di sản Mo Mường.

Để góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, theo Trưởng Phòng Di sản – Sở VH&TT Hà Nội Phạm Thị Lan Anh cần nghiên cứu, tư liệu hóa các roóng mo theo trí nhớ của cộng đồng; Khuyến khích mỗi cộng đồng người Mường đào tạo các thế hệ kế cận thực hành di sản Mo Mường; Tôn vinh, khen thưởng cho các nghệ nhân thực hành Mo Mường, việc này nhằm động viên, khuyến khích các nghệ nhân đã nỗ lực giữ gìn và bảo vệ di sản; Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng người thực hành Mo Mường trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Mo Mường trong đời sống hiện đại trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật và việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi và tang ma; Tổ chức các buổi cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, với cộng đồng, nhằm tăng cường sự gắn kết cộng đồng bảo vệ di sản; nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản và các biện pháp bảo vệ di sản; Tổ chức các buổi cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, với cộng đồng, nhằm tăng cường sự gắn kết cộng đồng bảo vệ di sản; nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản và các biện pháp bảo vệ di sản.

Còn theo Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hoà Bình Bùi Thị Niềm: "Đến nay, Mo Mường đã được xác định là DSVH phi vật thể "đang sống” và là biểu đạt "sống” do tổ tiên, ông cha truyền lại. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường cho ta ý thức về bản sắc, là sự kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai”. Tỉnh đang chỉ đạo triển khai những giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Mo Mường. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị DSVH Mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo”. Tập trung thực hiện Kế hoạch số 220/KH-UBND, ngày 25/11/2021 của UBND tỉnh về phối hợp xây dựng bộ hồ sơ khoa học quốc gia về DSVH Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Phạm Minh Hương cho biết: “Nếu được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Mo Mường sẽ có nhiều cơ hội để được phục hồi, gìn giữ, tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mình, bởi khi đó cộng đồng sẽ có nhận thức đúng đắn, khoa học về di sản văn hóa của cha ông, họ sẽ tự động tham gia vào quá trình bảo tồn di sản Mo Mường. Mặt khác, trong hồ sơ đề cử, bản thân Quốc gia thành viên Việt Nam phải cam kết thực hiện đầy đủ, trọn vẹn kế hoạch bảo vệ di sản đã xây dựng trong hồ sơ đệ trình. Nhờ đó, di sản Mo Mường sẽ được bảo vệ một cách có hệ thống, đồng bộ từ trung ương đến địa phương, mang tính dài hơi, bền vững. Cơ hội "sống" của di sản sẽ được đảm bảo hơn. Hiện nay Hồ sơ quốc gia về Mo Mường đang trong quá trình hoàn thiện. Thời gian hoàn thành hồ sơ là trong năm 2023 để kịp đệ trình lên UNESCO vào tháng 3/2024”.

Về lâu dài, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH nói chung và di sản Mo Mường nói riêng hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng và các cấp chính quyền cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản một cách khoa học hơn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về giá trị của di sản, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ DSVH phi vật thể quốc gia Mo Mường.