Công nghệ và sự chuyển mình của báo chí
Kinhtedothi - Trong dòng chảy của cách mạng 4.0, không ai có thể đứng ngoài làn sóng công nghệ. Với báo chí - lĩnh vực luôn ở tuyến đầu của thông tin thì sự thay đổi đang đến không chỉ từ cách làm, mà còn từ cách người đọc đón nhận, phản ứng và thậm chí tham gia trực tiếp vào quá trình làm ra tin tức.
Từ toà soạn truyền thống đến tòa soạn thời công nghệ
Cách đây chưa đầy một thập niên, khái niệm "toà soạn hội tụ" còn khá lạ lẫm với nhiều người làm báo ở Việt Nam. Thế nhưng chỉ trong vài năm gần đây, hàng loạt các Đài truyền hình đến các báo truyền thống tất cả đều ít nhiều đã áp dụng mô hình sản xuất đa nền tảng, tích hợp video, âm thanh, đồ hoạ, podcast… vào quy trình xuất bản. Công nghệ không chỉ còn là công cụ phụ trợ, mà đã trở thành nhân tố chính của toàn bộ hoạt động toà soạn.
Tại buổi tọa đàm "Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI (trí tuệ nhân tạo) sáng tạo nội dung càng giỏi" do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nhấn mạnh: "Báo chí hiện nay đã hoàn toàn khác so với 10 năm trước. Nếu nhà báo cũng chỉ đơn thuần là người lưu tin thì chắc chắn chúng ta sẽ bị thay thế".

Nhà báo, nếu không muốn bị "lùi lại phía sau", buộc phải thành thạo cả công nghệ lẫn tôn trọng đạo đức nghề nghiệp. Ảnh: Duy Khánh.
Với sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo (AI), báo chí Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng chuyển đổi sâu hơn nữa. Từ các công cụ tự động tạo nội dung, gợi ý tiêu đề hấp dẫn, tối ưu hóa SEO, đến khả năng tạo hình ảnh minh hoạ bằng AI, giọng đọc bằng AI… tất cả đang dần thay thế những khâu thủ công từng chiếm nhiều thời gian. Nhiều đơn vị đã dùng chatbot hỗ trợ bạn đọc tra cứu thông tin hoặc theo dõi tin tức theo chủ đề cá nhân hóa.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ này cũng đặt ra câu hỏi không nhỏ về vai trò của con người. Khi máy móc có thể viết tin, tạo hình ảnh, tổng hợp nội dung, thì nhà báo cần làm gì để giữ được chất riêng, sự chính xác, và đạo đức nghề nghiệp? Câu trả lời, theo nhiều người làm nghề lâu năm, nằm ở tư duy phân tích, năng lực kể chuyện và cái tâm của người viết.
TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền cũng khẳng định: "AI không phải là mối đe dọa, mà là cơ hội để nhà báo khẳng định và định vị mình. AI có thể tổng hợp nhanh các bản tin thể thao hay tường thuật một phiên họp Quốc hội. Nhưng nếu để viết một bài phân tích về chính sách, đặt ra vấn đề, phản biện và kiến giải - chỉ nhà báo hiểu nghề và có trải nghiệm thật mới làm được".
Chạy đua trên nền tảng số
Theo một khảo sát gần đây, hơn 70% người Việt dưới 35 tuổi tiếp cận thông tin chủ yếu qua mạng xã hội và các nền tảng số. Điều đó đồng nghĩa, nếu báo chí không chuyển mình để hiện diện ở nơi công chúng đang có mặt, thì nguy cơ bị gạt ra khỏi "cuộc chơi" là hoàn toàn có thể xảy ra.
Không phải ngẫu nhiên khi ngày càng nhiều toà soạn Việt Nam xây dựng đội ngũ chuyên làm nội dung trên Facebook, TikTok, Instagram, YouTube… Bên cạnh đó là sự đầu tư vào các mô hình báo chí dữ liệu, kể chuyện đa phương tiện, sử dụng công cụ tương tác để giữ chân người đọc.
Tuy nhiên, việc chạy đua theo nền tảng cũng không hề dễ dàng. Nhiều nhà báo trẻ chia sẻ áp lực "giật tít", chạy theo "trend", thậm chí phải liên tục xuất hiện trên các clip cá nhân để hút tương tác.
Mặt khác, các thuật toán của Facebook, Google, TikTok có thể thay đổi chỉ sau một đêm, khiến lượng truy cập từ hàng chục nghìn có thể rơi về con số không. Câu chuyện nội dung bị bóp méo để chạy theo lượt tương tác, tin giả được lan truyền nhanh hơn tin thật, hay hiện tượng "giật tít câu view" đều là những hệ luỵ rõ ràng của thời đại báo chí số.
Thách thức hiện nay là làm sao giữ được bản sắc, đạo đức và uy tín báo chí trong một môi trường mà công nghệ vừa là cơ hội, vừa là áp lực cạnh tranh khốc liệt. Nhà báo, nếu không muốn bị "lùi lại phía sau", buộc phải thành thạo cả công nghệ lẫn tôn trọng đạo đức nghề nghiệp.
Tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam năm 2025, ngày 21/4, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh từng nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc đẩy mạnh công nghệ số trong tác nghiệp báo chí, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nhà báo đáp ứng yêu cầu hội nhập…
Công nghệ đang mở ra một kỷ nguyên mới cho báo chí Việt Nam, nơi mà tốc độ, sự cá nhân hoá và tính tương tác được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng chính trong làn sóng ấy, người làm báo cần giữ những giá trị cốt lõi: sự thật, nhân văn và tinh thần phụng sự công chúng, bạn đọc.
Giờ đây, công nghệ chỉ là phương tiện nên người viết nếu biết đứng vững vẫn là "linh hồn" của mọi tờ báo, dù là trên giấy, màn hình hay bất kỳ nền tảng nào trong tương lai.

Điều chỉnh nguồn ngân sách hỗ trợ báo chí phù hợp với kỷ nguyên số
Kinhtedothi - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí (gọi tắt là Chương trình).

Báo chí góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá của Thủ đô
Kinhtedothi - Nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành cùng Thủ đô trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển.

Báo chí – “bệ đỡ” nâng tầm thương hiệu Việt
Kinhtedothi - Với độ tin cậy, cùng các bước kiểm duyệt kỹ càng thông tin trước khi đưa lên mặt báo, báo chí chính thống là kênh truyền thông không thể thiếu, góp phần lớn vào sự lan toả thương hiệu của DN đến gần hơn với công chúng.